Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá tôm thấp ổn định thúc đẩy nhu cầu tại EU và Nhật Bản
26 | 12 | 2016
Mặc dù nguồn cung tôm duy trì ổn định trong nửa đầu năm 2016, nông dân nuôi tôm tại hầu hết các nước sản xuất lớn tại châu Á đang gặp một loạt thách thức trong vụ sản xuất chính (tháng 6 – 9), bao gồm thời tiết bất lợi, các vấn đề dịch bệnh, giá thấp và nhu cầu yếu tại thị trường Mỹ. Trong năm 2016, sản xuất tôm tại Thái Lan phục hồi.

Nguồn cung

Trong nửa đầu năm 2016, nông dân nuôi tôm gặp nhiều khó khăn. Sản lượng tôm tại Trung Quốc giảm do vấn đề dịch bệnh. Tương tự, sản xuất tôm tại các bang miền nam Ấn Độ là Andhra và Tamil Nadu cũng chịu tác động của các đợt bùng phát dịch bệnh (bệnh đốm trắng, terocytozoon hepatopenaei, bệnh phân trắng và chứng tôm chết sớm), và lũ lụt. Bất chấp những khó khăn này, nguồn cung tôm nói chung của Ấn Độ vẫn cân bằng nhờ nông dân chuyển đổi hoạt động sản xuất từ tôm sú sang tôm thẻ chân trắng tại vành đai sản xuất tôm ở miền Đông Nam nước này, bao gồm các bang Gujarat, Odissa và West Bengal. Nông dân Ấn Độ tiếp tục sản xuất các loại tôm cỡ lớn thích hợp cho các sản phẩm tôm nguyên vỏ cỡ 13/15 – 21/25.

Nông dân Indonesia cũng bị tác động bởi dịch bệnh và một số phải chuyển sang các khu vực sản xuất mới. Dựa trên doanh số bán thức ăn cho tôm, sản lượng tôm Indonesia năm 2916 có thể tương đương năm 2015, đạt gần 600.000 tấn.

Các nhà chức trách Việt Na cho rằng sản lượng tôm năm 2016 sẽ giảm. Hoạt động sản xuất tôm thẻ và tôm sú tại ĐBSCL, khu vực sản xuất nông nghiệp lớn nhất Việt Nam, bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh và hạn hán trong nửa đầu năm 2016. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất – xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), diện tích tôm sú của Việt Nam tăng trong năm 2016 nhưng sản lượng chỉ tương đương năm 2015.

Thái Lan là nước duy nhất có ngành tôm tăng trưởng tốt trong năm 2016. TĂng chậm nhưng ổn định, sản lượng tôm thẻ chân trắng của Thái Lan năm 2016 có thể đạt 300.000 tấn.

Xuất khẩu

Xếp hạng xuất khẩu tôm toàn cầu trong nửa đầu năm 2016 vẫn duy trì như năm 2015, với Ecuador, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia và Trung Quốc là top 5 nước xuất khẩu tôm hàng đầu thế giới.

Hai nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới là Ecuador và Ấn Độ, tăng lần lượt 7,6% và 10,8% lên đạt 180.000 tấn và 179.000 tấn trong nửa đầu năm 2016. Đối với Ecuador, 3 thị trường xuất khẩu chính trong nửa đầu năm 2016 bao gồm Việt Nam (80.000 tấn), EU (44.000 tấn), Mỹ (35.000 tấn).

Thoát khỏi các vấn đề dịch bệnh, Thái Lan đang giành lại thị phần và đứng thứ 3 trong xuất khẩu tôm toàn cầu. Nguồn cung tôm của Thái Lan tăng 33% trong nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015 lên 94.000 tấn. Các thị trường xuất khẩu tôm chính của Thái Lan là Mỹ., Nhật Bản, Việt Nam, Hong Kong, và Canada.

Indonesia đứng sau Thái Lan về lượng xuất khẩu tôm, đạt 80.000 tấn trong 5 tháng đầu năm 2016, tăng 7% so với cùng kỳ năm 2015. Trung Quốc tăng 2,3% kim ngạch xuất khẩu tôm trong nửa đầu năm 2016, lên 82.000 tấn. Xuất khẩu tôm của Trung Quốc tăng tại các thị trường Mỹ, Hàn Quốc, Hong Kong và Đài Loan, nhưng giảm nhẹ tại Nhật Bản.

Nhập khẩu

So với nửa đầu năm 2015, tổng lượng nhập khẩu tôm trong nửa đầu năm 2016 của Mỹ – thị trường nhập khẩu tôm lớn nhất thế giới, giảm 1,2% nhưng tăng tại Nhật Bản (+7%), EU (+17,8%), Nga (+44%), Úc (+4%), và Nam Phi (+15%). Nhập khẩu tôm cũng tăng tại các thị trường Đông Á và Cận Đông, chủ yếu được cung ứng bởi các nhà sản xuất châu Á và Ecuador. Nhu cầu và cấu trúc giá thị trường tôm quốc tế trong nửa đầu năm 2016 duy trì ổn định.

