Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
FAO: Tăng trưởng sản xuất thủy sản toàn cầu năm 2016 chậm lại
10 | 12 | 2016
Theo FAO, tăng trưởng sản lượng thủy sản toàn cầu được dự báo chậm lại trong năm 2016, chủ yếu do sản lượng khai thác các loại cá tự nhiên như Pollock Alaska và cá trống giảm.

Sản xuất thủy sản nuôi trồng tiếp tục tăng trưởng với tốc độ ổn định hơn 5%/năm trong năm 2016. Do thu nhập và đô thị hóa tăng, tiêu dùng thủy sản toàn cầu đang tăng nhanh hơn tốc độ tăng trưởng dân số, dấn tới tiêu dùng thủy sản trên đầu người tăng xấp xỉ 1%/năm. Năm 2016, tiêu dùng thủy sản đầu người dự kiến đạt 20,5 kg/người/năm, so với mức 20,3 kg/người/năm trong năm 2015 và 17,6 kg/người/năm trong năm 2006. Một dữ liệu quan trọng khác là tỷ trọng thủy sản nuôi trồng trong cơ cấu tiêu dùng thủy sản đầu người dự đoán sẽ đạt 53% trong năm 2016 và khuynh hướng tăng tỷ trọng thủy sản nuôi trồng sẽ tiếp diễn trong tương lai gần.

Tổng giá trị thương mại thủy sản toàn cầu dự báo phục hồi trong năm 2016, sau khi giảm trong năm 2015, lên 140 tỷ USD, tương đương tăng 4,4%, mặc dù vẫn thấp hơn giá trị thương mại 148,4 tỷ USD trong năm 2014. Sự phục hồi giá trị thương mại thủy sản toàn cầu một phần là nhờ sự ổn định của đồng USD sau khi tăng mạnh so với nhiều đồng tiền khác trong năm 2015, nhưng cũng dẫn tới hệ quả là giá một loạt hàng hóa thủy sản giao dịch lớn tăng trong năm 2016. Đặc biệt là giá cá hồi đã đặt những mức rất cao trong năm 2016, trong khi giá cá ngừ cũng tăng sau một giai đoạn dài duy trì giá thấp. Các hạn chế nguồn cung là một phần nguyên nhân giá tăng, nhưng tăng trưởng nhu cầu cũng là một yếu tố đóng góp đáng kể.

Trong những nước sản xuất thủy sản chính trên thế giới, Na Uy tiếp tục duy trì tăng trưởng giá trị xuất khẩu nhờ giá một loạt các thủy sản xuất khẩu chính của nước này tăng cao, như cá tuyết, cá hồi, cá thu và cá trích. Tính bằng đồng USD, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2016 của Na Uy tăng 15% so với năm 2015, đạt giá trị 10,4 tỷ USD. Mặc dù vậy, giá trị xuất khẩu của Na Uy năm 2016 vẫn thấp hơn năm 2014 do đồng nội tệ Na Uy đã liên tục giảm giá so với đồng USD từ năm 2014 đến nay. Na Uy hưởng lợi nhờ diễn biến tỷ giá này, cũng như hạn chế nguồn cung đã đẩy giá tăng, nhưng cũng là một điển hình của nước thành công trong thúc đẩy xuất khẩu thông qua các nỗ lực marketing và đầu tư vào phát triển thị trường ở cấp quốc gia. Trong trường hợp của Na Uy, những nỗ lực này đã bù đắp được thiệt hại do giảm thương mại với Nga sau khi nước này bị cấm vận thương mại.

Về phía thị trường, tăng trưởng thương mại năm 2016 là nhờ thị trường EU phục hồi và sự phát triển của các thị trường nhỏ hơn tại Đông Á và Đông Nam Á, cũng như các thị trường khu vực Cận Đông. Các thị trường đang phát triển đang tiêu thụ ngày càng nhiều thủy sản nhờ tăng trưởng thu nhập và sự phát triển của tầng lớp trung lưu. Các nhà xuất khẩu lớn trên toàn thế giới đang hướng mục tiêu xuất khẩu vào các thị trường mới nổi này và các thị trường này cũng đang cạnh tranh với các thị trường lớn truyền thống ngay cả ở các phân khúc thủy sản cao cấp như cá hồi và tôm. Đặc biệt là Trung Quốc, nước xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, đang hưởng lợi từ sự phát triển mạng lưới thương mại khu vực. Trong khi đó, nhu cầu tại thị trường EU cho thấy đang tương đối ít co giãn theo giá đối với các loại thủy sản thân mềm, cá hồi và cá tầng đáy như cá tuyết, dẫn đầu tăng trưởng toàn cầu năm 2016.

Nguồn cung thấp hoặc ổn định của nhiều loại thủy sản giao dịch mạnh được dự báo sẽ tiếp tục thúc đẩy giá thủy sản toàn cầu trong trung hạn, bất chấp những khó khăn kinh tế hiện nay tại các thị trường mới nổi lớn nha Nga và Brazil. Suy giảm nguồn cung cá trống do ảnh hưởng của El Nino có thể đẩy giá thức ăn thủy sản tăng, dẫn tới tăng chi phí sản xuất của thủy sản nuôi trồng trên toàn cầu, kết quả là gây áp lực làm giảm nguồn cung thủy sản nói chung.

Tác động tiềm tàng của Brexit lên diễn biến thương mại giữa Anh và EU, cũng như các chính sách quản lý thủy sản là những vấn đề mà ngành thủy sản cần chú ý theo dõi. Bản chất của ảnh hưởng phụ thuộc vào chi tiết thỏa thuận giữa hai bên. Biến đổi khí hậu và ảnh hưởng lên nguồn lợi thủy sản là một vấn đề khác thu hút sự quan tâm ngày càng lớn của các chuyên gia trên toàn cầu, đặc biệt là vấn đề liên quan đến nhiệt độ nước đang thúc đẩy những đợt di chuyển lớn của toàn bộ loài tới những địa điểm mới.

Theo Globefish



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường