Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Giá cao su phục hồi đầu tháng 10 nhưng triển vọng vẫn ảm đạm
17 | 10 | 2018
Những ngày đầu tháng 10, giá cao su trong nước và thế giới đồng loạt tăng. Tuy nhiên, những bất ổn thương mại thời gian tới có khả năng sẽ gây áp lực lên thị trường cao su.

Giá cao su phục hồi ngay từ đầu tháng 10

Theo Cục xuất nhập khẩu, từ đầu tháng 10, giá cao su kỳ hạn tại Tokyo và Thượng Hải phục hồi do được hậu thuẫn bởi giá dầu tăng.

Tại sàn TOCOM, ngày 10/10, giá cao su giao tháng 10 giao dịch ở mức 159,2 yên/kg (tương đương 1,41 USD/ kg), tăng 13,4% so với cuối tháng 9. Tại Thượng Hải, giá cao su thiên nhiên giao tháng 10 giao dịch ở mức 10.930 nhân dân tệ/tấn (tương đương 1.579 USD/tấn), tăng 2,1% so với cuối tháng trước.

Cùng với đà tăng của giá cao su thế giới, giá cao su Việt Nam trong những ngày đầu tháng 10 tăng nhẹ ở các tỉnh Bình Phước, Bình Dương, Tây Ninh.

Cụ thể ngày 10/10, Công ty cao su Phú Riềng báo giá thu mua mủ tạp và mủ nước tăng 8 đồng/độ TSC, so với cuối tháng 9, đạt lần lượt 255 đồng/độ TSC và 265 đồng/độ TSC. Từ ngày 1/10 đến ngày 9/10, Công ty TNHH MTV cao su Lộc Ninh 2 lần thông báo điều chỉnh giá thu mua mủ cao su.

Theo Cục xuất nhập khẩu, thời gian qua, mưa làm gián đoạn việc khai thác mủ tại nhiều nơi, nhất là khu vực Tây Nguyên và một số nơi ở miền Đông Nam Bộ. Riêng khu vực Tây Nguyên bị ảnh hưởng nặng của bệnh rụng lá mùa mưa. Sức tiêu thụ rất chậm, giá cao su giống thời điểm này khá thấp, chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm ngoái.

Triển vọng ảm đạm

Về triển vọng giá cao su, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn dự báo giá cao su nguyên liệu trong nước tiếp tục giảm trong thời gian tới với bối cảnh thị trường cao su toàn cầu dư cung, giao dịch ảm đạm.

Đối với giá cao su thế giới, Cục xuất nhập khẩu dự đoán với những diễn biến thương mại hiện nay, giá cao su thế giới dự báo vẫn duy trì ở mức tương đối thấp trong thời gian tới. Hiện giá cao su trên thị trường thế giới vẫn ở mức thấp do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang, mặc dù 8 tháng đầu năm nay, tiêu thụ cao su tăng nhanh hơn so với sản lượng và tồn kho cao su tại Trung Quốc giảm.

Theo Bộ Thương mại Trung Quốc, nước này dự kiến đánh thuế 10% đối với các sản phẩm lốp xe và cao su tổng hợp các loại có nguồn gốc từ Mỹ hoặc Canada. Quyết định được đưa ra sau đợt áp thuế lần thứ ba của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc từ ngày 24/9.

Trong danh sách các sản phẩm của Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ phải chịu thuế 10% gồm nhiều loại sản phẩm cao su tổng hợp như cao su neoprene và các sản phẩm lốp xe.

Tại Ấn Độ, chính phủ nước này vừa nâng thuế nhập khẩu lốp xe radial từ 10% lên 15% nhằm kiểm soát tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai hiện nay.

Trước đó, chính phủ Ấn Độ đã tăng thuế nhập khẩu lốp xe radial dành cho xe bus và xe tải (TBR) từ 10% và 15%. Chính phủ Ấn Độ không chỉ tăng thuế nhập khẩu mà còn áp thuế chống bán phá giá do thị phần lốp xe TBR Trung Quốc chiếm tới hơn 40% tổng kim ngạch nhập khẩu lốp xe. Đồng thời, ngành lốp xe Ấn Độ cũng đang yêu cầu chính phủ giảm thuế nhập khẩu cao su tự nhiên và tăng thuế nhập khẩu các sản phẩm thành phẩm làm từ cao su.

Theo Kinh tế & Tiêu dùng



Báo cáo phân tích thị trường