Nhật Bản

Đồng Yên ổn định và giá tôm giảm đã thúc đẩy nhu cầu tôm tại thị trường Nhật Bản trong nửa đầu năm 2016. Nhu cầu đối với tôm sú giá cao hơn cũng mạnh, đặc biệt là tại khu vực Kansai, mặc dù tiêu dùng vẫn duy trì biến động theo mùa. Trong nửa đầu năm 2016, nhập khẩu tôm của Nhật Bản tăng 6,8% lên 92.700 tấn, trong đó 28% là tôm chế biến giá trị cao như tôm tempura, tôm chế biến và tôm sushi với cơm. Thái Lan chiếm thị phần 42% tại thị trường tôm giá trị cao này. Trong các tháng kỳ nghỉ mùa hè vào tháng 7 – 8, nhu cầu tiêu dùng tôm tăng đối với tôm tempura cho các hộp cơm trưa mang đi và tôm chế biến/bóc vỏ cho các chuỗi nhà hàng gia đình. Cá hồi tiếp tục là mặt hàng cạnh tranh trực tiếp với tôm trong thương mại bán lẻ và dịch vụ ăn uống tại Nhật Bản, đặc biệt là tại các cửa hàng sushi và nhà hàng.

Mỹ

Sau nửa đầu năm gây thất vọng, nhu cầu tôm tại thị trường Mỹ cải thiện trong những tháng mùa hè do giá bán buôn ổn định. Tuy nhiên, dự trữ cao tôm nguyên vỏ khiến nhập khẩu phân khúc sản phẩm này giảm 5,7% trong nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015. Nguồn cung tôm đông lạnh IQF, dễ bóc vỏ, tôm nguyên vỏ từ Indonesia giảm trong nửa đầu năm 2016. Mặc dù nhập khẩu tôm bóc vỏ nguyên liệu tăng 5,8% trong cùng kỳ so sánh, tổng kim ngạch nhập khẩu tôm của Mỹ trong nửa đầu năm 2016 vẫn giảm nhẹ 1,2% so với cùng kỳ năm 2015. Nhập khẩu tôm tẩm bột chiên cũng giảm trong cùng kỳ so sánh. Nguồn cung tôm cho thị trường Mỹ giảm từ 3 nguồn chính là Indonesia, Ecuador và Ấn Độ.

Tuy nhiên, sự phục hồi của ngành tôm Thái Lan là diễn biến đáng chú ý trong nửa đầu năm 2016. Nhu cầu đối với tôm sú cũng tăng trong nửa đầu năm 2016 do nguồn cung tăng từ Bangadesh.

EU

Nhập khẩu tôm của EU từ các nước ngoại khối tăng 5,4% trong nửa đầu năm 2016 so với cùng kỳ năm 2015. Gần 21% nhập khẩu tôm ngoại khối bao gồm các sản phẩm chế biến từ Việt Nam, Canada và Greenland. 5 thị trường nhập khẩu tôm hàng đầu của EU là Tây Ban Nha (60.900 tấn), Pháp (53.700 tấn), Đan Mạch (41.800 tấn), Anh (36.000 tấn) và Ý (32.000 tấn). Nhập khẩu tăng tại tất cả các thị trường trên, trừ Tây Ban Nha.  Nhập khẩu tôm của Đức cũng tăng lên mức 24.600 tấn.

Tại thị trường Đông Âu, nhập khẩu tôm của Nga đạt 13.800 tấn trong nửa đầu năm 2016, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2014. Phục hồi nhập khẩu tôm của Nga tăng đáng kể sau lệnh cấm thương mại thực phẩm. Thông thường Đan Mạch là nhà cung cấp tôm chính cho thị trường Nga nhưng nước này đang bị đẩy ra khỏi thị trường này. Tăng trưởng nhập khẩu tôm của Ukraina cũng tăng mạnh từ 345 tấn trong nửa đầu năm 2015 lên 1.500 tấn trong nửa đầu năm nay.

Châu Á và các thị trường khác

Trong nửa đầu năm 2016, nhập khẩu tôm của Việt Nam từ 10 nhà cung cấp chính đạt gần 145.000 tấn, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2015. Đáng chú ý, Việt Nam là thị trường xuất khẩu tôm số 1 từ Ecuador và Iran, thị trường lớn thứ 2 của Ấn Độ, thứ 3 của Thái Lan và thứ 4 của Indonesia. Lượng tôm nhập khẩu vào Việt Nam sau đó có thể được tái xuất từ Việt Nam dưới dạng không hoặc có chế biến thêm.

Theo dữ liệu chính thức của Trung Quốc, thị trường này đã nhập khẩu 55.100 tấn tôm trong nửa đầu năm 2016, tăng gần 64% so với cùng kỳ năm 2015. 5 nhà cung cấp lớn nhất cho thị trường Trung Quốc là Argentina (13.600 tấn), Canada (10.100 tấn), Ecuador (9.300) tấn, Thái Lan (6.400 tấn) và Ấn Độ (3.700 tấn). Nhập khẩu của Trung Quốc tăng từ tất cả các nguồn cung cấp này. Trong khi đó, nhập khẩu tôm từ Việt Nam chỉ đạt 1.500 tấn trong giai đoạn này do thương mại biên giới bị thắt chặt.

Các thị trường châu Á khác tăng nhập khẩu tôm trong nửa đầu năm 2016 bao gồm Hàn Quốc, Hong Kong, Đài Loan, và Singapore. Nhập khẩu tôm của UAE từ Ấn Độ (8.250 tấn) tăng trong cùng kỳ so sánh, đồng thời cũng tăng từ Sri Lanka và Maldives. Xuất khẩu tôm thẻ nguyên đầu, tươi bằng đường hàng không tới các quốc gia vùng Vịnh Cận Đông tăng. Sản phẩm này ngày càng được ưa chuộng tại các thị trường này.

Tại Thái Bình Dương, nhập khẩu tôm của Úc và New Zealand tăng lần lượt 4% và 23% lên 13.400 tấn và 2.200 tấn.

Theo Globefish



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường