Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nhập khẩu mạnh tại Đông Á và Mỹ duy trì thương mại tôm toàn cầu ở mức cao
16 | 03 | 2018
Tăng nhẹ sản lượng tôm nuôi toàn cầu được cân bằng bởi nhập khẩu tăng tại Trung Quốc, Việt Nam, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc. Giá tôm ổn định trong suốt năm 2017.

Nguồn cung

Dữ liệu chính thức năm 2017 đối với sản xuất tôm nuôi toàn cầu hiện vẫn chưa công bố. Tuy nhiên, các nhà phân tích ngành thủy sản nuôi, bao gồm các nhà sản xuất thức ăn cho tôm, cho rằng sản lượng tôm nuôi toàn cầu tăng nhẹ trong năm 2017. Các nhà sản xuất tôm chính trên thế giới là Trung Quốc, Ấn Độ, Ecuador, Việt Nam và Indonesia có các khuynh hướng sản xuất khác nhau.

Sản xuất tại Trung Quốc chưa phục hồi sau đợt bùng phát dịch bệnh tôm chết sớm (EMS) năm 2012. Ước tính sơ bộ cho thấy sản xuất tôm nuôi năm 2017 của Trung Quốc giảm 10 – 20%, so với mức sản lượng 600.000 tấn tôm thu hoạch năm 2016. Chất lượng con giống thấp cộng với thời tiết nóng cực đoan tác động lên hoạt động sản xuất tôm nuôi tại các khu vực sản xuất chính của Quảng Đông, Hải Nam và Quảng Tây. Sản xuất tăng tại khu vực phía Bắc không đủ để bù đắp thâm hụt nguồn cung nói chung, trong khi nhu cầu nội địa tăng mạnh. Hệ quả là nhập khẩu tăng trong 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016.

Ấn Độ cho biết sản lượng tôm nuôi đạt khoảng 500.000 tấn trong năm 2017, so với 400.000 tấn trong năm 2016. Sản lượng tôm nuôi Ecuador ước khoảng 400.000 tấn, tăng khoảng 14% trong cùng kỳ so sánh. Theo thông tấn xã Việt Nam, sản lượng tôm nuôi của Việt Nam năm 2017 đạt 237.000 tấn.

Sản lượng tôm nuôi Thái Lan có thể giảm so với dự báo 330.000 tấn đưa ra trước đó. Bị ảnh hưởng bởi thời tiết bất lợi và vấn đề sức khỏe tôm, sản xuất tôm tại Indonesia và Bangladesh cũng giảm, trực tiếp làm giảm xuất khẩu tôm từ các nước này. Trong khi đó, Argentina ghi nhận mức sản lượng tôm khai thác cao kỷ lục, vượt 200.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2017.

Xuất khẩu

Trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tôm tăng từ Ấn Độ, Việt Nam, Ecuador và Trung Quốc so với cùng kỳ năm 2016, nhưng giảm từ Thái Lan do hạn chế nguồn cung.

Tại Ấn Độ, nhu cầu cao từ Bắc Mỹ và các thị trường Đông Á giúp xuất khẩu tôm tăng 33% lên 420.500 tấn, đưa Ấn Độ trở thành nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới. Trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tôm trung bình hàng tháng của Ấn Độ dao động từ 47.000 – 50.000 tấn, phần lớn là tôm nguyên liệu nguyên vỏ và bóc vỏ. Các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Ấn Độ là Mỹ, Việt Nam, EU28, Nhật Bản và UAE. Xuất khẩu tôm Ấn Độ sang Trung Quốc và Hàn Quốc cũng tăng.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016, lên 390.000 tấn, bao gồm cả nguồn tôm nội địa lẫn tôm nguyên liệu nhập khẩu. Thị trường lớn nhất là Trung Quốc, chiếm tỷ trọng lên tới 50 – 60% tổng lượng xuất khẩu (tương đương 200.000 – 230.000 tấn), tăng 25% trong cùng kỳ so sánh. Các thị trường xuất khẩu tôm lớn nhất của Việt Nam là Mỹ (-7%), EU28 (+14%), Nhật Bản (+19%) và Hàn Quốc (+11%). Việt Nam là nước xuất khẩu hàng đầu sản phẩm tôm GTGT sang Nhật Bản, Mỹ và EU28.

Xuất khẩu tôm Ecuador trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 323.655 tấn, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2016, chủ yếu nhờ tăng xuất khẩu sang các thị trường châu Á, đáng chú ý là Việt Nam (+37%, 162.165 tấn), Trung Quốc (+42%, 13.000 tấn), Hàn Quốc (+42%, 6.300 tấn). Trong khi đó, xuất khảu sang EU28 giảm 2% xuống còn 70.200 tấn và sang Mỹ giảm 1,3% xuống còn 54.900 tấn.

Trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu tôm của Trung Quốc chỉ tăng nhẹ 1,5%, đạt 137.730 tấn so với cùng kỳ năm 2016 do xuất khẩu tôm nguyên liệu giảm 5%. Khoảng 52% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của Trung Quốc (71.000 tấn) là các sản phẩm giá trị gia tăng, một phần sản xuất từ tôm nguyên liệu nhập khẩu.

Tại Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu tôm trong 9 tháng đầu năm 2017 giảm 10% so với cùng kỳ năm 2016; trong đó, 46% là các sản phẩm GTGT. Thiếu tôm nguyen liệu tác động tới xuất khẩu sang thị trường chính của Thái Lan là Mỹ. Xuất khẩu tôm Thái Lan sang EU28 giảm mạnh kể từ khi khối này chấm dứt áp dụng thúe ưu đãi theo GSP đối với các sản phẩm của Thái Lan.

Xuất khẩu tôm của Indonesia sang Mỹ, Nhật Bản và châu Âu đều giảm trong cùng kỳ so sánh. Xuất khẩu tôm của Bangladesh cũng giảm, trong khi xuất khẩu tôm của Malaysia tăng 9% lên 27.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2017.

Tại Mỹ Latin, xuất khẩu tôm tăng tại Honduras (+4% lên 42.300 tấn) và Mexico (+15% lên 15.000 tấn) nhưng giảm tại Nicaragua (-32%) xuống còn 15.260 tấn.

Argentina, một trong những nhà cung cấp tôm khai thác biển lớn nhât thế giới, cho biết xuất khẩu tôm trong 9 tháng đầu năm 2017 tăng 16% lên 44.950 tấn do tăng xuất khẩu sang Mỹ, Nhật Bản, Việt Nam, Thái Lan và Nga, mặc dù xuất khẩu giảm sang các thị trường lớn như EU28 và Trung Quốc, mỗi thị trường giảm 15%.

Nhập khẩu

Khuynh hướng tích cực trong thương mại tôm toàn cầu trong 9 tháng đầu năm 2017 là nhờ nhập khẩu mạnh tại các thị trường Đông Á, đặc biệt là Việt Nam, Trung Quốc (đại lục và Đài Loan), và Hàn Quốc. Nhập khẩu tôm của các thị trường lớn cũng tăng, như Mỹ (+6%) và Nhật Bản (+6%). Nhập khẩu tôm tăng tại Canada (+10% lên 34.300 tấn) và Mexico (+19% lên 17.000 tấn).

Nhập khẩu tôm của EU28 tăng 9% là nhờ thương mại nội khối tăng, trong khi nhập khẩu ngoại khối giảm tương ứng. Ngoài EU28, nhập khẩu tăng tại Na Uy, Thụy Sĩ, và Nga.

Trung Quốc và Việt Nam là những thị trường hấp dẫn cho các nhà sản xuất – xuất khẩu tôm toàn cầu. Trong 9 tháng đầu năm 2017, tổng nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng mạnh và diễn biến tương tự tại Việt Nam. Mặc dù Mỹ và EU28 tiếp tục là các thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới, các thị trường Đôgn Á chính là nơi hấp thụ nguồn cung tăng từ châu Á và Mỹ Latin trong 9 tháng đầu năm 2017.

Nhật Bản

Nhu cầu tiêu dùng tôm tại Nhật Bản có vẻ phục hồi trong năm 2017, sau nhiều năm suy yếu, phản ánh ở mức tăng nhập khẩu tôm trong 9 tháng đầu năm 2017 (+6% lên 163.545 tấn). Thị trường tiếp tục tăng nhập khẩu các sản phẩm giá trị gia tăng, chạm mức 27% trong tổng kim ngạch nhập khẩu tôm trong giai đoạn rà soát. Nhập khẩu tăng từ Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Trung Quốc. Một phần lớn trong nhập khẩu tôm nguyên liệu của Nhật Bản bao gồm tôm nobashi sơ chế – hay loại toam bóc vỏ nguyên đuôi, cắt cánh bướm và các loại tôm bóc vỏ khác sử dụng trong dịch vụ ăn uống và trong cả các hộ gia đình. Nhu cầu cũng cao đối với tôm nguyên đầu chất lượng hảo hạng (tôm sú nuôi cỡ lớn và tôm biển) ở phân khúc dịch vụ ẩm thực cao cấp.

Tiêu dùng tôm tại Nhật Bản ở mức tốt trong suốt các kỳ nghỉ lễ cuối năm với giao dịch trong ngành dịch vụ ẩm thực rất sôi động.

Mỹ

Tôm vẫn là loại thủy sản được yêu thích nhất tại Mỹ, theo công bố của National Marine Fisheries Service (NMFS). Tiêu dùng tôm trên đầu người tại Mỹ năm 2016 tăng 2,5% so với năm 2015 lên 4,1 pounds. Khuynh hướng này có thể tiếp diễn do nguồn cung tôm nội địa và nhập khẩu ở mức cao kỷ lục trong năm 2017, chủ yếu nhờ nhu cầu tiêu dùng mạnh. Người tiêu dùng Mỹ có mức thu nhập khả dụng tăng trong năm 2017 nhờ nền kinh tế nước này phục hồi.

Giá bán lẻ trung bình mặt hàng tôm trong năm 2017 ổn định và thấp hơn so với loại thủy sản rất được ưa chuộng khác là cá hồi. Trong 9 tháng đầu năm 2017, giá nhập khẩu tôm trung bình tăng 5,15%, trong khi giá bán lẻ tôm trung bình chỉ tăng 3 – 4% so với năm 2016.

Trong cùng kỳ, nhập khẩu tôm tăng 9,6% về lượng so với năm 2016, trong khi giá trị tăng 15% lên 4,5 tỷ USD. Nhập khẩu tôm nguyên liệu nguyên vỏ tương đương năm 2016, nhưng nhập khẩu tôm bóc vỏ, tẩm bột và các dạng chế biến khác đều tăng.

Xuất khẩu Ấn Độ sang thị trường Mỹ tăng tới 42% và bù lại là mức suy giảm xuất khẩu tôm sang Mỹ của các nhà cung cấp khác: Indonesia (-3%), Ecuador (-1,4%), Thái Lan và Viẹt Nam (-7% mỗi nước). Xuất khẩu tôm Trung Quốc sang Mỹ cũng tăng 39% trong cùng kỳ so sánh.

EU

Nhập khẩu tôm của EU trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 547.000 tấn. Nhập khẩu ngoại khối EU giảm 4%, đạt tổng cộng 403.800 tấn, có thể là một chỉ báo cho thấy khuynh hướng nhu cầu suy yếu trên thị trường này. Nhập khẩu nội khối EU28 chủ yếu là tái xuất nguồm tôm từ các nước ngoại khối.

Nhập khẩu tôm giảm trên hầu khắp các thị trường lớn trong 9 tháng đầu năm 2017. Tây Ban Nha nhập khẩu 111.675 tấn (-1%), theo sau là Pháp với 79.180 tấn (-2%), Đan Mạch với 8.235 tấn (-4%), Anh với 55.870 tấn (-3%), Hà Lan với 50.135 tấn (-18%), và Ý với 45.880 tấn (-9%). Ngoại trừ Việt Nam, Bangladesh và Venezuela, nhập khẩu tôm của EU28 từ các nguồn cung khác đều suy giảm. Trong mùa Giáng sinh, nhu cầu tiêu dùng tiếp tục ở mức thấp, càng củng cố nhận định về thị trường tôm EU yếu đi trong năm 2017.

Ngoài EU28, nhập khẩu tôm tăng tại Na Uy (+31% lên 13.700 tấn) và Thụy Sĩ (+10% lên 6.000 tấn). Tại Nga, nhập khẩu tôm cũng tăng 23% lên 26.000 tấn, với nguồn cung tăng từ Greenland, Ấn Độ, Trung Quốc, Ecuador, Argentina và Bangladesh.

Châu Á Thái Bình Dương

Sản xuất nội địa giảm, nhu cầu nội địa cao và giá tăng so với năm 2015 – 2016, thu hút một lượng lớn tôm xuất khẩu sang Trug Quốc từ các nước châu Á và Mỹ Latin. Nhập khẩu tôm trực tiếp vào Trung Quốc giảm nhẹ 0,25% trong 9 tháng đầu năm 2017 (76.100 tấn) so với cùng kỳ năm 2016. Tuy nhiên, nhập khẩu tăng từ Canada (+37% lên 20.331 tấn), Ecuador (+12% lên 12.498 tấn), Ấn Độ (+50% lên 7.811 tấn) và Greenland (+133% lên 7.872 tấn). Số liệu nhập khẩu tôm chính thức từ Việt Nam chỉ ở mức 950 tấn. Tính đến lượng nhập khẩu lớn mặt hàng tôm từ Việt Nam sang Trung Quốc thông qua thương mại biên giới, tổng lượng nhập khẩu tôm trong 9 tháng đầu năm 2017 của Trung Quốc chỉ riêng từ Việt Nam là từ 275.000 – 300.000 tấn, bao gồm lượng lớn tôm giao dịch biên mậu.

Việt Nam nổi lên trở thành nước nhập khẩu số 1 tại châu Á, với 60 – 70% lượng tôm nhập khẩu vào Việt Nam được tái xuất sang Trung Quốc qua thương mại biên mậu. Trong 9 tháng đầu năm 2017, gần 320.000 tấn tôm đã được nhập khẩu vào Việt Nam, tăng 40% so với cùng kỳ năm 2016. Khoảng 90% lượng tôm này được cung ứng bởi Ecuador, Ấn Độ và Thái Lan.

Hàn Quốc cũng tăng mạnh nhập khẩu từ Việt Nam ((+11% lên 27.100 tấn), Ecuador (+35% lên 6.456 tấn), Thái Lan (+20% lên 4.845 tấn) và Ấn Độ (+16% lên 1.610 tấn). Mặc dù vậy, nhập khẩu tôm của Hàn Qoúco vẫn giảm 4% trong cùng kỳ so sánh do thâm hụt nguồn cung 70% từ Trung Quốc.

Theo Globefish (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường