Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Kế hoạch mở rộng chăn nuôi lợn tại Trung Quốc phanh gấp khi giá giảm mạnh
21 | 04 | 2018
Một số nông dân chăn nuôi lợn tại Trung Quốc đang điều chỉnh các kế hoạch mở rộng hoặc tạm ngừng triển khai các dự án theo kế hoạch do nguồn cung dồi dào trên thị trường đang đẩy giá lợn sống tại nước này giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm vào tháng 3/2018.

Hai công ty quy mô vừa theo khảo sát của Reuters cho biết họ đã điều chỉnh giảm tốc các kế hoạch mở rộng hoặc đang ngừng các hoạt động chăn nuôi lợn trong tương lai, khi các nhà phân tích ngành cho biết một số nông dân quy mô nhỏ hơn bắt đầu đua nhau đưa lợn đi giết mổ.

Đây là diễn biến mới nhất cho thấy giai đoạn nhiều năm tăng đầu tư để thúc đẩy chăn nuôi lợn đã qua, với sản lượng vượt xa nhu cầu đang tăng trưởng chậm lại, vào thời điểm nguồn cung thịt lợn toàn cầu đang ở mức cao kỷ lục. “Nhu cầu không theo theo kịp tốc độ tăng trưởng sản xuất”, theo Pan Chenjun, nhà phân tích cấp cao tại Rabobank nhận định.

Trung Quốc là nước sản xuất và tiêu thụ thịt lợn lớn nhất thế giới, và nguồn cung nội địa dồi dào đang gây ra áp lực lên giá thịt lợn trên thị trường toàn cầu. Tăng mạnh nguồn cung lợn sống đã đẩy giá lợn sống xuống mức thấp nhất trong vòng 8 năm vào giữa tháng 3 vừa qua. Tình hình này làm giảm nhu cầu của Trung Quốc đối với các nhà xuất khẩu như Mỹ- nơi quy mô đàn lợn gần đây đã chạm mức cao kỷ lục, chủ yếu do tăng công suất chế biến.

Tốc độ mở rộng chậm hơn tại Trung Quốc có thể không giúp gì cho việc cải thiện tình hình sau khi Bắc Kinh áp thuế nhập khẩu bổ sung đối với thịt lợn Mỹ. “Thị trường hiện đang trong tình trạng rất tồi tệ”, theo phát biểu của ông Thomas Titus, một nông dân nuôi lợn tại Elkhart, Illinois.

Tại Trung Quốc, giá lợn sống đang giảm xuống còn khoảng 10 NDT/kg., tương đương 1,59 USD/kg, tại các tỉnh chăn nuôi lợn lớn của Trung Quốc như Hồ Nam, Hồ Bắc và Sơn Đông, cũng như khu vực Đông Bắc – khu vực chăn nuôi lợn đang mở rộng nhanh nhất của Trung Quốc. Đồng thời, giá TACN đang tăng trong nửa cuối năm 2017 do nguồn cung ngô Trung Quốc giảm và giá bột đậu tương tăng. TACN có thể chiếm tới 80% chi phí sản xuất tại các trang trại chăn nuôi lợn Trung Quốc. Do nông dân hiện đang thua lỗ tới 190 NDT/con vào thời điểm giết mổ, chính phủ đang kêu gọi hoạt động sản xuất cần điều tiết cho hợp lý khi diến biến gần đây giữa Mỹ và Trung Quốc đang tiến gần đến “khu vực chiến tranh”.

Yin Pingan, chủ tịch của Chongqing Riquan Animal Husbandry Co Ltd, cho biết ông có kế hoạch hoàn thành 5 trang trại chăn nuôi lợn mới hiện đang trong quá trình xây dựng. Nhưng nay ông quyết định chờ đợi diễn biến tiếp theo trên thị trường trước khi bổ sung thêm 60.000 con lợn thịt vào đàn lợn ông có trong năm 2019 theo kế hoạch ban đầu. “Các trang trại này hiện vẫn chưa bắt đầu hoạt động, chúng tôi sẽ chậm lại hoạt động xây dựng. Chúng tôi sẽ theo dõi tình hình trước khi quyết định liệu có xây dựng hay không”, ông phát biểu trước Reuters.

Cuộc chiến thương mại

Một giám đốc điều hành của một công ty khác cho biết gần đây đã thay đổi kế hoạch mở rộng sản xuất, chỉ bổ sung thêm 10.000 con lợn thịt, thay vì kế hoạch 60.000 con trước đó. Các kế hoạch trước đặt mục tiêu tăng khoảng 40.000 con trong năm 2018. “Giá lợn sống sẽ không tăng trước thời điểm cuối năm nay”, vị này nhận định.

Hiện giá lợn sống tại Trung Quốc được dự báo sẽ duy trì ở mức thấp, một nhà chức trách cảnh báo hồi đầu tuần này, mặc dù một số nông dân đã bắt đầu giết mổ đàn lợn, sẽ là yếu tố giúp giảm áp lưc nguồn cung trong những quý sắp tới. Nhưng cuộc chiến thương mại leo thang giữa Trung Quốc và Mỹ có thể châm ngòi cho một đợt hồi phục giá nhanh hơn. Nếu Bắc Kinh triển khai mức thuế cao đối với đậu tương nhập khẩu từ Mỹ như đã tuyên bố, chi phí TACN sẽ tăng lên và đẩy nhiều nông dân ra khỏi ngành, theo phân tích của ông Pan, nhà phân tích tại Rabobank.

Hôm 18/4, Trung Quốc chính thức đặt có hiệu lực mức thuế 178,6% đối với hạt kê nhập khẩu từ Mỹ, một loại ngũ cốc khác sử dụng làm TACN. Chi phí TACN cao có thể làm giảm nguồn cung lợn sống vào giai đoạn đầu của nửa cuối năm 2018, hỗ trợ giá nội địa và nguồn nhập khẩu giá rẻ hơn. Dù vậy, các nhà sản xuất chăn nuôi lợn lớn cho biết họ sẽ tiếp tục các kế hoạch mở rộng, bất chấp thua lỗ.

Trong một cuộc phỏng vấn ngắn với các nhà phân tích trong tháng 4, Lin Jianxing, giám đốc tài chính của nhà sản xuất lợn lớn nhất Trung Quốc Guangdong Wens Foodstuff Group Co Ltd, cho biết công ty sẽ hoàn thành các dự án mới, bổ sung thêm 5,6 triệu con lợn trong năm 2018. Công ty này cúng sẽ bắt đầu xây dựng các trang trại chăn nuôi với công suất sản xuất thêm 6 triệu con lợn nhằm “thiết lập càng nhanh càng tốt các ưu thế về quy mô tại các khu vực mới”. “Các công ty lớn biết rằng họ sẽ thua lỗ trong năm 2018 và 2019, nhưng khi thị trường giảm giá, lại là thời điểm tốt để mở rộng”, ông Pan nhận định.

Theo Reuters (gappingworld.com)

 

 



Báo cáo phân tích thị trường