Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Mỹ Latin và châu Á tiếp tục là động lực tăng trưởng thương mại cá tra
28 | 03 | 2018
Nhập khẩu cá tra thế giới ước tính chạm mức xấp xỉ 420.000 tấn trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2015 nhưng giảm nhẹ 0,2% so với cùng kỳ năm 2016.

Thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất thế giới là Mỹ, giảm mạnh nhập khẩu cá tra (10%) trong 9 tháng đầu năm 2017 so với cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, Mỹ Latin và châu Á tổng cộng chiếm gần 50% nhập khẩu cá tra toàn cầu. Thiếu hụt nguồn cung đẩy giá cá tra lên mức cao nhất trong vòng 10 năm trong quý 1/2017 và duy trì ở mức cao trong suốt năm vừa qua.

Việt Nam

Xuất khẩu cá tra Việt Nam gặp hàng loạt khó khăn trên các thị trường Mỹ và châu Âu, nhưng xuất khẩu cá tra trong 9 tháng đầu năm 2017 vẫn đạt 1,3 tỷ USD, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2016. VASEP cho biết xuất khẩu cá tra sang thị trường Mỹ đạt 258,3 triệu USD, giảm 9,9% trong cùng kỳ so sánh. Xuất khẩu cá tra sang châu Âu giảm 8,4% trong tháng 8 và 23,7% trong tháng 9 so với cùng kỳ năm 2016.

Trong khi đó, xuất khẩu cá tra sang các thị trường khác tiếp tục tăng, bù đắp suy giảm xuất khẩu sang EU28 và Mỹ. Trong 9 tháng đầu năm 2017, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc và Hong Kong trị giá hơn 288 triệu USD, tăng 42% so với cùng kỳ năm 2016.

Trong giai đoạn trên, xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Saudi Arabia đạt 40,48 triệu USD, tăng 4%. Năm 2017, Saudi Arabia trở thành thị trường lớn thứ 4 của cá tra Việt Nam. Năm 2016, cá tra chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nhập khẩu cá thịt trắng của Saudi Arabia. Việt Nam là nước cung cấp chính mặt hàng cá tra cho Saudi Arabia, chiếm thị phần 43% tổng kim ngạch cá tra vào nước ngày, theo sau là Myanmar, Ai Cập, Đài Loan, Bangladesh và Thái Lan. Năm 2016, giá nhập khẩu cá tra của Saudi Arabia dao động trong khoảng 1,45 – 1,5 USD/kg và tăng khoảng 5 – 10% đến cuối năm 2017, với giá chạm mốc 1,5 – 1,75 USD/kg.

Một số thông tin ngành cho rằng nguồn cá tra nguyên liệu Việt Nam thiếu hụt do nhiều nông dân đang bỏ ao sau nhiều năm thua lỗ liên tiếp. Thiếu hụt nguồn cung cá tra nguyên liệu được cho là nguyên nhân chính khiến giá tăng cao.

Mỹ

Trong 9 tháng đầu năm 2017, nhập khẩu cá tra đông lạnh của Mỹ giảm 9,9% so với cùng kỳ năm 2016, cùng với suy giảm nhập khẩu cá tra phile đông lạnh từ nhà cung cấp hàng đầu là Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ tăng nhập khẩu cá tra nguyên con từ Việt Nam. Phile cá da trơn Channel tiếp tục khuynh hướng tăng với Trung Quốc là nhà cung cấp hàng đầu và duy nhất mặt hàng này.

EU

Nhu cầu nhập khẩu của EU28 yếu đi trong 9 tháng đầu năm 2017, khi nhập khẩu cá tra đạt 61.600 tấn, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2016. Nhập khẩu giảm mạnh tại các thị trường nhập khẩu cá tra lớn nhất EU28 là Tây Ban Nha và Anh. Nhập khẩu cá tra phile đông lạnh chiếm tỷ trọng lớn nhất, nhưng nhập khẩu cá tra nguyên con đông lạnh từ Việt Nam và Indonesia tăng trưởng mạnh nhất, với mức tăng 7,4% trong giai đoạn trên.

Nhập khẩu cá tra, chủ yếu từ Việt Nam, của Tây Ban Nha giảm tới 62% xuống còn 6.650 tấn trong 9 tháng đầu năm 2017. Theo Nielsen, doanh số cá tra tại thị trường Tây Ban Nha giảm 50% trong giai đoạn từ 1/8/2016 đến 31/7/2017; trong đó, nhập khẩu sụt giảm mạnh nhất vào tháng 4 và tháng 5, khi Tây Ban Nha chỉ nhập khẩu 500 tấn so với mức trung bình tháng trong những năm gần đây là gần 2.000 tấn.

Châu Á

Trong 9 tháng đầu năm 2017, châu Á nhập khẩu gần 95.000 tấn cá tra đông lạnh, tăng 23% so với cùng kỳ năm 2016. Trung Quốc nổi lên trở thành nước nhập khẩu cá tra lớn tại châu Á, vượt qua Thái Lan và tăng trưởng nhập khẩu đến 43% trong thời kỳ xem xét. Tổng cộng Trung Quốc nhập khẩu 34.400 tấn các sản phẩm cá tra trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2016. Thái Lan theo sát phía sau, nhập khẩu tổng cộng 19.200 tấn cá tra trong cùng kỳ so sánh. Nông dân nuôi cá rô phi Trung Quốc cũng đang chuyển sang nuôi cá tra do nhu cầu nội địa tăng, phần lớn vì giá cá tra thấp hơn so với giá cá rô phi.

Mỹ Latin

Mỹ Latin nhập khẩu hơn 100.000 tấn cá tra đông lạnh trong 9 tháng đầu năm 2017, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2016. Đây là khu vực nhập khẩu cá tra lớn nhất thế giới, tổng cộng chiếm 26% tổng kim ngạch nhập khẩu cá tra toàn cầu. Trong khu vực này, Brazil và Mexico là các nước nhập khẩu cá tra lớn nhất.

Theo Globefish (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường