Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi: Phải theo “mệnh lệnh” thị trường
21 | 08 | 2018
Xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam thời gian qua đã từng bước khởi sắc khi dần chinh phục được một số thị trường khắt khe. Để đảm bảo phát triển bền vững, đòi hỏi đặt ra cho toàn ngành là phải tổ chức lại theo chuỗi, gắn với thị trường, sản xuất theo "mệnh lệnh" của thị trường.

Xuất khẩu tăng 3,8%

Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), tính chung 7 tháng đầu năm, giá trị XK các sản phẩm chăn nuôi ước đạt 305 triệu USD, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm trước. Nửa đầu năm, giá trị XK các sản phẩm từ gia cầm đạt 19,4 triệu USD, tăng gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2017. Giá trị XK phụ phẩm sau giết mổ; sữa và các sản phẩm từ sữa tăng lần lượt là 2,4% và gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2017.

Trái với sự tăng trưởng XK kể trên, giá trị XK các sản phẩm từ trâu, bò và lợn trong nửa đầu năm chỉ đạt 1,7 triệu USD và 21,3 triệu USD, lần lượt giảm 63,9% và giảm 56,4% so với cùng kỳ năm trước.

Dễ thấy, con số 305 triệu USD và tăng trưởng XK 3,8% trong 7 tháng đầu năm nay là không nhiều, song với bối cảnh, năng lực sản xuất, XK của ngành chăn nuôi nhiều năm qua, đây là kết quả đáng ghi nhận. Điểm nhấn điển hình trong XK sản phẩm chăn nuôi từ đầu năm đến nay phải kể tới sự kiện cuối tháng 5, với cầu nối là Công ty Sojitz Việt Nam, container thịt lợn đầu tiên của Tập đoàn Mavin đã cập cảng Yagoon-Myanmar và được đơn vị NK thực hiện thông quan, kiểm dịch thành công. Đến cuối tháng 6, Tập đoàn Mavin và Công ty Sojitz đã ký kết Biên bản ghi nhớ về hợp tác hai bên. Theo đó, Công ty Sojitz cam kết kết nối Tập đoàn Mavin với khách hàng toàn cầu.

Đánh giá cao sự hợp tác giữa hai đơn vị này, Thứ trưởng Bộ NN&PTTN Vũ Văn Tám nhấn mạnh: "Hy vọng thời gian tới hai bên tiếp tục hợp tác, thúc đẩy XK thịt lợn sang Myanmar. Mặt khác, tôi đề nghị hai bên tiếp tục nghiên cứu các thị trường khác, nên tập trung vào sản phẩm chế biến để đi được nhiều thị trường”. Trước đó, vào tháng 8/2017, lô thịt gà đầu tiên của Việt Nam cũng được Công ty TNHH Koyu & Unitek XK thành công sang thị trường Nhật Bản. Từ đó đến nay, hoạt động XK diễn ra khá đều đặn với khối lượng XK khoảng gần 100 tấn sản phẩm chế biến mỗi tháng. Dần dần, thịt gà, thịt lợn nói riêng, các sản phẩm của ngành chăn nuôi Việt Nam nói chung đã tự tin hơn trong việc chinh phục các thị trường.

Đề cập tới thế mạnh trong lĩnh vực chăn nuôi của Việt Nam, Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho hay: Đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi xác định, con lợn vẫn là một lợi thế, thứ hai là gia cầm. Trong XK, đáng chú ý hiện nay, trứng vịt của Việt Nam được khách hàng đánh giá ngon nhất khu vực Đông Nam Á. Các nước rất thích trứng vịt của Việt Nam. Ngành chăn nuôi Việt Nam cũng đã và đang khuyến khích phát triển gà lông màu và các giống vật nuôi bản địa khác theo hướng sản xuất hữu cơ.

Sản xuất theo "mệnh lệnh" thị trường

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết thêm, muốn XK thì sản phẩm phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Hiện nay, với việc Việt Nam tham gia ký kết, thực thi nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA), các thị trường ngày càng đặt ra yêu cầu cao về rào cản kỹ thuật, cụ thể là về vấn đề an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật. "Vào được thị trường đã khó, duy trì và phát triển còn khó hơn, đòi hỏi khả năng cạnh tranh của hàng hóa. Bởi vậy, để đẩy mạnh XK, sản phẩm chăn nuôi của chúng ta không chỉ phải vượt qua được các rào cản kỹ thuật của thị trường mà còn cần không ngừng nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, giảm chi phí, tăng tính cạnh tranh", Thứ trưởng Vũ Văn Tám nói.

Một số chuyên gia nêu quan điểm: Để đáp ứng thị trường NK, yêu cầu đặt ra cho ngành chăn nuôi là phải tổ chức lại theo chuỗi, gắn với thị trường. Nếu như trước đây, ngành chăn nuôi chủ yếu sản xuất theo phong trào, không cần quan tâm đến yếu tố bán cho ai, bán ở đâu thì hiện nay phải sản xuất theo "mệnh lệnh" của thị trường. Các DN đầu chuỗi sẽ tiếp cận với thị trường XK, căn cứ vào các hợp đồng đã ký với các nhà NK, sau đó quay trở lại tổ chức sản xuất. Cách làm này sẽ hạn chế tình trạng ế thừa, giải cứu sản phẩm nông nghiệp. Trên thực tế, theo Thứ trưởng Vũ Văn Tám, thực hiện quá trình tái cơ cấu ngành chăn nuôi, hiện nay toàn ngành đã và đang tổ chức lại sản xuất theo chuỗi, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây được xem là yếu tố cốt lõi để sản phẩm chăn nuôi có thể XK ra thị trường nước ngoài cũng như đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước.

Với riêng mặt hàng thịt lợn, sau sự khởi đầu thành công của Tập đoàn Mavin, để mở rộng thị trường XK, được biết định hướng trước mắt được Bộ NN&PTNT xác định là sẽ tập trung vào việc Nhà nước đồng hành hỗ trợ các DN, các tập đoàn lớn nhằm tìm kiếm thị trường. Bên cạnh đó, trên cơ sở yêu cầu của các DN, cơ quan quản lý sẽ định hướng xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh gắn với giám sát vệ sinh an toàn thực phẩm toàn chuỗi, có khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Hiện, Bộ NN&PTNT đã thành lập 1 tổ công tác do Cục trưởng Cục Thú y làm tổ trưởng và các đơn vị liên quan nhằm hỗ trợ các DN xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh, truy xuất nguồn gốc, hợp tác với cơ quan Thú y của các nước NK ký các thỏa thuận về kiểm dịch. "Tới đây, Bộ NN&PTTN sẽ ký thỏa thuận với Tổ chức Thú y Thế giới (OIE) để OIE cử chuyên gia sang hỗ trợ DN xây dựng các chuỗi thực phẩm chăn nuôi đủ điều kiện XK; cấp chứng chỉ chứng nhận các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh cũng như toàn bộ chuỗi. Đây là cơ sở để Việt Nam có thể mở rộng XK sản phẩm chăn nuôi", Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhấn mạnh.

Nguồn: Thanh Nguyễn/haiquanonline.vn



Báo cáo phân tích thị trường