Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu rau quả vẫn sẽ thuận lợi
31 | 05 | 2018
Sau khi tiếp tục tăng mạnh trong quý I, XK rau quả trong tháng 5 bất ngờ giảm mạnh về mức tăng trưởng. Tuy nhiên, theo nhận định của các thương nhân ngành rau quả, XK mặt hàng này trong cả năm nay nhìn chung vẫn sẽ thuận lợi.

Đột ngột giảm mức tăng trưởng

Theo Tổng cục Hải quan, trong 4 tháng đầu năm nay, XK rau quả vẫn nằm trong nhóm những mặt hàng nông nghiệp có đà tăng trưởng tốt nhất. Cụ thể, trong 4 tháng qua, XK rau quả đã đạt kim ngạch 1,319 tỷ USD, tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái. Về kim ngạch XK, rau quả đang đứng thứ 4 trong nhóm các mặt hàng nông nghiệp, sau gỗ (2,637 tỷ USD), thủy sản (2,446 tỷ USD) và cà phê (1,326 tỷ USD). Còn về mức tăng trưởng, rau quả xếp sau gạo (tăng 40,3% trong 4 tháng đầu năm) và hạt điều (tăng 35,3%).

Phân loại thanh long ở HTX Tầm Vu (Long An)

Nhìn chung, trong 4 tháng đầu năm, XK rau quả đã tăng trưởng tốt ở phần lớn các thị trường. Trong 10 thị trường lớn nhất, có tới 8 thị trường tăng trưởng 2 con số, gồm: Trung Quốc (tăng 30,25%), Thái Lan (28,16%), UAE (22,24%), Singapore (16,02%), Nhật Bản (15,88%), Hàn Quốc (13,28%) và Mỹ (12,34%). Hà Lan là thị trường duy nhất trong Top 10 tăng trưởng dưới 2 con số (5,15%) và Nga là thị trường duy nhất trong Top 10 bị tăng trưởng âm (giảm 14,98%).

Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng nhất, đóng góp phần lớn vào đà tăng trưởng mạnh của XK rau quả Việt Nam. Trong 4 tháng đầu năm, XK rau quả sang Trung Quốc đạt 988,77 triệu USD, tăng 30,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Với kim ngạch như trên, Trung Quốc đang chiếm tới 75% tổng kim ngạch XK rau quả. Đông Nam Á đang là thị trường lớn thứ hai của rau quả Việt Nam với kim ngạch XK 56,39 triệu USD, tăng 19,4% (chiếm 4,3% tổng kim ngạch XK), tiếp đó là Mỹ (38,84 triệu USD; chiếm 2,9%), Nhật Bản (36,55 triệu USD; chiếm 2,8%), EU (32,22 triệu USD; chiếm 2,4%)...

Tuy vẫn còn tăng trưởng tốt trong 4 tháng đầu năm, nhưng so với 3 tháng của quý I, XK rau quả trong tháng 4 đã đột ngột giảm mạnh. Cụ thể, trong tháng 4, XK rau quả đạt 349,56 triệu USD, chỉ tăng 8,7% so với tháng 4/2017. Trong khi đó, XK rau quả cả quý I đạt 970 triệu USD, tăng tới 38,51% so với quý I/2017.

Theo Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong tháng 5, mức tăng trưởng XK rau quả còn kém khả quan hơn khi giá trị XK ước đạt 303,962 triệu USD, giảm 18,3% so với tháng 5/2017. Do mức tăng trưởng giảm mạnh trong tháng 4 và 5, nên tính trong cả 5 tháng đầu năm, ước tính XK rau quả chỉ còn tăng 16,4% so với cùng kỳ 2017 khi ước đạt 1,622 tỷ USD.  

Vẫn sẽ thuận lợi

Việc XK rau quả đột ngột giảm mạnh về đà tăng trưởng trong tháng 4 và 5, theo lý giải của một số thương nhân ngành rau quả, là do các nước sản xuất trái cây lớn trong khu vực như Trung Quốc, Thái Lan… bước vào vụ thu hoạch một số loại trái cây mà Việt Nam cũng sản xuất với khối lượng lớn. Do vậy, việc XK trái cây sẽ bị ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh từ trái cây của những nước này.

Thông tin từ Bộ Công thương cho hay, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Thái Lan, 4 loại trái cây nhiệt đới (bòn bon, măng cụt, chôm chôm và sầu riêng) tại khu vực sản xuất chính ở 7 tỉnh miền Nam đạt sản lượng 440.600 tấn, tăng tới 80% so với năm ngoái. Trong đó, sản lượng trái bòn bon tăng 87%, măng cụt 125%, chôm chôm tăng 75% và sầu riêng tăng 50%. Sản lượng trái cây tăng nhờ tổng diện tích trồng 4 loại trái cây này tăng và thời tiết thuận lợi. Nhờ đó, sản lượng 4 loại trái cây nói trên ở miền Nam Thái Lan đã bù đắp được sản lượng giảm ở khu vực Đông Nam nước này do thời tiết không thuận lợi.

Việc trùng mùa vụ làm ảnh hưởng tới XK rau quả Việt Nam có thể thấy rõ ở thị trường Trung Quốc. Nếu như trong quý I, XK rau quả sang Trung Quốc đạt 726,625 triệu USD, tăng tới 41,97% so với quý I/2017, thì trong tháng 4, XK rau quả sang Trung Quốc đạt 262,758 triệu USD, chỉ tăng 6,2% so với tháng 4/2017. Mức tăng trưởng giảm mạnh trong tháng 4 khiến cho tăng trưởng XK rau quả 4 tháng đầu năm sang thị trường Trung Quốc chỉ còn 30,3% so với mức tăng 41,97% trong quý I. Thông tin từ một số thương nhân cho hay, XK rau quả sang Trung Quốc chưa có ảnh hưởng gì từ yêu cầu truy xuất nguồn gốc của tỉnh Quảng Tây, nhưng bị ảnh hưởng từ việc trùng mùa vụ ở các nước trong khu vực.

Cũng theo Bộ Công thương, thương lái Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua măng cụt và sầu riêng ở Thái Lan với khối lượng lớn. Trong đó, phần lớn sản lượng măng cụt Thái Lan được thương nhân Trung Quốc mua với giá khoảng 40 NDT/kg, sầu riêng từ 13 - 16 NDT/kg. Do phần lớn măng cụt và một lượng lớn sầu riêng Thái Lan được thương nhân Trung Quốc trực tiếp thu mua, đưa về nước này, khiến cho lượng măng cụt, sầu riêng Thái Lan qua Campuchia vào Việt Nam cũng giảm mạnh. Đây cũng là một nguyên nhân ít nhiều làm giảm nguồn măng cụt, sầu riêng từ Việt Nam XK sang Trung Quốc.

Theo ông Nguyễn Đình Tùng, TGĐ Cty TNHH TM DV XNK VINA T&T, XK một số loại trái cây sang Mỹ cũng đang bị ảnh hưởng bởi trùng mùa vụ của những loại trái cây này tại khu vực Florida (Mỹ), Mexico… Thanh long vẫn đang là mặt hàng trái cây chủ lực XK sang Mỹ, nhưng mạn New York, thanh long Việt Nam hiện không sang được vì thanh long thu hoạch ở Florida vận chuyển tới New York có giá rẻ hơn. Riêng mạn California, thanh long Việt Nam vẫn đang sang bình thường vì thanh long từ Florida tới California không rẻ hơn thanh long có xuất xứ từ Việt Nam. Trái chôm chôm hiện gần như không XK được sang Mỹ bởi không cạnh tranh được về giá với chôm chôm Mexico vốn có cước vận chuyển thấp hơn nhờ ở gần nước Mỹ.

Việc trùng mùa vụ vốn là chuyện bình thường trong sản xuất và XK nhiều loại trái cây trên thế giới, do đó, chỉ ảnh hưởng tới XK trái cây trong vài tháng. Trái cây Việt Nam có lợi thế lớn so với nhiều nước khác là thu hoạch quanh năm. Bởi vậy, về tổng thể, nhiều thương nhân ngành rau quả cho rằng XK vẫn sẽ tiếp tục thuận lợi và tiếp tục tăng trưởng trong cả năm 2018.

Hàn Quốc là thị trường đầy tiềm năng

Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, kim ngạch XK hàng rau quả của Việt Nam tới Hàn Quốc trong tháng 4/2018 đạt 10,89 triệu USD, tăng 1,2% so với tháng 3/2018 và tăng 26,2% so với tháng 4/2017. Tính chung 4 tháng đầu năm 2018, kim ngạch XK hàng rau quả tới Hàn Quốc đạt 34,78 triệu USD, tăng 13,5% so với 4 tháng đầu năm 2017.

Tuy XK rau quả sang Hàn Quốc đang tăng trưởng khá, nhưng thị phần rau quả Việt Nam tại Hàn Quốc còn khá khiêm tốn. Đây là cơ hội để các DN đẩy mạnh XK rau quả sang Hàn Quốc. Theo Công ty Khảo sát thị trường quốc tế BMI, xu hướng tiêu dùng của người Hàn Quốc ngày càng ưu tiên các loại rau và trái cây tươi. Năm 2012, chi tiêu cho trái cây tươi chiếm 12,2% và trong tổng tiêu dùng thực phẩm của người Hàn Quốc, và dự kiến sẽ tăng lên 19,1% vào năm 2022.

Trong những năm qua, sản xuất trái cây, hạt và rau quả của Hàn Quốc bị hạn chế và suy giảm, dẫn đến sự phụ thuộc lớn vào NK. Hàn Quốc chỉ có thể tự cung cấp các loại táo, dâu tây, lê… và phụ thuộc vào việc NK trái cây nhiệt đới. Sản xuất rau tại thị trường nội địa tập trung vào một số chủng loại chính như cải bắp, củ cải, rau diếp…, còn lại NK đa dạng các chủng loại rau khác để phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ trong nước.

Theo Nông nghiệp Việt Nam



Báo cáo phân tích thị trường