Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguồn nhân lực qua đào tạo - Yếu tố quan trọng hàng đầu của HTX nông nghiệp
05 | 12 | 2017
Làm thế nào để các HTX có thể ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, điều hành và SX để nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của HTX? Theo TS Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT để trả lời những câu hỏi này, việc đầu tiên là phải củng cố, nâng cao...
Thứ trưởng Trần Thanh Nam trong một lần đi kiểm tra sản xuất nông nghiệp

Hiện nay để thích ứng với cơ chế thị trường, người sản xuất (SX) và các hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) đang cố gắng để trả lời các câu hỏi như: Cần phải SX cái gì để đáp ứng nhu cầu thị trường? Làm thế nào để HTX tổ chức SXKD tốt nhất, mang lại hiệu quả cao nhất cho cả thành viên và HTX? Làm thế nào để các HTX có thể ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quản lý, điều hành và SX để nâng cao hiệu quả hoạt động SXKD của HTX? Theo TS Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN- PTNT để trả lời những câu hỏi này, việc đầu tiên là phải củng cố, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTXNN.

Thưa Thứ trưởng, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn của các HTXNN hiện nay đang ở đâu?

Cả nước hiện nay có 10.726 HTXNN[1], trong đó 62% là các HTX dịch vụ tổng hợp, số còn lại 38% là các HTX chuyên ngành, hoạt động chuyên sâu trong một hoặc hai lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi thủy sản hay lâm nghiệp.

Sau khi Luật Hợp tác xã 2012 có hiệu lực từ 01/07/2013, tốc độ thành lập mới các HTX được đẩy lên rất cao, trung bình mỗi năm cả nước có từ 800 đến 1.000 HTX mới ra đời. Đa số các HTX thành lập mới là các HTX chuyên cây, chuyên con tham gia vào các ngành hàng, chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp cụ thể.

Yêu cầu đổi mới tổ chức SX và áp lực cạnh tranh trên thị trường đối với các HTX là rất lớn. Tuy nhiên, chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn các HTX rất hạn chế. Các HTX đều thiếu đội ngũ cán bộ quản lý và cán bộ chuyên môn có trình độ CĐ, ĐH. Ưu điểm của đội ngũ cán bộ HTX là có kinh nghiệm SX nông nghiệp, đa số được tín nhiệm nhưng thiếu các phương pháp quản lý, quản trị đối với HTX.

Theo thống kê, số cán bộ quản lý HTXNN đã qua đào tạo (trung cấp trở lên) tỷ lệ thấp (khoảng 46%); trên 60% chủ tịch HĐQT hoặc GĐ HTX đã hết tuổi lao động, hoạt động chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tiễn, thiếu nhạy bén trong cơ chế thị trường, không tổ chức xây dựng được phương án SXKD có hiệu quả cho HTX.

Hạn chế này càng làm khó khăn hơn cho các HTX khi không tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng và khả năng liên kết SXKD của HTX với các đối tác, DN trong các chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp rất hạn chế.

Giải pháp nào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTXNN hiện nay, theo Thứ trưởng?

Trình độ đội ngũ cán bộ quản trị hạn chế ngoài lý do quy mô SX nhỏ, thiếu các dự án liên kết với DN, còn do thiếu được đào tạo chuyên sâu. Để cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, một số địa phương và các HTX hoạt động hiệu quả đã có những giải pháp tích cực như: Tổ chức các khóa đào tạo các cán bộ trẻ đưa về làm việc ở các HTX, một số tỉnh biệt phái các cán bộ của một số cơ quan cấp tỉnh, huyện, xã về làm cán bộ quản lý HTX trong thời hạn 3 năm.

Các HTX chăn nuôi Quý Hiền ở tỉnh Lào Cai, HTX chăn nuôi bò sữa Evergrowth ở tỉnh Sóc Trăng và nhiều HTX khác đã chủ động gửi con em của các thành viên HTX đi học ở các trường ĐH, học xong quay về làm việc cho HTX.

Các giải pháp này ít nhiều thu được những kết quả nhất định nhưng nhìn chung còn nhiều hạn chế. Các cán bộ biệt phái, cán bộ được đào tạo gửi về HTX làm việc phần đông chưa thật sự tâm huyết với hoạt động của HTX mà chủ yếu làm cho “tròn vai” để sớm được rút về các cơ quan hành chính.

Đối với các HTX việc cử người đi đào tạo rất khả quan nhưng cũng rất tốn kém cho HTX và số lượng không nhiều. Bởi vậy, giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các HTXNN, trong thời gian tới phải được thực hiện đồng bộ và đa dạng, kết hợp nhiều giải pháp, cách làm khác nhau để có thể đạt được hiệu quả cao nhất.

