Ngoài ra, thông tin gây sự chú ý trong phiên thảo luận là đợt triệt phá các hoạt động buôn lậu mà chính phủ Trung Quốc triển khai vào cuối năm 2017, trong đó có mặt hàng tôm – thường được vận chuyển tới cảng Hải Phòng tại miền bắc Việt Nam để buôn lậu vào Trung Quốc nhằm tránh thuế. Các đợt triệt phá buôn lậu diễn ra trên khắp 11 thành phố, bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu, cũng như các trung tâm giao dịch thủy sản như Thanh Đảo, Trạm Giang và Hải Khẩu. Cũng trng phiên thảo luận, các thành viên cũng băn khoăn về việc liệu các tuyến buôn lậu này sẽ bị đóng vĩnh viễn hay chỉ là một đợt truy quét tạm thời.
Bất chấp các vấn đề ngắn hạn này, phiên thảo luận dự báo nhập khẩu tôm của Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng. “Nhật Bản từng thống trị thị trường tôm, sau đó là Mỹ, nay là Trung Quốc”. Trung Quốc là một thị trường dễ tính – không có các yêu cầu chứng nhận và tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm lỏng lẻo – và sẵn sàng mua bất cứ nguồn tôm nào sẵn có, phiên thảo luận bình luận. Tuy nhiên, sản xuất tôm tại Trung Quốc cũng đang tăng, chủ yếu để phục vụ thị trường thủy sản tươi của nước này.
Phiên thảo luận cho rằng sản xuất tôm tại Trung Quốc đã chạm sàn trong năm 2017, ở mức 525.000 tấn. Năm 2018, phiên thảo luận dự báo sản lượng tôm Trung Quốc sẽ tăng lên 625.000 tấn. Nhiều nhà sản xuất tôm lớn, như Ecuador, sẽ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. “Điều gì sẽ diễn ra nếu có sự thay đổi về nhu cầu?
Theo Robins McIntosh, phó chủ tịch cấp cao của Charoen Pokphand Foods,, Trung Quốc đang “dẫn dắt hoạt động nhập khẩu và là nhân tố quyết định trên thị trường. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng là nước sản xuất lớn. “Sản xuất đã từng vượt mốc 1 triệu tấn và hiện chỉ còn bằng 50% so với mức cao kỷ lục đó. Trung Quốc có thể giảm nhập khẩu nếu sản xuất nội địa tăng”.
Sản xuất của Trung Quốc tăng có thể tác động tới xuất khẩu tôm từ Ecuador. Tuy nhiên, theo nhận định của ông Sandro Coglitore, tổng giám đốc Omarsa, một trong những nhà cung cấp tôm lớn của Ecuador, trung tâm sản xuất tôm của Mỹ Latin này có nhiều lựa chọn khác ngoài Trung Quốc.
Theo dự báo của phiên thảo luận thị trường tôm tại GMSC, sản xuất tôm của Trung Quốc sẽ tăng từ 525.000 tấn năm 2017 lên 625.000 tấn năm 2018; đồng thời, sản lượng tôm tại Ecuador cũng được dự báo tăng từ 469.000 tấn lên 531.000 tấn trong cùng kỳ dự báo. Năm 2017, Trung Quốc chiếm 55% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Ecuador, tăng từ mức thị phần 47% trong năm 2016. Tuy nhiên, ông Coglitore nhận định rằng ngay cả khi sản xuất tôm Trung Quốc tăng thì Ecuador vẫn còn nhiều lựa chọn thay thế.
Thứ nhất, tuyến nhập khẩu lậu tôm vào Trung Quốc thông qua cảng Hải Phòng đang bị triệt phá. Mặc dù một số nhà quan sát cho rằng động thái này chỉ là tạm thời, nhưng quả thật luồng thương mại chính ngạch đang tăng lên, thông qua các cảng chính. “Điều này nghĩa là luồng tôm đang đi thẳng vào khu vực bán lẻ và dịch vụ ẩm thực cùng các kênh thị trường cao cấp khác, thay vì kênh bán buôn”.
Ngoài ra, thỏa thuận thương mại tự do của Ecuador với EU sẽ đưa thuế nhập khẩu tôm xuống bằng 0. Container tôm Ecuador đầu tiên xuất sang EU đang trên dường tới Brazil. Thị trường này có thể hấp thụ 20.000 – 30.000 tấn trong năm 2018. Ông Coglitore cho biết Ecuador cũng đang sản xuất một lượng nhỏ tôm giá trị gia tăng và tôm chế biến.
Theo Undercurrent News (gappingworld.com)