Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin phân tích thị trường rau quả tháng 7/2018
03 | 08 | 2018
Bản tin phân tích thị trường rau quả tháng 7/2018

Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 7 năm 2018 ước đạt 289 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 2,3 tỷ USD, tăng 12,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018 với 74% thị phần. Xuất khẩu rau quả sang thị trường này trong 6 tháng đầu năm 2018 đạt 1,47 tỷ USD, tăng 18% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Sáu tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá trị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Thái Lan (37,6%), Hàn Quốc (16,7%), Hoa Kỳ (15,9%) và Malaysia (12,9%).

Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 7/2018 đạt 156 triệu USD, đưa tổng giá trị mặt hàng rau quả nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2018 đạt 892 triệu USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 210 triệu USD, tăng 24,7% so với cùng kỳ 2017 và mặt hàng quả ước đạt 642 triệu USD, giảm 5,4% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 6 tháng đầu năm 2018 là thị trường Thái Lan (chiếm 45,3% thị phần), Trung Quốc (chiếm 19,4%). Trong 6 tháng đầu năm 2018 giá trị nhập khẩu rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là thị trường Hàn Quốc (tăng gấp 2,07 lần), tiếp đến là thị trường Hoa Kỳ (+90,7%) và thị trường Úc (+76,5%).

Trong tháng 7/2018, việc Trung Quốc mở rộng diện tích thanh long khiến lượng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc dự báo sẽ chững lại. Đó có thể là lý do thời gian gần đây thanh long Việt Nam thường xuyên gặp khó về đầu ra. Đối với trái loại 1, đóng vào thùng xuất khẩu có giá từ 14.000 – 15.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng, 26.000 – 27.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ. Còn giá mua tại vườn (mua xô) thấp hơn nhiều, thanh long ruột trắng chỉ đạt 8.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ bán xô có giá 13.000 đồng/kg, trong khi đó vụ nghịch thanh long ruột trắng có giá từ 20.000- 25.000 đồng/kg, thanh long ruột đỏ có giá từ 40.000-50.000 đồng/kg. Tại Hậu Giang, giá thu mua mít Thái tại vườn là 35.000 - 37.000 đồng/kg, tăng 10.000 - 12.000 đồng/kg so với tháng trước. Thời gian tới, giá mít Thái có thể duy trì đà tăng này do nhu cầu thu mua lớn để xuất khẩu sang Trung Quốc.

Mưa bão trong tháng 7 khiến giá một số loại rau xanh ở các tỉnh miền Bắc, Bắc Trung Bộ và Lâm Đồng tăng mạnh. Tại Đà Lạt, các loại rau ăn lá (xà lách cô rôn, xà lách xoong, lô lô xanh, lô lô tím) tăng khoảng 15.000 đồng/kg, giá hiện tại đạt 25.000 - 40.000 đồng/kg. Súp lơ xanh có giá 25.000 đ/bông; súp lơ trắng tăng lên khoảng 17.000 đ/bông, cải đắng có giá 25.000 đồng/kg, tăng 10.000 đồng/kg. Tại các chợ Hà Nội, rau muống hiện có giá 7.000 đ/mớ (tăng 2.000 đ/mớ); cải ngọt tăng giá từ 12.000 đồng/kg lên mức 15.000 đồng/kg, su su 12.000đồng/kg, mướp từ 12.000 đồng/kg tăng lên 15.000 đồng/kg, cà chua tăng từ 18.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg. Một số loại củ, quả như khoai tây, bí đỏ, bí xanh, củ cải, cà rốt tăng nhẹ khoảng 2.000-3.000 đồng/kg. Giá rau tăng cao là do mưa kéo dài khiến nhiều diện tích rau trồng ngoài trời bị hư hỏng, ngập úng, sản lượng rau giảm. Dự báo trong những ngày tới, giá rau các loại có khả năng tăng nhẹ do nguồn cung khan hiếm sau mưa bão.

Trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể sẽ khó khăn do ảnh hưởng mùa mưa, sản lượng một số loại giảm. Đặc biệt ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc giảm; Trung Quốc sẽ tăng cường tìm kiếm thị trường xuất khẩu nông sản mới và đẩy mạnh tiêu dùng nội địa, nhu cầu nhập khẩu giảm xuống; có thể ảnh hưởng đến xuất khẩu rau quả Việt Nam vào thị trường này. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhờ ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã tạo điều kiện cho ngành rau quả mở cửa các thị trường mới. Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp xuất khẩu rau quả giảm phụ thuộc vào một thị trường. Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng cần tăng cường các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi đảm bảo chất lượng rau quả phục vụ xuất khẩu, nhất là với việc thông tin, kiểm tra chất lượng của thị trường nhập khẩu.

Lưu ý:

Trong các tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả có thể sẽ khó khăn hơn về nguồn cung bị ảnh hưởng bởi mùa mưa bão đang tới, và nhu cầu thị trường có xu hướng giảm do ảnh hưởng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Mặc dù nhiều FTA đã được ký kết trong thời gian qua tạo điều kiện cho ngành rau quả mở cửa các thị trường mới, nhưng các yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng và VSATTP của các nước nhập khẩu này cũng vẫn là rào cản chính đối với xuất khẩu rau quả Việt Nam. Ngành rau quả và các doanh nghiệp xuất khẩu cần phải có các biện pháp thúc đẩy các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi, gia tăng tỷ lệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng rau quả phục vụ xuất khẩu

Theo IPSARD - MARD



Báo cáo phân tích thị trường