Thứ trưởng có thể cho biết cụ thể hơn các giải pháp sẽ triển khai tới đây nhằm "thay máu" đội ngũ can bộ các HTX là gì?

Theo chúng tôi, cần quan tâm một số giải pháp sau:

- Tăng cường các khóa tập huấn, đào tạo kiến thức về quản lý HTX, kiến thức SXKD cho cán bộ và thành viên HTX, xuất phát từ nhu cầu của chính các cán bộ và thành viên HTX này.

Lồng ghép các nguồn đào tạo như đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn, tập huấn khuyến nông... Kết hợp tập huấn, đào tạo các kiến thức về quản lý HTX, kỹ thuật SX tiên tiến với các kiến thức, kỹ năng về xã hội nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý HTX có kiến thức quản lý và phát triển toàn diện.

- Khẩn trương đào tạo và phát triển đội ngũ tư vấn phát triển HTX bao gồm các chuyên gia về thể chế, quản lý tài chính, chuyên gia về KH- CN để giúp nâng cao hiệu quả họat động cho các HTX. Tận dụng tốt các nguồn nhân lực ở các cơ quan chuyên môn, cơ quan khuyến nông, liên minh HTX để hỗ trợ đào tạo, tư vấn cho HTX. Nhiều địa phương đã xây dựng mô hình cán bộ khuyến nông xã đảm đương vai trò cán bộ kỹ thuật cho HTX hoạt động rất hiệu quả.

- Tổ chức triển khai có hiệu quả chương trình thí điểm thu hút cán bộ có chuyên môn đã qua đào tạo trình độ từ cao đẳng trở lên về làm việc cho các HTXNN theo quy định tại Thông tư 340/2016/TT-BTC ngày 29/12/2016 của Bộ Tài chính Hướng dẫn về mức hỗ trợ và cơ chế tài chính hỗ trợ bồi dưỡng nguồn nhân lực của HTX theo Chương trình hỗ trợ phát triển HTX giai đoạn 2015 - 2020.

Hiện nay đa số HTX đang thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật về công tác tại HTX, đặc biệt là cán bộ kế toán và cán bộ kỹ thuật chuyên ngành.

- Xây dựng các đề án, dự án đào tạo nâng cao năng lực nguồn nhân lực HTX trong và ngoài nước, phối hợp các tổ chức quốc tế tại Việt Nam để xây dựng các chương trình đào tạo chuyên sâu gắn với việc nâng cao năng lực hoạt động các mô hình HTX.

Cần có đề án xây dựng chương trình giới thiệu tổng quan ngành nghề hoạt động của HTX trong một số trường ĐH có ngành nông nghiệp, nhất là xây dựng một số mô hình HTX trong ký túc xá sinh viên nông nghiệp để định hướng các em sinh viên quan tâm đến lĩnh vực HTX ngay khi còn ngồi trên ghế giảng đường ĐH.

Xây dựng thí điểm chương trình đào tạo nâng cao năng lực cán bộ HTX ở nước ngoài theo hướng xã hội hóa nhằm đưa cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn của HTXNN đi ra nước ngoài vừa học tập trau dồi kinh nghiệm SX, kiến thức quản lý HTX hiện đại vừa lao động tăng thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống và học tập.

- Các HTX cũng cần chủ động xây dựng chính sách nội bộ, kế hoạch đào tạo bồi dưỡng nâng cao chất lượng cán bộ quản lý, cán bộ chuyên môn thông qua các chương trình liên kết đào tạo và các mô hình hoạt động hiệu quả. Gửi con em trong HTX đi đào tạo như một số mô hình HTX tiêu biểu đã làm.

- Trong tập huấn đào tạo cũng cần đổi mới phương thức tập huấn, đào tạo bồi dưỡng cho HTX theo hướng cầm tay chỉ việc, đào tạo thông qua các DN liên kết; tập huấn, đào tạo phải gắn liền với tư vấn hỗ trợ phát triển mở rộng quy mô SXKD của HTX và các hộ thành viên HTX. Tránh trường hợp đào tạo xong không phát huy được hiệu quả đào tạo.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

"Chất lượng nguồn nhân lực luôn là yếu tố quan trọng đối với mọi chủ thể kinh tế hoạt động SXKD trong cơ chế thị trường. Đối với các HTXNN, yếu tố này càng trở nên quan trọng và là nhân tố quyết định đến sự thành công hay không của việc phát triển và nhân rộng phong trào HTXNN.

 Việc xác định đúng nhu cầu bồi dưỡng đào tạo, kết hợp nhiều giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ và thành viên HTXNN là chìa khóa giúp các chương trình hỗ trợ phát triển HTX đạt được kết quả mong đợi và cũng giúp cho các HTX tháo gỡ được những khó khăn". - Thứ trưởng Trần Thanh Nam.

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường