Thái Lan kỳ vọng sản xuất được 300.000 – 310.000 tấn tôm trong năm 2017. Theo FAO, nguồn cung tôm Thái Lan năm 2017 được dự báo tăng 5%. Giai đoạn 2012 – 2015, sản lượng tôm Thái Lan giảm mạnh xuống chỉ còn 200.000 tấn do dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) gây thiệt hại nặng cho ngành tôm nước này. Sản lượng cao nhất của ngành tôm Thái Lan là 640.000 tấn vào năm 2012.
Theo dự báo của ông James Gulkin, giám đốc điều hành doanh nghiệp thương mại thủy sản có trụ sở tại Bangkok là Siam Canadian Group, sản xuất sẽ thấp hơn nhiều so với con số 400.000 – 450.000 tấn. Năm 2015, ông Gulkin từng dự báo ngành tôm Thái Lan sẽ phục hồi hoàn toàn nhưng hiện ông cho rằng Thái Lan sẽ cần thêm 3 năm nữa để ngành tôm khôi phục. Theo dự báo của FAO, sản lượng tôm của Thái Lan năm 2018 sẽ tăng khoảng 10 – 20% lên mức cao nhất có thể là 335.000 tấn. Bất chấp giai đoạn 5 năm đầy khó khăn vừa qua, ông Gulkin lạc quan rằng ngành tôm Thái Lan sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng 10% sản lượng trong năm tới.
Về giá trị, tôm là mặt hàng chiếm gần 70% tổng doanh thu đạt 320 – 325 triệu USD của Siam Canadian trong năm 2017. Năm 2016, doanh thu của Siam Canadian đạt 300 triệu USD. Trước đây, Thái Lan chiếm 100% doanh thu của Siam Canadian nhưng vấn đề dịch bệnh nghiêm trọng giai đoạn 2012 – 2015 buộc nước này phải tăng cường chuyển dịch sang các nước khác. “Về giá trị, Thái Lan hiện chiếm gần 30% và về lượng, chiếm gần 26%”.
Trên toàn cầu, sản xuất tôm được dự báo tăng 5 – 15%, chủ yếu nhờ tăng trưởng kinh tế mạnh hơn và nguồn cung đầy đủ. Tại Mỹ, thị trường cá và thủy sản sẽ tăng 4% trong năm 2017 nhờ sự quan tâm ngày càng tăng của người tiêu dùng tới các vấn đề sức khỏe.
Ngành tôm Thái Lan đã thay đổi rất mạnh kể từ năm 2012, khi dịch bệnh EMS khiến hàng loạt các nhà sản xuất tôm tại nước này bị thiệt hại. “Sản xuất tôm giảm mạnh tại Thái Lan vào năm 2012, nhưng vấn đề của năm 2012 đã gần như được giải quyết và ngành tôm Thái Lan đang tăng trưởng trở lại”, ông Gulkin cho hay.
Trung Quốc, vốn trước đây là một trong những nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới, nay trở thành một nhà nhập khẩu tôm ròng. Ấn Độ và các nước Đông Nam Á hưởng lợi từ nhu cầu ngày càng tăng của Trung Quốc, cộng với sản xuất đang ở mức tương đối thấp, cũng tương tự như các nước Nam Mỹ, khiến luồng tôm xuất khẩu toàn cầu đang đổ dồn sang Trung Quốc, thay vì Mỹ hoặc châu Âu. “Ngành thủy sản Trung Quốc bị tác động nghiêm trọng bởi hàng loạt vấn đề, bao gồm ô nhiễm, tính phân tán rất cao của ngành này và thiếu hiểu biết liên quan đến sử dụng kháng sinh”, ông Gulkin phân tích.
Thái Lan hưởng lợi từ một thị trường thông suốt hơn, dẫn đầu là các nhà sản xuất thực phẩm chính như CP Group và Thai Union. “Ngành này đã có những biến đổi sâu sắc kể từ năm 2012. Ấn Độ chiếm vị thế số 1 thế giới từ Thái Lan, vốn là nước cung ứng tôm đông lạnh lớn nhất thế giới. Indonesia và Việt Nam cũng có tăng trưởng mạnh”. Việt Nam, Indonesia, và Ấn Độ đang có tăng cường tranh nhau khoảng trống nguồn cung mà Thái Lan bỏ lại. “Thái Lan đang trong giai đoạn khôi phục sản xuất, trong khi Ấn Độ đang mở rộng sản xuất”.
FAO cho biết Ấn Độ hiện dẫn đầu về nguồn cung tôm thẻ toàn cầu. Năm 2016, sản xuất tôm thẻ của Ấn Độ đạt gần nửa triệu tấn. Xuất khẩu tôm từ Ấn Đột tăng mạnh 34% so với năm 2015, chủ yếu nhờ nhu cầu cao từ Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và Mỹ. Trong khi đó, sản xuất tôm của Việt Nam 5 tháng đầu năm 2017 đạt 144.000 tấn, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2016.
Đối với các nhà cung ứng thực phẩm, chi phí là vấn đề cốt lõi do các sản phẩm phải có giá đủ thấp để có thể tăng nhu cầu, nhưng cũng phải đủ cao để cho phép các nhà bán lẻ thu được lợi nhuận hấp dẫn. Biến động giá ngày càng được quan tâm nhiều hơn, ông Gulkin cho biết, do các nhà sản xuất có các hợp đồng giao sau cần hoàn thành với giá đã cố định từ trước, ngay cả khi giá tăng vào thời điểm tương lai.
Năm 2017, giá tôm toàn cầu ở mức cao cho tới quý 3, sau đó giảm do nguồn cung từ Ấn Độ và Indonesia tăng. Năm 2018, giá tôm được dự báo ổn định, nhưng thấp hơn năm 2015 hoặc 2014, tương đương mức giá nửa đầu năm 2017, ông Gulkin dự báo. Thị trường tôm đang dần ổn định trở lại sau vài năm bất ổn. “Năm 2014, giá tăng vọt do sản xuất từ Thái Lan sụt giảm, và thiếu nguồn cung thay thế”, ông Gulkin cho biết.
Các biên lợi nhuận vẫn ở mức thấp do sự cạnh tranh mạnh trong ngành. CÁc nhà giao dịch như Siam Canadian có biên lợi nhuận dưới 5% ngay cả khi có luồng tiền cần thiết để thu mua sản phẩm cho các nhà chế biến và các nhà đầu tư quốc tế trở nên thận trọng hơn. “Tôi hy vọng sẽ chuyển một phần doanh thu sang mảng kinh doanh nhập khẩu hiện có lợi nhuận tốt hơn nhiều”.
Siam Canadian Gourmet, một doanh nghiệp độc lập thuộc Siam Canadian, được kỳ vọng sẽ mang lại lợi nhuận trong những năm tới nhờ bán các món tráng miệng và các sản phẩm thực phẩm cho các nhà bán lẻ như Marco, Tesco, Big C, các nhà hàng và các hãng hàng không như Bangkok Airways.
Theo Bangkok Post (Gappingworld.com)