Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Chi phí sản xuất nội địa cao sẽ buộc Trung Quốc nhập khẩu mạnh thịt lợn
22 | 01 | 2017
Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc được dự báo duy trì ở mức cao trong những năm tới do chi phí sản xuất nội địa cao và thực tế là số liệu thống kê đàn lợn chính thức có thể đã bị vống lên khá nhiều, theo phân tích của các nhà chức trách Mỹ.

Một báo cáo từ USDA cho rằng Trung Quốc đang gặp những rào cản lớn trong mở rộng ngành chăn nuôi lợn, dẫn tới giá lợn nội địa duy trì ở mức cao và nước này buộc phải nhập khẩu mạnh mặt hàng này. “Tương quan sản xuất tại Trung Quốc và Mỹ cho thấy những người chăn nuôi lợn tại Trung Quốc đang phải chịu chi phí thức ăn chăn nuôi và chi phí lao động cao hơn những đồng nghiệp Mỹ”, báo cáo của USDA chỉ ra. “Với chi phí sản xuất tăng, các rào cản trong sử dụng đất và các quy định về môi trường nghiêm ngặt hơn tại Trung Quốc, nước này nhiều khả năng sẽ phải duy trì nhập khẩu thịt lợn ở mức cao”.

Theo USDA, Trung Quốc đã trở thành nước nhập khẩu thịt lợn lớn nhất thé giới do chi phí sản xuất lợn liên tục tăng. USDA cho biết nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc trong năm 2016 đã tăng gấp đôi so với năm 2015, lên 2,4 triệu tấn, so với mức 53.000 tấn hồi 10 năm trước, khi giá thịt lợn Trung Quốc bắt đầu vượt giá thịt lợn Mỹ. Nhập khẩu thịt lợn của Trung Quốc năm 2017 được dự báo chỉ giảm nhẹ xuống 2,3 triệu tấn, là mức cao thứ 2 từng được ghi nhận và chỉ thấp hơn mức cao kỷ lục đạt được vào năm 2016 một tỷ lệ nhỏ.

Giá thịt lợn nội địa của Trung Quốc đang được đẩy tăng do chi phí sản xuất lợn của nước này liên tục tăng. “Sự nổi lên của Trung Quốc vơi vai trò một nước nhập khẩu thịt lợn phản ánh sự khan hiếm nguồn lực sản xuất do bản chất của hoạt động chăn nuôi lợn tại Trung Quốc đang trải qua những thay đổi lớn”, USDA chỉ ra.

Sự bùng nổ sản xuất thịt lợn tại Trung Quốc được tạo ra bởi những người chăn nuôi lợn quy mô nhỏ, tận dụng nguồn cung lao động nông thôn dồi dào. Tuy nhiên, hiện nguồn cung lao động nông thôn đang suy giảm do đô thị hóa tăng và tỷ lệ sinh giảm, buộc ngành ngày phải chuyển đổi. “Ngành chăn nuôi lợn của Trung Quốc đang trong một giai đoạn hợp nhất nhanh, tương tự như đã từng xảy ra tại Mỹ trong thế kỷ 20”, USDA phân tích. “Trong khi lương tại Trung Quốc vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ, việc rút lao động ra khỏi ngành chăn nuôi lợn và tiến trình hợp nhất sản xuất ngành lợn Trung Quốc có thể sẽ tiếp diễn”.

Sự hợp nhất của ngành lợn cũng đẩy tăng chi phí nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, như các loại ngũ cốc, các loại bột hạt có dầu, và chi phí TACN thương mại thay thế cho thức ăn trộn theo cách truyền thống có chi phí thấp. Xét tới giá ngũ cốc và giá các loại hạt có dầu tại Trung Quốc ở mức cao, chi phí TACN tại Trung Quốc cao hơn nhiều so với các nước sản xuất lợn khác. Mặc dù chính phủ Trung Quốc đang cho phép giá ngô được trợ cấp giảm, USDA cho rằng chi phí chăn nuôi lợn tại Trung Quốc vẫn cao hơn nhiều so với các đối thủ cạnh tranh quốc tế. Các rào cản về sử dụng đất cũng đang hạn chế sự mở rộng của ngành này.

USDA cũng nhấn mạnh các khả năng số liệu sản xuất lợn của Trung Quốc đã bị khai vống lên rất nhiều so với quy mô sản xuất thực tại nội địa, do các nhà chức trách địa phương chạy theo thành tích và thổi phồng số liệu. Một số nhà phân tích kết luận rằng số liệu sản xuất thịt lợn của Trung Quốc đã bị thổi phồng so với quy mô sản xuất thực khoảng 25% trong giai đoạn 2004 – 2010. “Quả là sản xuất thịt lợn tại Trung Quốc chắc chắn cao hơn nhiều so với sản xuất thịt lợn tại bất kỳ nước nào khác nhưng số liệu sản xuất tại Trung Quốc đã bị thổi phồng đáng kể”, USDA kết luận.

Theo Agrimoney



Gappingworld
Báo cáo phân tích thị trường