Ban tổ chức đã giới thiệu về Mạng lưới phát triển HTX (NETCOOP), với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển của các HTX nông nghiệp ở Việt Nam.
|
Phân loại thanh long ở HTX Tầm Vu (Long An) |
NETCOOP được hình thành từ sáng kiến của các thành viên chủ chốt trong năm 2017, gồm: Cục Kinh tế hợp tác và PTNT, Trường cán bộ Quản lý NN&PTNT 2, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn, Cục Phát triển HTX (Bộ KH-ĐT), Liên minh HTX Việt Nam, SOCENCOOP, GIZ, FAO AGRITERRA, COCODEVI.
Thành viên của NETCOOP bao gồm các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế, các viện nghiên cứu, các cơ quan nhà nước Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến HTX nông nghiệp.
Các hoạt động của NETCOOP thực hiện theo 3 trục sau: Đối thoại chính sách nhằm góp phần xây dựng và cải thiện môi trường pháp luật và chính sách hỗ trợ phát triển bền vững HTX nông nghiệp và cấu trúc mạng lưới HTX nông nghiệp tại Việt Nam; thúc đẩy hợp tác góp phần vào phát triển bền vững HTX nông nghiệp tại Việt Nam; hợp tác trong lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật và các lĩnh vực liên quan khác nhằm góp phần phát triển bền vững HTX nông nghiệp tại Việt Nam.
Theo ông Đặng Văn Thanh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển HTX (Bộ KH-ĐT), đến hết năm 2016, cả nước ta có 21 liên hiệp HTX và 10.726 HTX nông nghiệp. Trong đó có 9 liên hiệp HTX và 2.606 HTX nông nghiệp được thành lập mới. Đa số các HTX nông nghiệp hoạt động tổng hợp (chiếm 62%), số HTX hoạt động chuyên ngành chỉ chiếm 38%. Nhìn chung, HTX nông nghiệp đều gặp khó khăn do thiếu nguồn vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh; thiếu tư vấn của đội ngũ cán bộ KH-KT; thiếu hệ thống bảo quản sau thu hoạch; trình độ quản lý và chuyên môn của cán bộ HTX hạn chế; việc liên kết giữa nông dân, HTX, DN để tổ chức sản xuất chưa đáp ứng được yêu cầu; số HTX tham gia chuỗi giá trị còn hạn chế…
Dầu vậy, trong thời gian qua, nhất là từ khi có Luật HTX 2012, sự phát triển của các HTX nông nghiệp đã có những điểm sáng đáng ghi nhận. Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, nếu như khi Luật HTX 2012 mới ban hành, chỉ có khoảng 10% HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả thì đến nay đã tăng lên trên 30%.
Để đẩy mạnh phát triển HTX nông nghiệp trong những năm tới, Bộ NN-PTNT đề ra 3 trục ưu tiên phát triển HTX nông nghiệp, gồm: Tuyên truyền, thống nhất nhận thức về mô hình HTX trong nông nghiệp; thúc đẩy quy mô kinh doanh, cung cấp dịch vụ của các HTX nông nghiệp, tạo ra các liên kết với thị trường và mở rộng quy mô; cải thiện năng lực quản lý, tăng tính minh bạch và tạo niềm tin của xã hội đối với HTX...
Theo Nông nghiệp Việt Nam