Sự khởi đầu hoạt động của mạng lưới chính sách lâm nghiệp vùng Tây Nguyên
Tiếp theo cuộc họp ngày 19/3/2007 ở Buôn Mê Thuột đánh dấu sự ra đời của Mạng lưới Lâm nghiệp khu vực Tây Nguyên, trong hai ngày 6 và 7/8/2007 đã diễn ra cuộc họp đầu tiên của mạng lưới này. Các đại biểu tham dự, về phía TW gồm có các đại diện của chương trình Việt-Đức, Cục Lâm nghiệp, Hiệp hội gỗ và lâm sản, Trung tâm Thông tin Viện Chính sách&Chiến lược PTNNNT, Đối tác hỗ trợ ngành lâm nghiệp FSSP, về phía địa phương gồm có các thành viên của mạng lưới thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Những vấn đề chính sách lâm nghiệp của vùng Tây Nguyên
Phát biểu khai mạc hội thảo ông Lê Văn Minh phụ trách mạng lưới chính sách vùng Tây Nguyên nhận định, trong bối cảnh Chính phủ đã phê duyệt chiến lược phát triển lâm nghiệp đến năm 2020 đòi hỏi phải được cụ thể hóa và những yêu cầu của thực tiễn phải được giải quyết, mạng lưới chính sách lâm nghiệp vùng đi vào hoạt động sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ công tác hoạch định và triển khai chính sách trong việc cung cấp thông tin phản hồi giữa TW và địa phương, chia sẻ kinh nghiệm giữa các địa phương. Cuộc họp lần này có ý nghĩa lớn vì nó mở đường cho sự hình thành và phát triển của các mạng lưới vùng, và định hình cho các hoạt động của mạng lưới trong thời gian tới.
Ông Võ Đình Tuyên, chuyên viên Cục Lâm nghiệp đã giới thiệu những nội dung chính của dự thảo thông tư “Hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng”.
Bà Đỗ Thị Thoan, điều phối viên chương trình nhấn mạnh Chương trình Việt-Đức cam kết hỗ trợ cho hoạt động của mạng lưới trên cơ sở các thành viên của mạng lưới đóng góp hiệu quả vào công tác xây dựng và triển khai chính sách. Vào 11/2006, chương trình Việt-Đức tổ chức khảo sát, đánh giá về những vướng mắc của quá trình thực thi chính sách. Giải pháp để thúc đẩy hiệu quả đó là xây dựng mạng lưới chính sách lâm nghiệp. 9/2007 sẽ có đoàn tư vấn trong nước và quốc tế sẽ làm tiếp các bước tiếp theo để hình thành mạng lưới chính sách lâm nghiệp TW và địa phương cho tòan quốc.
Các đại biểu đồng tình quan điểm Mạng lưới chính sách lâm nghiệp có vai trò rất quan trọng, là đầu mối cho các chính sách để xem xét các vấn đề của quá trình xây dựng và triển khai chính sách. Vấn đề còn lại đó là có phương pháp thực thi làm sao cho hiệu quả. Ông Nguyễn Văn Phong, phó GĐ sở Nông Nghiệp Gia Lai nhấn mạnh công tác tuyên truyền phổ biến các hoạt động của “mạng lưới” có ý nghĩa quan trọng cho sự thành công của mạng lưới, cần thiết phải tăng cường hệ thống thông tin, phối kết hợp thông tin định kỳ.
Một số đại biểu cho rằng về phía địa phương, các chính sách của tỉnh Tây nguyên thì một tỉnh phản ánh về cơ bản cũng đã khá thể hiện những vấn đề chung của vùng. Các vấn đề chính trong công tác hoạch định và triển khai chính sách ở vùng Tây Nguyên đang nổi lên đó là:
• Nói chung, hệ thống chính sách cơ bản đề cập đầy đủ đến các vấn đề phát triển lâm nghiệp. tuy nhiên, chính sách chưa gắn với tính xã hội cao, gắn với lý luận/nghiên cứu của ngành. Để đến được thực tế, qua các cấp, đến thực hiện ở người dân phải trải qua rất nhiều khâu, cấp. Những trở ngại của chính sách ở các khía cạnh AI LÀM, KHÂU NÀO, LÀM NHƯ THẾ NÀO vẫn chưa có những trả lời rõ ràng. Hệ thống lâm nghiệp ở cấp tỉnh, huyện, xã mỏng và yếu nên triển khai các chính sách rất gặp khó khăn. Chiến lược, mục tiêu, định hướng tốt, nhưng đi đến mức độ triển khai, giải pháp thực hiện thực tế….còn lúng túng, gặp nhiều trở ngại.
• Nhiều chính sách khi triển khai phải có sự đồng bộ triển khai. Những mục tiêu rất lớn nhưng nguồn lực hạn chế nên triển khai gặp khó khăn, ví dụ quyết định 304, vướng mắc về nguồn lực tài chính.
