Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Vai trò của hợp tác xã trong hợp đồng tiêu thụ nông sản ở các tỉnh phía Nam
22 | 09 | 2007
Đồng bằng sông Cửu Long và Đông Nam bộ là hai vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm, có tiềm năng lớn với hàng triệu ha đất canh tác phì nhiêu, lực lượng lao động dồi dào và tập trung nhiều Viện, Trường, cơ quan khoa học nông nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất – chế biến – kinh doanh nông sản. Chính vì vậy, trong thời gian qua, ở hai vùng này đã có sự gắn kết khá chặt chẽ giữa bốn nhà (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản hàng hóa. Trong đó, vai trò của hợp tác xã (HTX), câu lạc bộ (CLB), tổ hợp tác (THT) là cầu nối quan trọng giữa nông dân với doanh nghiệp trong hợp đồng tiêu thụ sản phẩm.

* Gắn kết "4 nhà" còn hạn chế

Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện Quyết định 80/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng đã thực sự gắn kết được "4 nhà", tạo thêm nguồn lực để phát triển sản xuất hàng hóa theo hướng thị trường, đảm bảo chất lượng và hiệu quả kinh tế như các đơn vị Nông trường Sông Hậu, Nông trường Cờ Đỏ (Cần Thơ), Công ty Bông Việt Nam (Đồng Nai), Công ty lương thực Tiền Giang, Công ty sữa Vinamilk, Công ty xuất nhập khẩu An Giang, các Công ty mía đường... đã thực hiện thành công việc ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản với người sản xuất. Riêng Công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam ký hợp đồng với nông dân các xã thuộc huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh (thành phố Hồ Chí Minh) và một số tỉnh trồng và bao tiêu hàng ngàn ha ngô lai, sau mỗi vụ sản xuất nông dân thu lãi khoảng 10 triệu đồng/ha. Thực tiễn cho thấy, nếu thực hiện tốt các mối liên kết, công tác chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sẽ đem lại hiệu quả; doanh nghiệp có nguồn cung cấp nguyên liệu cho chế biến và xuất khẩu, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường; nông dân yên tâm đầu tư, được tiếp cận với khoa học và vốn; còn ngân hàng thực hiện tốt hơn chức năng kinh doanh tiền tệ. Các mối liên kết trên sẽ đảm bảo nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, hướng tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ nông sản hàng hóa được thu mua thông qua hợp đồng chưa được nhiều, hiệu quả của hình thức ký kết còn hạn chế ở nhiều địa phương, hiện tượng vi phạm hợp đồng cả về phía nhà doanh nghiệp cũng như người sản xuất vẫn còn xảy ra. Trong đó, đáng lo ngại và phổ biến là tình trạng nhiều hộ nông dân mặc dù ký hợp đồng nhận đầu tư ứng trước của doanh nghiệp, nhưng khi giá thị trường biến động, một số hộ nông dân thiếu ý thức tôn trọng hợp đồng, sẵn sàng bán sản phẩm cho tư thương, doanh nghiệp khác với giá cao hơn, hoặc một số nông dân cố tình bán ra bên ngoài để lẩn tránh việc thanh toán các khoản đầu tư ứng trước của doanh nghiệp theo hợp đồng. Điều quan trọng trong mối liên kết này là các doanh nghiệp chế biến nông sản xuất khẩu phải là hạt nhân liên kết, cùng với nhà khoa học đứng ra tổ chức lại nền nông nghiệp theo hướng chuyên canh đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào giúp nông dân tổ chức lại sản xuất tạo nên khối lượng hàng hóa dồi dào, có chất lượng.

* Vai trò của Hợp tác xã

Ông Trương Văn Quang, Cục phó Cục Hợp tác xã và Phát triển nông thôn cho biết, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp không có mạng lưới thu mua nông sản hàng hóa đến tận nông dân mà phải thông qua hệ thống thương lái. Do đó, các doanh nghiệp không thể trực tiếp ký kết hợp đồng với hàng vạn hộ nông dân có quy mô sản xuất nhỏ lẻ để thu mua, chế biến một khối lượng nông sản lớn. Vì vậy, việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản theo hợp đồng đối với các tổ chức HTX, CLB, THT, trang trại đóng vai trò rất lớn. Thông qua việc ký kết hợp đồng giữa các doanh nghiệp và người sản xuất trong tiêu thụ nông sản hàng hóa và mối liên kết "4 nhà" trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản cho thấy, các tổ chức này đã thể hiện tốt vai trò của mình là đại diện cho nhóm hộ nông dân, thường xuyên đôn đốc và nhắc nhở hộ nông dân thực hiện tốt hợp đồng tiêu thụ nông sản đã ký với doanh nghiệp. Điển hình như: Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Tân Phú Trung – huyện Củ Chi (thành phố Hồ Chí Minh) đứng ra hợp đồng cung cấp rau an toàn cho Công ty Metro, Công ty Pressco và bếp ăn tập thể của một số nhà máy, xí nghiệp đóng trên địa bàn thành phố với số lượng gần 2.000 kg/ngày; HTX Bình Tây (Tiền Giang) luôn gắn kết các nhà đầu tư vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật và bao tiêu nông sản cho xã viên dài hạn trong việc thu mua gạo đặc sản; HTX Thiều Văn Chỏi, xã Ba Trinh, huyện Kế Sách (tỉnh Sóc Trăng) thay mặt xã viên ký hợp đồng với doanh nghiệp tiêu thụ lúa đặc sản ST3 với giá cao hơn thị trường 320đ/kg; HTX Giồng Trôm (tỉnh Bến Tre) hợp đồng với xã viên sản xuất lúa giống với giá cao hơn thị trường 500đ/kg; HTX Tân Thới 1, Phong Điền (thành phố Cần Thơ) liên kết Công ty Mê Kông Cần Thơ bao tiêu sản phẩm cho xã viên và đầu tư ứng trước giống, phân bón, thuốc trừ sâu cho hàng trăm ha lúa chất lượng cao; HTX Bình Thành, huyện Lấp Vò (tỉnh Đồng Tháp) thực hiện vai trò đại diện HTX ký kết hợp đồng với 19 thương lái có phương tiện, làm ăn chân chính, có thực lực về vốn, có uy tín trên thị trường để thu mua chế biến gạo thành phẩm cung cấp lại cho các doanh nghiệp.../.



Báo cáo phân tích thị trường