Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ba "mũi tấn công" trên thương trường của người Thái
06 | 12 | 2007
Chính sách "song trùng" (dual-track) cùng với chiến lược du lịch tạo thành ba "mũi tấn công" mang tầm chiến lược giúp người Thái vững bước tiến trên thương trường toàn cầu hiện nay.
-Những năm gần đây, Chính phủ Thái Lan thực hiện mô hình phát triển "song trùng", trong đó một mặt chú trọng tăng cường các mối liên kết với kinh tế toàn cầu, mặt khác vẫn khuyến khích và tăng cường kinh tế trong nước.

"Trong thế giới gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế và hợp tác khu vực ngày càng chặt chẽ, Thái Lan đang nỗ lực liên kết nền kinh tế của mình với các nước láng giềng và các khuôn khổ hợp tác kinh tế trên thế giới", ông Theeretep Promvongsanon - Tham tán Đại sứ quán Vương quốc Thái Lan tại Hà Nội - cho VietNamNet biết.

Soạn: AM 516163 gửi đến 996 để nhận ảnh này

Du lịch - một trong ba mũi nhọn kinh tế Thái.

Liên kết với kinh tế toàn cầu

Đây là mũi nhọn thứ nhất trong chính sách phát triển kinh tế Thái Lan. Thực tế nhiều năm qua cho thấy, chính sách đối ngoại của Thái Lan là ưu tiên phát triển kinh tế vùng thông qua hợp tác với các nước láng giềng Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam. Điều này đã phát huy được sức mạnh và tài nguyên của mỗi nước, qua đó tăng cường sự ổn định kinh tế của mỗi quốc gia.

Thái Lan đặc biệt quan tâm tới việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế các vùng dọc biên giới; tạo điều kiện phân bố các ngành nông nghiệp và chế tạo trong các khu vực có lợi thế so sánh, tạo việc làm và thu hẹp chênh lệch về thu nhập giữa các tỉnh vùng biên với các đô thị cũng như giữa những tỉnh biên giới các nước láng giềng với nhau.

Hầu hết các nước đều chú trọng tới kinh tế vùng biên, song cách làm của Thái Lan có những yếu tố khá đặc thù. Nước này chủ trương mở rộng hợp tác kinh tế với các nước láng giềng kể cả trong khu vực nhà nước lẫn tư nhân thông qua các khuôn khổ hợp tác tiểu vùng về thương mại, đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp. Thái Lan đặc biệt chú trọng việc kết nối mạng lưới giao thông đường bộ - đường biển - đường không, phát triển du lịch và nguồn nhân lực.

Theo dõi sát sao doanh nghiệp trong nước

Luôn chú trọng tăng cường các mối liên kết với kinh tế toàn cầu như vậy song Thái Lan cũng không sao nhãng sự phát triển của các doanh nghiệp cạnh tranh ngay trong nội địa. Ngược lại, chính phủ rất quan tâm tới việc tăng sức cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước và giúp đỡ họ tiếp cận thị trường quốc tế một cách hiệu quả thông qua các thoả thuận thương mại tự do song phương với nhiều nền kinh tế có sức cạnh tranh lớn hơn hẳn như Mỹ, Ấn Độ, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Australia.

Các cơ quan đại diện ở nước ngoài của Thái Lan thường xuyên triển khai thực hiện các biện pháp thúc đẩy thương mại như: tổ chức hội chợ triển lãm, hội nghị thương mại; làm "tình báo kinh tế" cho các doanh nghiệp trong nước đi đôi với cung cấp thông tin về doanh nghiệp Thái Lan ra nước ngoài; đẩy mạnh hội nhập tiểu vùng như bước đệm phù hợp trước khi hội nhập toàn cầu; tích cực đàm phán thêm các hiệp định tự do thương mại mới với các nước...

