Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Ngành thủy sản cần theo dõi sát diễn biến cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung
05 | 04 | 2018
Giám đốc thu mua kì cựu Don Kelley của Count Western Edge Seafood nằm trong số rất nhiều người thuộc ngành thủy sản liên tục theo dõi diễn biến kể từ khi chính phủ của ông Donald Trump xác định các hàng hóa Trung Quốc mà Mỹ sẽ áp chính sách thuế mới trị giá 60 tỷ USD theo tuyên bố hôm 5/4 của nước này.

Đây là thời điểm tương đối sát với lời tuyên bố của đại diện thương mại Mỹ đưa ra ngày 22/3 về việc công bố danh sách đối tượng hàng hóa Trung Quốc bị áp thuế do vi phạm các luật tài sản trí tuệ trong vòng 15 ngày. Dù vậy, ông Kelley không cho rằng sẽ có nhiều sản phẩm trong số danh sách thủy sản mà công ty ông nhập khẩu năm trong danh sách này, bao gồm cá rô phi, cá tuyết, cá Pollock, cá tuyết chấm đen, vốn không phải là những sản phẩm chẳng có mấy vấn đề với tài sản trí tuệ. Nhưng cũng giống như những người khác trong ngành thủy sản, ông không chắc về sự việc sẽ đi xa đến đâu. “Hy vọng họ sẽ để yên cho ngành thủy sản”, ông phát biểu.

Ngành thủy sản Mỹ đang sôi sục kể từ khi những lời đe dọa của chính quyền Trump và các động thái trả đũa kiểu ăn miếng trả miếng của Trung Quốc khi tuyên bố có hiệu lực áp thuế ngay đối với 120 mặt hàng của Mỹ, bao gồm một số hàng hóa nông sản. Ngày 2/4, Trung Quốc tái khẳng định danh sách này và tuyên bố có hiệu lực ngay, bao gồm việc áp thuế 25% đối với các sản phẩm thịt lợn và aluminium, mức thuế 15% đối với hạnh nhân, táo và các loại berries.

Thủy sản không nằm trong danh sách hàng hóa trả đũa của Trung Quốc.

Dù vậy, ngành thủy sản vẫn có nhiều lý do để lo lắng về căng thẳng đang gia tăng.

Trung Quốc là nhà cung cấp thủy sản lớn nhất cho thị trường Mỹ, sau Canada, với giá trị xuất khẩu lên đến 2,7 tỷ USD trong năm 2017, theo dữ liệu của National Marine Fisheries Service (NMFS). Giá trị xuất khẩu năm 2016 là 2,6 tỷ USD. Trong khi đó, xuất khẩu thủy sản Canada sang Mỹ năm 2017 là 3,3 tỷ USD. Cá rô phi dẫn đầu danh sách hàng hóa thủy sản Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường Mỹ, với giá trị lên đến 426 triệu USD. Giá trị xuất khẩu tôm Trung Quốc sang mỹ đạt 335 triệu USD, đứng thứ hai trong danh sách.

Tương tự, ngành thủy sản Mỹ cũng phụ thuộc mạnh vào Trung Quốc, hơn bất cứ thị trường nào khác – với giá trị xuất khẩu thủy sản Mỹ sang Trung Quốc đạt 1,3 tỷ USD trong năm 2017, tăng từ mức 1 tỷ USD trong năm 2016.

Các nhà sản xuất thủy sản tại Alaska nằm trong số những người chịu tác động mạnh nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Sản phẩm cá hồi hồng của họ là một trong những hàng hóa thủy sản xuất khẩu có giá trị nhất của Mỹ sang Trung Quốc trong năm 2017, lên tới 171 triệu USD, cá hồi chum có giá trị xuất khẩu 93 triệu USD, theo dữ liệu NMFS. Xuất khẩu cá tuyết (146 triệu USD) và cá tuyết Pollock (121 triệu USD) là hai rong số các sản phẩm thủy sản của Alaska, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Mỹ sang Trung Quốc. “Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của ngành thủy sản Alaska, với giá trị hơn 796 triệu USD trong năm 2017 – cao hơn bất cứ thị trường nào khác và tăng 27% so với năm 2016”, ông Doug Griffin, giám đốc điều hành của Southwest Alaska Municipal Conference nhấn mạnh. Ông Bill Walker, thống đốc bang Alaska, cũng chắc chắn rằng thủy sản là mặt hàng ông sẽ nỗ lực thúc đẩy trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 5 tới.

Phần lớn thủy sản Mỹ xuất khẩu sang Trung Quốc được gia công chế biến sâu hơn và xuất ngược trở lại Mỹ hoặc sang các thị trường châu Á khác, và các nhà máy Trung Quốc có nhiều lựa chọn khác ngoài nguồn thủy sản Mỹ, theo Garrett Everidge, một nhà kinh tế học tại McDowell Group, hãng tư vấn và nghiên cứu tại Alaska nhận định. “Nếu tôi là nhà quản lý một nhà máy thủy sản tại Trung Quốc, tôi mua nguồn nguyên liệu từ khắp mọi nơi. Nếu tôi đang cần nguồn cá tuyết Pollock, tôi có lựa chọn giữa cá tuyết Pollock Mỹ hoặc cá tuyết Pollock Nga. Nếu tôi có một dây chuyền sản xuất cá hồi, tôi có thể sử dụng cá hồi Alaska hoặc cá hồi từ bất cứ nơi nào khác”.

Viện Marketing Thủy sản Alaska và Hiệp hội các nhà chế biến thủy sản Thái Bình Dương đều cho biết họ nhận được phản hồi đầy lo lắng của các thành viên và theo dõi sát sao tình hình.

Chung mối lo với ngành thủy sản Alaska là ngành tôm hùm Mỹ, vốn đang ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Năm 2017, xuất khẩu tôm hùm Mỹ sang Trung Quốc lên tới 142,4 triệu USD, theo dữ liệu của NMFS, tăng từ mức 108,2 triệu USD trong năm 2016.

Tom Adams, nhà sáng lập kiêm CEO của Maine Coast Lobster Company, cho biết trong cuộc phỏng vấn gần đây với Undercurrent News về việc theo dõi căng thẳng thương mại leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc. Công ty của ông phụ thuộc vào thị trường châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, cheiém tới 50% tổng doanh thu tôm hùm hàng năm của công ty. “Tôi không muốn dính vào chính trị và tôi ủng hộ American First, nhưng với tư cách một nhà xuất khẩu, chúng tôi nỗ lực mở rộng tối đa thị trường. Hiện tại, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung và tỷ giá là những vấn đề chúng tôi quan tâm theo dõi hàng đầu”. Ông cho biết thêm “chúng tôi hy vọng các thỏa thuận thương mại công bằng và tích cực sẽ được đàm phán giữa Mỹ với các quốc gia khác như Trung Quốc. Chúng tôi có nhưng khách hàng tuyệt vời ở các nước này và muốn tiếp tục bán sản phẩm, phục vụ lợi ích kinh doanh của cả hai bên”.

Polar Bay Foods, tại Bellevue, Washington, là một công ty khác có lý do để quan tâm tới mối quan hệ thương mại với Trung Quốc, khi các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là các loại cá bơn, cá tuyết pollock và cá hồi, nguồn gốc từ Alaska, sang Trung Quốc để gia công chế biến. Nhưng Julia Ying, chủ tịch Dalian Meihe Foodstuff Co., Ltd., công ty mẹ của Polar Bay tại Trung Quốc, lại có vẻ không mấy lo lắng. “Tôi không cho rằng thủy sản sẽ bị đưa lên thớt trong danh sách đối tượng áp thuế hiện nay bởi so với các hàng hóa khác, thủy sản là một phân khúc hàng hóa quá nhỏ. Nhưng mọi người vẫn sẽ quan tâm đến điều gì sẽ diễn ra tiếp theo bởi Trung Quốc là một trung tâm gia công chế biến thủy sản cho toàn cầu, đặc biệt là thị trường Mỹ”.

Jim Gulkin, nhà sáng lập kiêm CEO của Siam Canadian Group, chuyên nhập khẩu tôm từ châu Á và có văn phòng tại 6 nước châu Á, đồng ý với nhận định trên. Mặc dù vị thế của Trung Quốc trong quan hệ nhập khẩu thủy sản với Mỹ là rất lớn, thủy sản vẫn là mặt hàng quá nhỏ bé so với các hàng hóa nhập khẩu khác của Mỹ từ Trung Quốc.

Trong một quan điểm phát biểu với Forbes, cây viết Ralph Jennings cho rằng 4 hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có thể trở thành đối tượng hàng đầu của chính phủ ông Trump là: hàng điện tử dân dụng, lốp xe và cao su, xe hơi và máy móc.

Tuy nhiên, với những động thái gần đây của Mỹ về việc đưa cá tra Việt Nam về cho Bộ Nông nghiệp Mỹ quản lý, và yêu cầu thủy sản nhập khẩu phải hoàn thành nhiều chứng từ ghi chép hơn, bà Ying cảnh báo rằng các nhóm nhà làm luật bị chính trị hóa có thể đẩy thủy sản lên trận tiền của cuộc chiến thương mại để làm lợi cho các tổ chức sản xuất thủy sản nội địa thuộc khu vực bầu cử của họ.

Áp thuế hoặc cấm thủy sản Trung Quốc có thể là điều ông Trump có thể làm để “làm lợi cho cử tri của ông ta, bao gồm các bang miền Nam mà ông Trump hứa sẽ bảo vệ khỏi các hành vi thương mại quốc tế bất công bằng”, ông Gulkin phát biểu.

Một yếu tố tác động khác cần xem xét khi theo dõi các động thái thương mại của chính quyền ông Trump là Wilbur Ross, thư ký Bộ Thương mại Mỹ. Ông Ross đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần kể từ khi nhận chức về mong muốn cải thiện cân bằng thương mại thủy sản và rằng hơn 90% thủy sản tiêu dùng tại Mỹ là từ nguồn nhập khẩu, đồng thời đưa ra vấn đề này tại phiên điều trần gần đây.

Nhưng ông Gulkin cho rằng cả hai bên sẽ giải quyết bất đồng trước khi ngành thủy sản bị lôi vào cuộc. “Đây là canh bạc của ông Donald Trump. Và Trung Quốc cũng không muốn một cuộc chiến thương mại, tôi cho là vậy”, ông Gulkin phát biểu. “Tập Cận Bình đã giành lấy vị thế quyền lực trọn đời và để tập trung quyền lực, ông cần một nền kinh tế mạnh khỏe để khiến 1,3 tỷ dân của ông hạnh phúc. Vì vậy, ông Tập hẳn không muốn bất cứ điều gì trở thành một biến cố lớn cho nền kinh tế Trung Quốc”.

Theo Undercurrent News (gappingworld.com)

 

 



Báo cáo phân tích thị trường