Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nông dân nuôi cá tra Việt Nam đối mặt với quy định nhập khẩu nghiêm ngặt từ Trung Quốc
21 | 04 | 2018
Nông dân nuôi cá tra Việt Nam đang tìm cách tăng xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc sau những khó khăn gần đây tại thị trường Mỹ, nhưng có thể cá tra xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sẽ gặp phải những tiêu chuẩn khắt khe, theo một nhóm nhà phân tích cảnh báo.

Theo ông Võ Hùng Dũng, phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, Trung Quốc sẽ thắt chặt các tiêu chuẩn khi xuất khẩu cá tra từ Việt Nam tăng lên. “Trung Quốc hiện đã chiếm một tỷ trọng lớn trong xuất khẩu cá tra Việt Nam, nên chất lượng các lô hàng cá tra xuất khẩu sang thị trường này sẽ được nâng lên BAP, GlobalGAP và ASC”.

Tăng giá không phải là một lựa chọn, theo phân tích của ông Dũng. “Đừng nghĩ rằng Trung Quốc và các nước khác không thể nuôi cá tra. Vấn đề duy nhất ở đây là các nước đó không thể phát triển nuôi cá tra ở quy mô công nghiệp với chi phí thấp và họ không có chuỗi giá trị hoàn chỉnh để sử dụng phần lớn tất cả các phụ phẩm từ cá tra”, ông Dũng phân tích chi tiết.

Sự chuyển dịch thương mại này đang được theo dõi sát sao. Nhà phân tích Gorjan Nikolik của Rabobank đặt ra câu hỏi tại Diễn đàn Thủy sản Bắc Đại Tây Dương (NASF) gần đây: Liệu Việt Nam có thể “may mắn lần thứ 3?” tại Trung Quốc. “Họ gặp may tại Trung Quốc khi các công ty Trung Quốc cho phép họ (các nhà cung cấp Việt Nam) thâm nhập sâu vào thị trường này. Bạn có thể từng nghĩ rằng Trung Quốc sẽ không bao giờ cho phép điều này xảy ra bởi nước này là nước xuất khẩu cá rô phi lớn nhất thế giới”, ông Nikolik nhấn mạnh. “Bạn có thể từng nghĩ rằng Trung Quốc có thể dễ dàng loại bỏ một nhà sản xuất châu Á sản xuất ra một sản phẩm không mấy khác biệt tại thị trường Trung Quốc”.

Tuy nhiên, theo ông Nikolik, các công ty cá rô phi tại Trung Quốc đã quá tập trung vào thị trường Mỹ. “Họ (những người bán Trung Quốc) thâm nhập vào thị trường Mỹ với một sản phẩm thi thoảng bị từ chối. Sau đó, họ bán sản phẩm đó trên thị trường nội địa, không hề cho rằng Trung Quốc sẽ là thị trường lớ nhất của họ trong 10 năm tới. Thế nên họ tự hủy hoại hình ảnh của họ trên thị trường nội địa và mở ra một cánh cửa cho cá tra, được cho là sản phẩm chất lượng cao tại thị trường này. Nhưng, hãy theo dõi xem tình trạng này kéo dài bao lâu, như tại châu Âu và Trung Quốc, khi Việt Nam không tập trung vào khác biệt hóa”, ông phát biểu tại NASF.

Tại châu Âu, các doanh nghiệp cá tra Việt Nam đã thâm nhập và cạnh tranh bằng giá thấp, ráo riết xác lập vị thế thị trường, nhưng họ lại không giải quyết triệt để các thông tin truyền thông tiêu cực tại thị trường này, ông nhấn mạnh. Doanh số cá tra tại thị trường châu Âu của Việt Nam giảm từ 200.000 tấn năm 2015 xuống còn 75.000 tấn năm 2017, theo dữ liệu trình bày trước đó của Ragnar Nystoyl đến từ Kontali Analyse. “ Thế nên các nhà sản xuất Việt Nam nghĩ nơi nào họ có thể tiếp tục đặt chân tới? Thế rồi họ đến Mỹ – nơi họ tăng trưởng, tăng trưởng và tăng trưởng mãi. Nhưng chiến thuật tương tự đã không hoạt động trơn tru, khi họ mang đến một sản phẩm hết sức cơ bản, không có sự khác biệt. Cạnh tranh về giá đã không phát huy tác dụng như kỳ vọng”, ông Nikolik phân tích.

Doanh số cá tra tại thị trường Mỹ cũng giảm từ hơn 130.000 tấn cá tra phile năm 2016 xuống chỉ còn hơn 100.000 tấn năm 2017. Một phần nguyên nhân là do sự thay đổi thể chế giám sát nhập khẩu cá tra từ FDA sang USDA. Tháng 2/2018, Việt Nam đã kiện Mỹ lên WTO cho rằng sự thay đổi trong cơ chế giám sát cá tra của Mỹ là không công bằng thương mại.

Mặc dù cá tra Việt Nam đã giành được thị phần từ cá rô phi Trung Quốc tại thị trường Mỹ nhưng điều quan trọng là chiếc bánh thị trường không hề to lên. “Để tăng doanh số, họ phải giảm giá, họ mua thị phần mà không phải bằng một sản phẩm khác biệt. Sau đó, họ gặp vấn đề pháp lý tại Mỹ nên họ đang chuyển sang Trung Quốc. Nhưng liệu kịch bản chuyển thị trường lần 3 của Việt Nam có phát huy tác dụng như những lần trước?”, ông Nikolik nêu lên câu hỏi. Cho đến nay thì chiến thuật này vẫn phát huy tác dụng. Dữ liệu mà ông Nikolik trình bày cho thấy doanh thu xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Trung Quốc tăng từ chỉ hơn 250 triệu USD năm 2016 lên khoảng 400 triệu USD trong năm 2017.

Theo Undercurrent News (gappingworld.com)

 



Báo cáo phân tích thị trường