Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Luật HTX năm 2012 & bước phát triển mới của kinh tế HTX Nông nghiệp
24 | 11 | 2017
Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng, Chính phủ và sự nỗ lực vào cuộc của các địa phương nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX), khu vực kinh tế hợp tác, nhất là các HTXNN đã có sự chuyển biến, khởi sắc và dành được những kết quả nhất định.

Để thông tin rộng rãi kết quả đạt được trong thời gian qua, xác định những thuận lợi, thách thức và thảo luận thêm các phương thức phát triển HTX trong thời gian tới, AGROINFO xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT về vấn đề này đã đăng trên báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 24/11/2017.  

Lịch sử phong trào xây dựng HTX trong lĩnh vực nông nghiệp 

Chỉ vài tháng nữa sẽ là thời điểm đánh dấu tròn 70 năm sự ra đời của HTX đầu tiên ở Việt Nam, HTX Thủy tinh Dân chủ thành lập ở chiến khu Việt Bắc vào tháng 3/1948. Bảy thập kỷ đã qua đánh dấu sự thăng trầm của phong trào xây dựng HTX trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng ghi nhận những kết quả rất đáng trân trọng.

Tổ thủy lợi ở các HTXNN miền Bắc trước những năm 1975

Ngay sau Hội nghị Trung ương 8 Khóa II của Đảng, tháng 8/1955, 6 HTXNN ở 6 tỉnh là Ninh Bình, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên đã được xây dựng để đáp ứng yêu cầu SXNN và đến cuối năm 1957 đã xây dựng thí điểm 42 HTXNN có quy mô xóm thôn, bình quân 20-30 người/HTX với hình thức “làm chung, ăn chung” và phân phối lợi ích theo công điểm.

Suốt những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kéo dài cho đến tận thời điểm “Đổi mới” số lượng các HTX của Việt Nam liên tục tăng. Đến năm 1986 cả nước đã có 73.470 HTX, trong đó 17.022 là HTXNN, 32.034 HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và 24.414 HTX khác.

Thế nhưng, thời điểm trước “Đổi mới”, kinh tế HTX phần lớn đã thay thế kinh tế hộ, xóa bỏ tư hữu về tư liệu SX. Xã viên HTXNN chỉ là người làm công được HTX điều động làm các công việc khác nhau, không chịu trách nhiệm đến cùng về sản phẩm...

Mặc dù HTX “kiểu cũ” mang mô hình của một xí nghiệp nông nghiệp của nhà nước, chưa phát huy vai trò của kinh tế hộ, kinh tế tư nhân nhưng thành quả của các HTX thời đó lại không thể phủ nhận. Ở miền Bắc, HTX trở thành ngôi nhà chung cho những người ở lại vừa xây dựng hậu phương vừa chi viện cho tiền tuyến đánh Mỹ.

Chính mô hình HTX “kiểu cũ” thời đó đã giúp cho miền Bắc tập trung được nhân lực, vật lực chi viện cho chiến trường. HTX là nơi khuyến khích và cỗ vũ cho tinh thần đoàn kết, hợp tác của người dân trong nông thôn. HTX khi đó, cũng là nơi ứng dụng và phát triển KHKT vào SX, đưa năng suất lúa từ chỗ chỉ đạt chưa đầy 01 tấn/ha/vụ vào những năm cuối của thập niên 50 lên xấp xỉ 3,1 tấn/ha/vụ năm 1975.

Nhờ đó, tổng sản lượng lương thực quy thóc của miền Bắc Việt Nam đã tăng từ 4,0 triệu tấn/năm năm 1955 lên trên 5,5 triệu tấn/năm vào năm 1975, gấp 1,5 lần sau hai thập niên. Nhưng quan trọng nhất là phong trào HTX trải dài trên 30 năm ở miền Bắc đã hình thành tư tưởng hợp tác trong SX nông nghiệp và để lại cơ sở hạ tầng nông nghiệp, nông thôn tương đối hoàn chỉnh cho đến tận ngày nay.

Giai đoạn 10 năm tiếp theo kể từ năm 1986 đến năm 1996 được xem là giai đoạn khó khăn nhất đối với các HTXNN. Do những khó khăn của nền kinh tế trong những năm đầu của thời kỳ "Đổi mới", nhất là tình trạng lạm phát cao đã ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn hoạt động của HTX. Bên cạnh đó, các HTX hoạt động trong tình trạng không có khuôn khổ pháp lý điều chỉnh. Việt Nam chưa có Luật HTX ở thời điểm này.

Khi Luật Đất đai năm 1993 ra đời đã chính thức công nhận tư cách chủ thể kinh tế hộ nông dân. Kinh tế hộ gia đình chính thức được xác lập trở lại ở đầu những năm 1990 của thế kỷ trước một sự bứt phá thần kỳ của nông nghiệp đã diễn ra. Chỉ trong vòng 3 năm sau đổi mới, năm 1989, lần đầu tiên Việt Nam không những tự lo đủ lương thực mà còn dư thừa XK.

Bước vào thời kỳ "Đổi mới", trên cơ sở các nghị quyết của Đảng và Nhà nước đã mở ra một thời kỳ mới cho sự phát triển HTX, Luật HTX đầu tiên ra đời năm 1996 có ý nghĩa vô cùng quan trọng cho sự phát triển của các HTX. Luật cho phép xác định lại vị trí, vai trò của HTX từ chỗ là đơn vị hạch toán SX của nhà nước ở nông thôn sang vai trò của một tổ chức kinh tế tập thể, hỗ trợ và cung cấp dịch vụ cho xã viên.

Đây cũng là lần đầu tiên những nguyên tắc thể hiện bản chất của HTX như tự chủ, tự chịu trách nhiệm, quản lý dân chủ và bình đẳng đã được đưa vào áp dụng trong Luật HTX năm 1996.  

Luật HTX năm 2012 và bước phát triển mới của các HTX nông nghiệp

Luật HTX năm 2012 ra đời đã kế thừa, ghi nhận các kết quả đạt được của quá trình phát triển HTX, tiếp tục tháo gỡ những vướng mắc về mô hình quản lý và hoat động, tạo tiền để để các HTX tiếp tục phát triển.

Mặc dù còn một số điểm cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa thêm nhưng có thể khẳng định HTX năm 2012 đã cơ bản đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển. Luật đã xác định rõ bản chất của HTX là mô hình tổ chức KT- XH ra đời và phát triển trên cơ sở hợp tác tự nguyện, tự chủ và cùng có lợi.

Với những quy định mới, Luật cho phép phát triển đa dạng các loại hình HTX, giúp cho các HTX có thể tổ chức hoạt động như một DN nhưng lấy lợi ích của hộ thành viên làm mục tiêu. Là một chủ thể kinh tế, HTX đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ, dẫn dắt kinh tế hộ nông dân tiếp cận thị trường. HTX không chỉ cung cấp các dịch vụ đầu vào cho SX mà còn tổ chức sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tính đến hết tháng 6/2017, về số lượng cả nước có 21 liên hiệp và 10.836 HTXNN, tăng 450 HTX so với thời điểm ngày 01/07/2013 khi Luật HTX bắt đầu có hiệu lực (con số lúc đó là 10.386 HTXNN).

Tuy vậy, theo thống kê mỗi năm cả nước vẫn thành lập mới được một số lượng các HTX khá lớn, trung bình là từ 800 đến 1.000 HTXNN. Nguyên nhân số HTX thành lập mới hàng năm thì lớn nhưng số lượng HTX tăng thêm sau 4 năm thực thi luật lại không nhiều là vì trong thời gian qua cả nước đã nỗ lực giải thể được trên 2.000 các HTX yếu kém, đã ngừng họat động nhưng vẫn còn tên trên sổ sách.

