Cuối tuần qua, ông Wojciech Dziworski, cố vấn về y tế và an toàn thực phẩm cho phái đoàn EU tới Ấn Độ, gặp nhiều khó khăn khi trình bày vấn đề do nhiều nhà chức trách Ấn Độ đã đứng dậy để phản đối các quy định khắt khe của EU đối với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ. Elias Sait, tổng thư ký Hiệp hội các nhà xuất khẩu thủy sản Ấn Độ, cho rằng cơ chế khắt khe mà EU áp dụng đối với Ấn Độ là không công bằng và yêu cầu vấn đề cần được nhìn nhận thực tế và logic hơn. Một nhà chức trách Ấn Độ khác cho rằng “chẳng có gì là không có rủi ro”. Tham dự cuộc họp chủ yếu là các nhà chức trách và xuât khẩu tôm Ấn Độ, và có sự góp mặt của vài nhà nhập khẩu EU – có bày tỏ sự ủng hộ ông Wojciech Dziworski vài lần.
Theo ông Dziworski, EU chỉ áp dụng các biện pháp phòng vệ và thực hiện kiểm định để xác định phạm vi vấn đề. Ông tái khẳng định sự cần thiết của hợp tác để giải quyết vấn đề dư lượng kháng sinh. “Tại Ấn Độ, thách thức lớn nhất là sản xuất tôm nguyên liệu, thương lái và bước cuối cùng của sản xuất, cần có sự cải thiện”.
Hiện, EU kiểm tra bắt buộc 50% lô hàng tôm theo các hướng dẫn tăng cường từ EU, khiến các công ty xuất khẩu Ấn Độ mất thêm nhiều chi phí mỗi lần do thời gian kéo dài và chi phí bảo quản. Các nhà xuất khẩu Ấn Độ cũng bị mất giấy phép xuất khẩu vào EU. Lệnh cấm đối với nhập khẩu tôm Ấn Độ cũng đã được mang ra bàn luận, có thể khiến thương mại tôm Ấn Độ – EU trị giá gần 500 triệu Euro rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Một trong những nhà nhập khẩu EU cho biết đối tác Ấn Độ của ông cáo buộc EU “chơi bài tiêu chuẩn kép” cho Ấn Độ và Việt Nam. Trong cuộc họp, Việt Nam được nhắc đến rất nhiều và các nhà xuất khẩu Ấn Độ cho rằng Việt Nam bị từ chối nhiều hơn Ấn Độ tại thị trường tôm EU.
Một nhà đóng gói xuất khẩu tôm Ấn Độ khác cho rằng vấn đề chính là EU không đề ra lộ trình cho nhà xuất khẩu bị tước giấy phép, làm cách nào để được cấp lại giấy phép.
Tại phiên thảo luận kỹ thuật, ông Dziworski giải thích rằng các quy định của EU khắt khe nhưng minh bạch. Các quy định áp dụng cho các nhà sản xuất thực phẩm EU cũng áp dụng cho các nước thứ ba. Ông Dziworski nhấn mạnh vấn đề dư lượng kháng sinh trên tôm từ Ấn Độ là vấn đề đã kéo dài nhiều năm qua. “Chúng ta đã thấy rất nhiều tiến bộ ở nhiều khâu khác nhau nhưng ở cấp độ cơ bản là nông dân thì lại không giải quyết được”.
Với việc xuất khẩu thủy sản Ấn Độ sang EU tăng mạnh, vấn đề này càng trở nên phức tạp. Ông Dziworski cho biết quyết định nâng mức kiểm tra bắt buộc đối với tôm từ Ấn Độ lên 50% của Hội đồng châu Âu không phải là quyết định dễ dàng.
Trong phần hỏi đáp, ông Dziworski phản hồi một số ý kiến từ thành viên tham dự họp. Ông Allen Townsend, tổng giám đốc người Anh cho ISI, chất vấn ông Dziworski rằng tỷ lệ phát hiện kháng sinh của EU đã giảm xuống 0,22% tất cả các lô hàng tôm. “Đối với chúng tôi, điều quan trọng là nhận thấy tiến triển theo thời gian”, ông Dziworski nhấn mạnh rằng từ khi EU cảnh báo Việt Nam về vấn đề này, tỷ lệ lô hàng bị phát hiện dư lượng kháng sinh đã giảm. “Tôi sẽ không đi sâu vào những con số để so sánh nước này với nước khác. Nhưng nếu bạn nhìn vào dữ liệu từ Việt Nam, kể từ khi Việt Nam bị EU cảnh báo về các biện pháp phòng vệ, họ đã cắt giảm hoàn toàn xuất khẩu trong 3 tháng. Việt Nam chỉ có 3 lô hàng tôm bị phát hiện có chất cấm từ đầu năm 2017 đến nay. Đánh giá của chúng tôi dựa trên việc các nhà chức trách đã cải thiện được tình hình ra sao? Thực chất tất cả đều là về vấn đề tuân thủ. Chúng tôi không phân biệt đối xử với Ấn Độ”. Ông cho biết thêm rằng các kiểm tra phòng thí nghiệm hiện đã cho kết quả chính xác và nhạy bén hơn; đồng thời nhấn mạnh việc cấp phép lại đang được xem xét không phải đối với các công ty xuất khẩu thủy sản nuôi mà là các công ty xuất khẩu thủy sản khai thác. Ông cho biết thêm EU không đưa ra giải pháp cho các nước tiến hành, mà chỉ khuyến nghị.
Theo Undercurrent News (gappingworld.com)