Trung Quốc, Ấn Độ, và Malaysia là 3 thị trường tiêu thụ cao su lớn nhất của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018, chiếm thị phần lần lượt 61,3%, 6,4% và 3,9%. Trong 5 tháng đầu năm 2018, các thị trường nhập khẩu cao su của Việt Nam tăng mạnh là Ấn Độ (tăng 75%) và Indonesia (tăng 13,2%).
Trong tháng 6/2018, nhập khẩu cao su của Việt Nam ước đạt 50 nghìn tấn với giá trị 96 triệu USD, đưa tổng lượng và giá trị cao su nhập khẩu 6 tháng đầu năm đạt 294 nghìn tấn với giá trị 536 triệu USD, tăng 20,2% về khối lượng nhưng giảm 0,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Việt Nam nhập khẩu cao su chủ yếu từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan và Campuchia, chiếm 51,5% tổng lượng nhập khẩu.
Trên thị trường thế giới, giá cao su tháng 6/2018 giảm mạnh xuống còn 1.559 USD/ tấn (giảm 7,5% so với tháng trước) trong bối cảnh nhu cầu giảm, dự trữ tại các nước tiêu thụ cao su hàng đầu tăng. Ngoài ra, giá dầu thô Brent giảm 1,4% xuống còn 73,82 USD/thùng so với tháng 5/2018, đồng Yên Nhật Bản mạnh lên so với USD và căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc cũng gây bất lợi cho giá cao su
Giá cao su xuất khẩu bình quân Việt Nam trong tháng 6/2018 vẫn giữ ổn định ở mức 1,432 USD/tấn. Tuy nhiên, tính bình quân 6 tháng đầu năm 2018 giá cao su xuất khẩu của Việt Nam giảm 21% so với cùng kỳ năm 2017. Giá cao su nguyên liệu trong nước cũng không có biến động so với tháng trước: giá thu mua cao su mủ nước tại Đồng Nai giữ ở mức 13.100 đồng/kg. Giá dầu có thể tiếp tục đi xuống do Iran đồng ý hỗ trợ OPEC tăng nhẹ sản lượng dầu, đồng thời cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung hiện vẫn chưa có dấu hiệu giảm nhiệt. Những động thái này có thể gây áp lực tới giá cao su trong thời gian tới.
Cần lưu ý:
Thời gian qua nhiều công ty đã chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, đặc biệt là công nghệ cao để giảm giá thành, giúp khả năng cạnh tranh của ngành cao su được nâng cao đáng kể. Tuy nhiên để đảm bảo nguồn cung trong nước ổn định, các doanh nghiệp cao su cũng cần lưu tâm đến khâu sản xuất, đặc biệt là công tác phòng chống cháy chữa cháy trong mùa khô, khắc phục các thiệt hại thiên tai gây gãy đỗ cây cao su và có biện pháp phòng trị bệnh vườn cây hiệu quả để nâng cao giá trị sản phẩm.
Nguồn: IPSARD - MARD