1. Đặc điếm thị trường
Trung Quốc là nước sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ rau, quả lớn nhất châu Á. 90% rau, quả của Trung Quốc hiện nay được tiêu thụ dưới dạng tươi, 10% còn lại được chế biến thành nước ép, đóng hộp, đông lạnh, sấy khô, mứt quả…
Năm 1999, Trung Quốc xuất khẩu 3.104 triệu USD rau, quả các loại; nhập khẩu 393 triệu USD rau, quả các loại từ các nước: Việt Nam 35,7 triệu USD (chiếm tỷ lệ 35,7% kim ngạch xuất khẩu rau, quả của nước ta); lndonesia 32,7 triệu USD; EU 3,9 triệu USD; Miến Điện 2,9 triệu USD; Malaysia 2,1 triệu USD; Thái Lan 1,5 triệu USD.
Trung Quốc chủ yếu là nước xuất khẩu rau, quả; kim ngạch xuất khẩu gấp từ 9 - 10 lần so với kim ngạch nhập khẩu, chiếm 10% kim ngạch của tổng lượng hàng nông sản xuất khẩu.
Về cơ cấu mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc: rau chủ yếu là rau tươi, rau khô, đậu quả tươi; quả chủ yếu là cam, bưởi, táo, hạnh đào nhân, hạt dẻ... Như vậy, về cơ cấu mặt hàng rau, quả xuất khẩu của Trung Quốc ngoài một lượng bưởi, cam, quýt được trồng tại một số tỉnh phía nam, thì chủ yếu là rau, quả ôn đới, hầu như không trùng với cơ cấu rau, quả xuất khẩu của Việt Nam.
2. Chính sách thuế và phi thuế
Trung Quốc áp dụng các mức thuế nhập khẩu tương đối cao và chính sách phi thuế quan khá chặt chẽ. Thuế suất trung bình phổ thông đối với rau chủ yếu khoảng 70% (thuế suất MFN tương ứng là 13%), trừ một số mặt hàng như nấm, măng, hành khô hoặc sơ chế, có thuế suất phổ thông cao hơn, khoảng 80%-90% (nhưng thuế suất MFN vẫn là 13%); nhưng các loại hạt giống rau có thuế suất MFN khoảng 0-8%, các loại đậu, lạc thuế MFN khoảng 30%. Riêng các loại quả tươi, khô có thuế suất cao hơn. Thuế suất MFN trung bình với quả khoảng từ 30%-50% (thuế phổ thông lên tới 100%). Hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc hiện đang được hưởng mức thuế MFN.
Về chính sách phi thuế, Trung Quốc áp dụng chủ yếu các hình thức hạn ngạch, giấy phép hoặc chế độ đăng ký đặc định nhập khẩu. Nhưng thực tế cho thấy chính sách phi thuế của Trung Quốc hiện nay không cản trở lớn đến sự xâm nhập thị trường của ta. Cản trở lớn nhất chủ yếu vẫn là mức thuế nhập khẩu đối với rau, quả còn cao.
3. Triển vọng về thị trường
Trung Quốc đang nhập khẩu (chủ yếu bằng con đường mậu dịch biên giới) một số lượng lớn các loại rau, quả tươi và chế biến từ Việt Nam tuy rau tươi còn ít. Trung Quốc (đặc biệt là các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam) là thị trường nhiều tiềm năng đối với việc xuất khẩu (hoặc trung chuyển) rau, quả tươi và chế biến cho ta như: thanh long, chuối, dứa, xoài, dừa, vải, nhãn, chôm chôm, dưa hấu; dưa chuột, khoai tây, đậu quả các loại, măng ta, cà chua, nấm; hạt tiêu, gừng, ớt, giềng, nghệ, tỏi) vì chi phí vận tải thấp và thuận tiện trong việc xuất sang các thị trường khác.
4. Các biện pháp tiếp cận thị trường:
- Do những điều kiện thuận lợi về chi phí vận chuyển, về yêu cầu kiểm định, kiểm dịch thực phẩm... và sự “dễ tính” của thị trường, trước mắt, chúng ta nên tiếp tục khai thác thế mạnh xuất khẩu thông qua đường biên thì việc đẩy mạnh xuất khẩu rau, quả của ta sẽ có nhiều thuận lợi hơn so với xuất khẩu theo đường chính ngạch.
- Cung cấp thông tin về thị trường và các doanh nghiệp trung Quốc để các doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, tìm hiểu, lựa chọn đối tác thích hợp.
(Theo Vinanet)