• Những chính sách động đến người dân, quyền lợi người dân, địa phương, xã hội hóa lâm nghiệp gặp rất nhiều khó khăn về: phân cấp, con người thực hiện, tài chính….phải có sự huy động các ban ngành để triển khai hành động mạnh mẽ.
• Sau khi đã triển khai nghị định 200, khi thực hiện có nhiều vướng mắc, quyền tự chủ của các doanh nghiệp vẫn chưa được thực sự, phải xin phép các đơn vị chức năng rất vất vả.
• Chính sách thuê đất: hiện nay các doanh nghiệp đều thuê đất, dùng lao động địa phương, tuy nhiên lợi nhuận lại rơi vào túi của các doanh nghiệp tư nhân. Nên chăng nếu dân lấy đất đóng vào doanh nghiệp theo hình thức cổ phần thì quyền lợi sẽ được đảm bảo. Nên phải có chính sách rõ ràng đất nào cho doanh nghiệp thuê, đất nào của người dân có thể sử dụng để đóng góp cổ phần.
Ông Hà Công Bình, chi cục trưởng chi cục lâm nghiệp ĐăkLăk cho rằng Quyết định 304, đường lối đưa ra đúng, tuy nhiên thực hiện chưa thực tế, giao đất cho đồng bào thường là cho người nghèo, đất nghèo kiệt, sau đó không có những hỗ trợ tiếp theo nên hiệu quả chưa cao. Nếu không có giải pháp cụ thể thì sẽ dẫn đến tình trạng “đưa con bỏ chợ”, muốn thực hiện phải có các hướng dẫn tiếp theo, diện tích nào nên trồng rừng, chăn nuôi…phải có giải pháp vốn. hiện nay rừng bị mất, bị phá….đề nghị các đồng chí phản ánh với lãnh đạo của Bộ.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản cho rằng hiện nay rất thiếu thông tin để xây dựng chính sách nên mạng lưới chính sách là một kênh thông tin giúp cho các nhà hoạch định chính sách ở TW có những phản hồi từ thực tiễn. Một vấn đề cũng làm trăn trở cho các nhà hoạch định chính sách đó là công tác nghiên cứu chưa tìm thấy một chính sách mang tính động lực để thay đổi cả ngành, giúp cho ngành lâm nghiệp phát triển nhanh như đã từng xảy ra đối với chỉ thị 100 và nghị quyết 10 của ngành nông nghiệp.
Con đường tiếp theo
Cuộc họp của mạng lưới chính sách lâm nghiệp vùng Tây Nguyên đã kết nối các thành viên của các tỉnh thaỏ luận và chia sẻ những thông tin và kinh nghiệm về các vấn đề chính sách lâm nghiệp. Đây là bước khởi động quan trọng để thúc đẩy các hoạt động của mạng lưới chính sách trong thời gian tới. Các đại biểu đã thảo luận và đưa ra các ưu tiên của hoạt động của mạng lưới chính sách lâm nghiệp trong kỳ họp tiếp theo:
- Thí điểm định giá rừng để xây dựng thông tư hướng dẫn thực hiện nghị định định giá rừng ở Lâm Đồng và Gia Lai.
- Nghị định 200 đổi mới nông lâm trường quốc doanh: Tổng kết kinh nghiệm cụ thể của lâm trường ở Gia Lai và ĐăkLăk
- Đánh giá giao rừng cho thuê rừng và giao đất cho thuê đất triển khai ở Đăk Lăk
- Những vấn đề trong quá trình sau 2 năm thực hiện triển khai dự án hỗ trợ trồng rừng sản xuất.
Tuy nhiên để thúc đẩy sự kết nối và hiệu quả hoạt động của mạng lưới chính sách lâm nghiệp vùng Tây nguyên, cũng như mở đường cho sự hình thành và phát triển của các mạng lưới vùng khác, và kết nối với mạng lưới TW cần thiết phải đẩy mạnh một số hoạt động sau:
- Tăng cường hoạt động thông tin giữa các thành viên của mạng lưới. Trong hoạt động này, vai trò của công tác hậu cần (thư ký mạng lưới) rất quan trọng trong việc chủ động gắn kết giữa các thành viên.
- Các cuộc họp của mạng lưới cần thiết phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về lịch trình và các nội dung thảo luận. Nên có thảo luận trước khi diễn ra cuộc họp để chọn các chủ đề chính sách ưu tiên, và thành viên mạng lưới chuẩn bị bài trình bày dưới dạng các báo cáo phân tích.
- Phát triển một trang web chia sẻ thông tin về các hoạt động của mạng lưới, các kinh nghiệm và bài học chính sách của các địa phương thuộc vùng, và diễn đàn thảo luận các vấn đề quan tâm…
- Phát triển ấn phẩm định kỳ “Diễn đàn mạng lưới chính sách lâm nghiệp” để phổ biến kết quả hoạt động và chuyển tải thông tin đến các đối tượng mục tiêu.