Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin phân tích thị trường gỗ và sản phẩm từ gỗ tháng 6/2018
29 | 06 | 2018
Giá trị xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ tháng 6/2018 ước đạt 740 triệu USD, lũy kế xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 4,1 tỷ USD, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu sang các thị trường chính gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc 1 lần lượt đạt 1,36 tỷ USD (tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017); 461,133 triệu USD (tăng 2,5%); 439,163 triệu USD (tăng 3%); 374,194 triệu USD (tăng 49,6%).

Giá trị nhập khẩu tháng 6/2018 ước đạt 204 triệu USD, lũy kế nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 1,08 tỷ USD, tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 5 tháng đầu năm 2018, nhập khẩu gỗ có nguồn gốc hợp pháp tại một số thị trường như Mỹ, Đức, Pháp tiếp tục tăng trưởng, lần lượt tăng 11,6%, 14,8%; và 12,4% so với cùng kỳ năm 2017. Nhập khẩu gỗ tại một số thị trường giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2017 gồm Campuchia đạt 65,4 triệu USD (giảm 49% so với cùng kỳ 2017); Malaysia đạt 35 triệu USD (giảm 12,7%). Nguyên nhân là do các doanh nghiệp Trung Quốc đẩy mạnh thu mua gỗ nguyên liệu tại các nước lân cận. Đồng thời, Campuchia, Lào, Myanmar cũng tiếp tục thắt chặt xuất khẩu gỗ thông qua chính sách cấm xuất khẩu gỗ tròn và gỗ xẻ từ rừng trồng.

Trên thị trường thế giới, thương mại gỗ tiếp tục diễn ra sôi động trong khi nguồn cung khan hiếm, chính sách bảo hộ của Mỹ và biện pháp đáp trả từ các nước đối tác. Nhập khẩu gỗ dán của EU trong những tháng đầu năm 2018 tăng 5% so với cùng kỳ năm 2017. Giá gỗ nhiệt đới nhập khẩu của EU tăng liên tục trong 6 tháng trở lại đây do sự cạnh tranh thu mua khốc liệt từ các nhà nhập khẩu gỗ dán của Mỹ. Canada đã đáp trả chính sách thuế của Mỹ lên sản phẩm nhôm thép bằng kế hoạch giới hạn thương mại một loạt các sản phẩm từ Mỹ, trong đó có sản phẩm gỗ dán và ghế gỗ có hiệu lực từ 1/7. Trung Quốc tăng cường thu mua nguyên liệu từ các nước lân cận do thiếu hụt gỗ nguyên liệu phục vụ chế biến trong nước. Ngoài ra, do ảnh hưởng của chính sách thương mại với Mỹ, tận dụng nguồn lao động giá rẻ, ưu đãi trong phát triển công nghiệp chế biến gỗ của Việt Nam, gần đây một số doanh nghiệp Trung Quốc có dấu hiệu dịch chuyển đầu tư vào ngành gỗ của Việt Nam.

Áp lực về nguồn cung gỗ nguyên liệu, thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ và sự dịch chuyển đầu tư vào ngành gỗ từ Trung Quốc đã, đang và sẽ còn tác động đến Việt Nam. Trong ngắn hạn, Việt Nam cần tiếp tục duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro. Thêm vào đó, cần có những bước chuẩn bị để thích ứng với những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ.Đồng thời, thị trường gỗ nội địa có những chuyển biến và khởi sắc, tạo động lực cho sản xuất trong nước phát triển. Đặc biệt là các công ty gỗ nội thất trong nước đã dành được các hợp đồng thiết kế lắp đặt một số công trình quan trọng trên thế giới làm cho nhu cầu tiêu thụ các loại gỗ có giá trị cao và nguồn gốc rõ ràng tăng mạnh.

Cần lưu ý:

Trung Quốc là thị trường có nhu cầu lớn về gỗ, tuy nhiên nguồn cung gỗ đang bị thiếu hụt, đặc biệt là gỗ chúng nhận. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng đang chuyển sang thị trường nội địa, do nhu cầu về gỗ chất lượng cao trong nước đang tăng cùng với sự phát triển mạnh của các đô thị. Do đó trong tương lai cần định hướng phát triển mạnh gỗ có chứng nhận. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cần tiếp tục duy trì và đa dạng hóa nguồn gỗ nhập khẩu, tiếp cận nguồn nguyên liệu từ các thị trường ít rủi ro và có những bước chuẩn bị để thích ứng với những thay đổi trong xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Nguồn: IPSARD - MARD



Báo cáo phân tích thị trường