Thái Lan vẫn là một nước nông nghiệp truyền thống, song chính sách giảm dần tỷ trọng ngành này trong nền kinh tế vẫn được Chính phủ quan tâm duy trì đều đặn. Bắt đầu từ năm 1960 Thái Lan thực hiện Kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội lần thứ nhất và đến nay là Kế hoạch 9. Những năm 1970 Thái thực hiện chính sách "hướng xuất khẩu": ASEAN, Mỹ, Nhật, EC là thị trường xuất khẩu chính của Thái Lan. Ngành công nghiệp và dịch vụ đã dần dần đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế và vai trò của nông nghiệp giảm dần.

Đây là mũi nhọn thứ hai trong chính sách phát triển kinh tế Thái Lan.

Du lịch - mũi nhọn kinh tế Thái

Các địa danh như Bangkok, Patayat, Chiang Mai, Phuket... ngày nay đã trở nên hết sức quen thuộc với du khách toàn cầu, kể cả những du khách phương Tây kỹ tính. Nguồn thu từ du lịch chiếm 6% tổng sản phẩm quốc nội của Thái Lan, thu 7 tỷ USD mỗi năm và là chỗ dựa cứu nguy thời khủng hoảng tài chính châu Á năm 97 - 98.

Có được điều đó là nhờ người Thái có cả một ngành công nghiệp du lịch với chiến lược mạch lạc, với những hoạt động quảng bá mang tính chuyên nghiệp rất cao và họ hiểu rõ phương châm “muốn thu hoạch phải đầu tư”. Chỉ riêng ngành du lịch được chính phủ Thái quan tâm đặc biệt và có vị thế tương đương với hai chính sách lớn mang tầm vĩ mô của cả nền kinh tế như đã nói trên. Du lịch chính là mũi nhọn thứ ba.

Thực vậy, Thái Lan không ngừng áp dụng nhiều biện pháp: cải tiến thủ tục, giảm lệ phí visa, gia tăng các loại hình dịch vụ đặc sắc, xây dựng mạng lưới shopping đa dạng, mở nhiều điểm tham quan mới bên cạnh việc trùng tu những thắng cảnh truyền thống và đáng ghi nhận là những chương trình tiếp thị tận gốc của Chính phủ.

Chẳng hạn, Chính phủ Thái đang hỗ trợ phát triển những nhà hàng Thái với những quy mô khác nhau ở khắp thế giới, với khoảng 7.000 nhà hàng. Một chiến dịch như vậy đã mang hương vị Thái đến tận những người ít quan tâm tới đất nước này nhất, buộc họ phải chú ý và đi du lịch Thái Lan.

Việc mở rộng các nhà hàng Thái trên khắp thế giới cũng góp phần xuất khẩu gạo thơm của Thái, các công nghệ chuyển giao và làm bùng nổ ngành du lịch của Thái. Chính phủ Thái Lan lập một công ty mới là Global Thai Restaurant để quảng bá các nhà hàng Thái trên thế giới.

Song song với các chiến dịch ngắn hạn thiên về bề nổi như trên, Cục Xúc tiến phối hợp với công ty CAD xuất bản ấn phẩm Tin tức về nhà hàng Thái và tổ chức hội thảo để giúp các nhà đầu tư Thái phát triển thương hiệu nhà hàng Thái ở nước ngoài.

Khi Chính phủ xắn tay áo làm tiếp thị du lịch

Chưa hết, các quan chức Thái luôn đặt mục tiêu tìm kiếm khách hàng thường xuyên cho ngành du lịch nước nhà. Chẳng hạn, năm 2004, chính Phó Thủ tướng Thái Lan là Somkid Jatusripitak đã dẫn một phái đoàn thương mại đến Nhật để khai thác thị trường du lịch của nước này. Điều đặc biệt là phái đoàn thương mại không ký kết một văn bản nào với Chính phủ Nhật mà lại ký bản ghi nhớ với 19 công ty lớn của Nhật để cam kết thực hiện việc đưa các nhân viên của các công ty này đến du lịch tại Thái Lan.

Tương tự như vậy, các phái đoàn các cấp của Chính phủ Thái còn thường xuyên tiếp xúc với các công ty nước ngoài để thảo luận các cơ hội kinh doanh về du lịch. Thái Lan thường đưa ra được giá chào tour du lịch hấp dẫn cho các nhà lãnh đạo cao cấp của các công ty lớn này.

Mời được khách đến rồi, người Thái vẫn không ngừng quan sát và tìm cách chiều lòng khách hàng. Chẳng hạn, từ lâu nơi này đã là điểm hẹn của dân hippi và Tây ba lô, song Thái Lan ngày nay còn lo thu hút thêm các vị cao niên, một khối lượng du khách đang tăng 6% mỗi năm tại đây. Mục tiêu là tìm thêm tiền cho Thái Lan bằng cách nới dài số ngày mà các du khách cao niên có thể ở.

Trước kia du khách có thể ở tối đa từ một đến ba tháng. Hiện giờ, nếu khách trên 50 tuổi với 18.660 USD trong ngân hàng, hay có thu nhập hàng tháng hơn 65.000 baht có thể được cấp visa cư trú dài hạn 1 năm. Nhờ những biện pháp thiết thực, hiện nay du khách cao niên chiếm 15% tổng số du khách, và tăng đều hàng năm.

Như vậy, ngành du lịch đã và đang cùng với hai chính sách lớn mang tầm vĩ mô của cả nền kinh tế như đã nói trên, chính sách song trùng, tạo thành ba mũi tấn công mang tầm chiến lược giúp người Thái vững bước tiến trên thương trường toàn cầu hiện nay.

Vương quốc Thái Lan

I- Khái quát chung:
- Diện tích: 513.115 km2, gồm 76 tỉnh. Thủ đô: Bangkok (từ năm 1782).
- Dân số tính đến năm 2005: 64,1 triệu người; tỷ lệ tăng 1,5%/năm.
- GDP đầu người năm 2004: 2.190 USD.

II- Lịch sử phát triển:
Theo sử sách Thái Lan, người Thái xuất xứ từ vùng núi An-Tai, Đông Bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc từ 4500 năm trước, sau đó di cư dần xuống vùng đất hiện nay là Thái Lan. Vào năm 1238, người Thái thành lập Vương quốc tại Sukhothai (hiện ở miền Bắc Thái Lan), sau đó mở rộng lãnh thổ xuống phía Nam, và năm 1350 chuyển kinh đô xuống Ayuthaya (phía Bắc Bangkok 70 km).

Năm 1767, một tướng người Thái gốc Hoa, Taksin, đứng lên chống quân Myanmar giành lại độc lập và dời đô về Thonburi, bên bờ sông Chao Phaya, đối diện với Bangkok. Vua Rama I (1782) lên ngôi và lấy Bangkok (Thành phố của các thiên thần) làm Thủ đô.

III- Kinh tế:
Từ 1988 – 1995 kinh tế Thái Lan đạt tốc độ tăng trưởng cao từ 8% đến 10%. Nhưng đến năm 1996 tăng trưởng kinh tế giảm xuống còn 5,9% và sau đó là cuộc khủng hoảng tài chính tiền tệ 7/1997 làm cho kinh tế Thái Lan rơi vào tình trạng khó khăn trầm trọng. Kể từ năm 1999, kinh tế Thái Lan bắt đầu có dấu hiệu phục hồi và nay đang tiếp tục quá trình phục hồi nhằm hướng tới sự phát triển bền vững.

Tăng trưởng GDP năm 1999 đạt 4,4%; 2000 đạt 4,6%, 2001 đạt 1,8%, năm 2002 đạt 5,2% và năm 2003 đạt 6,7%, năm 2004 đạt 6,4%. Đồng baht tương đối ổn định. Dự trữ ngoại tệ ở mức cao 37-38 tỉ USD (tháng 8/1997 ở mức 800 triệu USD).
Nguồn: Bộ Ngoại giao.



Nhật Vy
Báo cáo phân tích thị trường