Chính điều này đã và đang tạo ra quá trình cơ cấu lại đối với các HTXNN. Số lượng các HTX yếu kém giảm mạnh, chất lượng hoạt động của các HTXNN đang có chuyển biến đáng kể. Cụ thể, tỷ lệ HTXNN hoạt động hiệu quả đã tăng từ 10% những năm trước đây lên trên 33% hiện nay. Số lượng các HTXNN tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị nông sản cũng tăng từ xấp xỉ 7% lên 20,5%.

Thu nhập của lao động HTX và của hộ thành viên trung bình tăng 1,5 lần sau 4 năm thực thi Luật (đạt 3,5 triệu đồng/tháng). Cả nước hiện nay có 307 HTXNN áp dụng công nghệ cao, an toàn vào SX, đảm bảo các tiêu chí công nghệ cao của Bộ NN- PTNT.

Trong khu vực kinh tế tập thể, HTX ở nước ta đã bắt đầu hình thành những mô hình HTX kiểu mới thích ứng với cơ chế thị trường định hướng XHCN theo các nguyên tắc: Tự chủ, tự chịu trách nhiệm vì lợi ích của thành viên; Chuyên nghiệp trong SXKD, dân chủ trong điều hành quản lý; Hỗ trợ kinh tế hộ thành viên phát triển trong các HTX kiểu mới và góp phần đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội nông thôn...

Một số mô hình HTXNN tiêu biểu như: HTX chăn nuôi Quý Hiền ở Lào Cai; HTX DVNN Bình Định ở Thái Bình; Mô hình liên kết các tổ hợp tác và Công ty Hoa Mặt Trời ở Lâm Đồng; HTX bò sữa Evergrowth ở Sóc Trăng...  

Phát triển HTXNN trong bối cảnh đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM

Trong bối cảnh hiện nay, với cơ cấu khoảng 65% dân số sống ở nông thôn và 42% lao động hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm, thủy sản thì việc phát triển nông nghiệp, nông thôn vẫn là định hướng, ưu tiên quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa ở một HTXNN (ảnh minh họa)

Những năm qua, nông nghiệp đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, đưa nước ta từ một quốc gia thiếu lương thực trở thành nước XK nông sản lớn trên thế giới với giá trị kim ngạch hàng năm đạt trên 30 tỷ đô la Mỹ, an ninh lương thực được đảm bảo.

Mặc dù vậy, quá trình phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn cũng đặt ra nhiều thách thức. Nhằm đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, nông thôn, hai Chương trình lớn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ là Chương trình MTQG xây dựng NTM và Chương trình Cơ cấu lại ngành nông nghiệp đang được triển khai, bước đầu thu được nhiều kết quả tốt, được nhân dân hưởng ứng.

Tuy nhiên để đạt được mục tiêu cuối cùng của các chương trình này là nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cả về vật chất và tinh thần cho người dân và phát triển bền vững thì phát triển kinh tế tập thể chính là nội hàm của tái cơ cấu nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với tái cơ cấu ngành nông nghiệp là phải tổ chức được SX nông nghiệp theo chuỗi giá trị, liên kết giữa SX gắn với chế biến và tiêu thụ, trong đó HTX trở thành mắt xích quan trọng trong mối liên kết đó. Chỉ có liên kết chuỗi giá trị mới cho phép quản trị theo hướng nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm và đảm bảo VSATTP. Và chỉ có tham gia sâu trong liên kết chuỗi giá trị thì các HTXNN mới nâng cao được hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững.

Như vậy Luật HTX năm 2012 đã tạo ra khung pháp lý để thúc đẩy các HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của SX nông nghiệp và phát triển nông thôn trong cơ chế thị trường định hướng XHCN. Việc điểm lại lịch sử tóm tắt trên nửa thế kỷ phát triển HTXNN ở nước ta cho thấy vị trí và vai trò không thể thiếu được của các HTX trong phát triển nông nghiệp, nông thôn nước ta ở mọi thời kỳ.

TS. TRẦN THANH NAM - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp &PTNT

Nguồn: Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường