Giá trị thương mại giảm không phải do giảm lượng giao thương. Lượng giao dịch thủy sản toàn cầu năm 2016 được dự đoán duy trì ở mức 59,9 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do đồng USD mạnh lên, các đồng tiền khác yếu đi tương đối và giá một số mặt hàng thủy sản chính suy giảm. Các khuynh hướng chính trong sản xuất và tiêu dùng thủy sản vẫn tiếp diễn. Sản lượng thủy sản khai thác ổn định và thủy sản nuôi trồng tăng 5%. Trong khi đó, tiêu dùng các loại thủy sản nuôi tồng trên đầu người dự đoán đạt 10,9 kg/người/năm trong năm 2016, cao hơn so với mức tiêu dùng 9,7 kg/người/năm đối với thủy sản khai thác.
Tính đến tháng 4/2016, chỉ số giá thủy sản FAO (Fao Fish Price Index) tương đương với cùng kỳ năm 2015. Nhìn chung, giá các mặt hàng thủy sản duy trì ở mức tương đối thấp trong nửa đầu năm 2016 so với những năm gần đây, chủ yếu do giá tôm và cá ngừ – hai mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại thủy sản toàn cầu, giảm mạnh trong năm 2016. Giá một số loại thủy sản được giao dịch lớn khác như cá thu, cá tra và cá rô phi, cũng giảm. Trong khi đó, một số loại thủy sản vẫn nằm trong khuynh hướng giá tăng. Các loại thủy sản thân mềm và một số loại cá tầng đáy như cá tuyết, có giá tăng mạnh trong cùng kỳ so sánh. Tuy nhiên, loại thủy sản có giá tăng vượt trội là cá hồi nuôi. Giá cá hồi nuôi tại châu Âu đạt mức cao kỷ lục do nguồn cung toàn cầu khan hiếm.
Trong số các nhà xuất khẩu thủy sản lớn nhất thế giới, doanh thu xuất khẩu tính bằng đồng USD giảm do giá giảm và đồng USD mạnh lên. Các nhà xuất khẩu cá ngừ và tôm lớn như Ấn Độ, Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Ecuador và Mexico đều được dự đoán giảm doanh thu xuất khẩu ở mức độ khác nhau do giá hàng hóa thủy sản giảm. Tuy nhiên, một số các nhà sản xuất thủy sản lớn khác sẽ có triển vọng kinh doanh tích cực hơn, bao gồm Argentina, Na Uy và Iceland. Na Uy và Iceland đều đang hưởng lợi nhờ giá cá tuyết cao, trong khi các công ty nuôi cá hồi của Na Uy đang thu về lợi nhuận lớn nhờ giá cá hồi nuôi tăng vọt. Argentina có vụ thu hoạch tôm đỏ cao kỷ lục trong năm 2015 và tăng mạnh xuất khẩu sang các thị trường châu Âu và Trung Quốc. Về phía nhập khẩu, 3 thị trường nhập khẩu quan trọng nhất là Mỹ, EU, và Nhật Bản đều được dự đoán sẽ giảm nhẹ giá trị nhập khẩu và chỉ một số ít thị trường sẽ tăng nhập khẩu trong năm 2016.
Việc Anh bỏ phiếu rời khỏi EU đã có tác động tiêu cực tức thì lên nền kinh tế Anh do những bất ổn về quá trình thương thảo rời bỏ và những hướng đi cho thương mại giữa Anh và đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này. Tác động lớn nhất cho đến nay là sự giảm giá nhanh chóng của đồng Bảng Anh, mang lại lợi thế cho các nước xuất khẩu nhưng giảm mạnh sức mua các hàng hóa thủy sản của người nhập khẩu. Đối với một nước nhập khẩu thủy sản cao gấp 2 lần xuất khẩu, hệ quả có thể sẽ khá nghiêm trọng. Vượt trên các vấn đề thương mại, việc Anh rời bỏ EU sẽ dẫn tới việc nước này phải có những chính sách mới đối với quản lý thủy sản và có thể dẫn tới những thay đổi về hạn ngạch vùng nước được thiết lập theo Chính sách Thủy sản Chung (CFP) ra đời tại Brussels trước đây.
Về dài hạn, các dự đoán gần đây trong báo cáo triển vọng nông nghiệp OECD-FAO dự báo sản lượng thủy sản toàn cầu đến năm 2025 đạt 195 triệu tấn, trong đó thủy sản nuôi trồng sẽ đạt 103 triệu tấn. Đến năm 2025, tiêu dùng thủy sản được dự đoán đạt 21,8 kg/người/năm, tăng tại tất cả các châu lục, đặc biệt là tại châu Á và châu Đại dương. Do tăng trưởng thu nhập, gắn liền với tiêu dùng hộ gia đình tăng cho thực phẩm giàu protein như thủy sản, tiêu dùng thruy sản sẽ tăng nhanh hơn tại các nước đang phát triển. Tuy nhiên, nghịch lý là nhu cầu tăng được dự báo sẽ không làm tăng giá nói chung. Giá thủy sản được dự báo giảm về giá thực trong thập kỷ tới.
Theo Globefish