Xuất khẩu cao su trong tháng 8/2018 đạt 163 nghìn tấn với giá trị đạt 207 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị xuất khẩu cao su 8 tháng đầu năm 2018 ước đạt 870 nghìn tấn và 1,2 tỷ USD, tăng 8,2% về khối lượng nhưng giảm 11,8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 7 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt 63,3%, 5,7% và 3,9%. Các thị trường tăng mạnh cả về lượng và giá trị xuất khẩu cao su trong 7 tháng đầu năm 2018 là Ấn Độ (tăng 46,43% về lượng và 28,88% về giá trị) và Indonesia (tăng 41,03 % về lượng và 17,79% về giá trị). Lũ lụt tại Ấn Độ đã gây thiệt hại lớn đến nguồn cung cao su của nước này. Các nhà chức trách Ấn Độ đều cho rằng sản xuất cao su nội địa sẽ không sớm hồi phục, và các nhà sản xuất lốp xe như MRF, JK Tyre, Apollo Tyres và Ceat sẽ phải phụ thuộc nhiều vào nguồn nhập khẩu cao su.
Nhập khẩu cao su trong tháng 8/2018 ước đạt 49 nghìn tấn với giá trị đạt 92 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị cao su nhập khẩu 8 tháng đầu năm 2018 đạt 383 nghìn tấn với giá trị 702 triệu USD, tăng 11,6% về khối lượng nhưng giảm 1,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Năm thị trường nhập khẩu cao su chủ yếu trong 7 tháng đầu năm 2018 là Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Đài Loan và Campuchia chiếm 61,5% thị phần. Trong 7 tháng đầu năm 2018, giá trị cao su ở một số thị trường nhập khẩu chính giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thị trường có giá trị nhập khẩu giảm mạnh nhất là Nga (giảm 43%), Trung Quốc (giảm 29,2%) và Nhật Bản (giảm 12,4%). Ngược lại, một số thị trường có giá trị nhập khẩu tăng mạnh là Malaixia (tăng 38,1%) và Hoa Kỳ (tăng 15,1%).
Mặc dù được hậu thuẫn bởi yếu tố tồn kho cao su Trung Quốc giảm 3,26% so với cuối tháng 7, tuy nhiên giá xuất khẩu cao su Việt Nam vẫn tiếp tục giảm do nhu cầu thị trường thấp, căng thẳng thương mại Mỹ- Trung cũng góp phần làm giảm nhu cầu cao su của Trung Quốc. Giá cao su xuất khẩu bình quân tháng 8/2018 ước đạt 1.269 USD/tấn giảm 5,7% so với tháng 7/2018. Giá cao su xuất khẩu bình quân 7 tháng đầu năm 2018 đạt 1.427 USD/tấn, giảm 19,2% so với cùng kỳ năm 2017.
Đến giữa tháng 8, giá mủ cao su trong nước cũng có cùng diễn biến giảm. Giá thu mua mủ cao su nước tại Đồng Nai giảm 500 đồng/kg xuống còn 12.500 đồng/kg so với tháng 7.
Việc Ấn Độ tăng mạnh nhập khẩu cao su để đảm bảo nguồn cung nội địa trong thời gian tới có thể hỗ trợ cho giá cao su và thúc đẩy xuất khẩu cao su tự nhiên của các nhà xuất khẩu lớn.
Trung Quốc vẫn là thị trường truyền thống của nước ta, tuy vậy xuất khẩu cao su sang một số nước như Ấn Độ, Indonesia lại có mức tăng nhanh và được giá hơn. Hiện thị trường cao su gặp nhiều khó khăn, để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, các nhà sản xuất, xuất khẩu cao su cần đa dạng hoá mặt hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm đa dạng bạn hàng.
Lưu ý:
Để tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, các nhà sản xuất, xuất khẩu cao su cần đa dạng hoá mặt hàng cũng như mở rộng thị trường xuất khẩu và đa dạng hóa bạn hàng, đặc biệt là một số thị trường có tăng trưởng tốt như Ấn Độ.
Theo IPSARD-MARD