Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Thâm hụt sản xuất – tiêu dùng cao su tự nhiên Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục
01 | 06 | 2018
Ngành lốp xe Ấn Độ một lần này lại lên tiếng bày tỏ lo ngại về tình trạng mất cân bằng sản xuất – tiêu dùng cao su tự nhiên nội địa. Nỗi lo ngại dấy lên sau khi Hội đồng Cao su Ấn Độ công bố thâm hụt cung – cầu cao su tự nhiên là 470.000 tấn trong niên vụ 2018-19. Điều đáng chú ý là trong 5 năm qua, thâm hụt cung – cầu cao su tự nhiên tại Ấn Độ đã tăng mạnh, từ mức chỉ 60.000 tấn.

Các nhà chức trách Hội đồng Cao su Ấn Độ không bình luận phân tích về dữ liệu đưa ra nhưng Hiệp hội những nhà sản xuất lốp xe hơi (ATMA) tuyên bố rằng thâm hụt sản xuất – tiêu dùng cao sự tự nhiên niên vụ 2018-19 tới 470.000 tấn là mức cao kỷ lục và kịch bản nguồn cung cao su tự nhiên nội địa đủ đáp ứng nhu cầu ngày càng xa vời. Từ mức thâm hụt 60.000 tấn trong niên vụ 2011-12, mức thâm hụt đã vọt lên 410.000 tấn trong năm tài khóa trước và dự báo tiếp tục tăng lên 470.000 tấn trong năm tài khóa hiện tại.

11 thành viên của ATMA chiếm hơn 90% sản lượng lốp xe của Ấn Độ. Ngành lốp xe tiêu dùng 65 – 70% cao su tự nhiên sản xuất tại nước này. ATMA đã yêu cầu chính phủ triển khai các chính sách khẩn cấp để ngành sản xuất lốp xe có đủ nguồn cao su tự nhiên cho sản xuất, nới lỏng các chính sách nhập khẩu. Thâm hụt sản xuất – tiêu dùng cao su tự nhiên đang tăng dần trong những năm gần đây. “Sản xuất cao su tự nhiên nội địa dự báo chỉ đáp ứng 60% nhu cầu tiêu dùng nội địa trong năm tài khóa hiện tại. Mức thâm hụt này gây lo ngại lớn cho ngành sản xuất lốp xe, đặc biệt khi ngành sản xuất lốp xe đang có các kế hoạch đầu tư tham vọng và tăng trưởng của ngành xe hơi Ấn Độ. Dễ dàng khẳng định rằng sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu sẽ ngày càng tăng để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa”, theo phát biê của ông Rajiv Budhraja, tổng giám đốc ATMA.

Ngành sản xuất lốp xe chịu gánh nặng tài chính lớn do cao su tự nhiên nhập khẩu bị áp thuế cao nhưng các nhà sản xuất buộc phải nhập khẩu để các nhà máy có nguyên liệu hoạt động. Trong khi nhập khẩu cao su tự nhiên rất cần thiết để đáp ứng nhu cầu nội địa, môi trường chính sách có tính bảo hộ cao. Thuế quan nhập khẩu cao su tự nhiên lên tới 25%, cao hơn nhiều so với các nước nhập khẩu cao su tự nhiên khác. Hơn nữa, nhập khẩu cao su tự nhiên chỉ được thông quan và giao hàng tại 2 cảng chỉ định là JNPT và Chennai. Các rào cản phi thuế này càng khiến chi phí nhập khẩu cao su tự nhiên và thời gian xử lý hậu cần kéo dài.

Ngoài ra, ngành sản xuất lốp xe Ấn Độ còn phải thực thi các quy định khác, như phải tuân thủ điều kiện xuất khẩu cao su tự nhiên là chỉ dùng để sản xuất lốp xe xuất khẩu. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ xuất khẩu lốp xe giảm từ 18 tháng xuống còn chỉ 6 tháng khiến ngành này càng gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận nguồn nguyên liệu, vốn không được ngành sản xuất cao su tự nhiên nội địa đáp ứng đủ.

Thuế hải quan cơ bản đối với phần lớn các nhóm sản phẩm lốp xe là 10%. Tuy nhiên, lốp xe có thể nhập khẩu theo nhiều thỏa thuận thương mại khác với mức thuế thấp hơn nhiều và theo các điều khoản gần như đưa mức thuế này xuống bằng 0. Cao su tự nhiên hiện đang trong danh sách hàng hóa cấm nhập khẩu theo phần lớn các thỏa thuận thương mại và không hưởng lợi từ cam kết cắt giảm thuế theo lộ trình. Kết quả là ngành sản xuất lốp xe Ấn Độ bị giảm khả năng cạnh tranh. Xuất khẩu lốp xe Ấn Độ hàng năm ước đạt 1,5 tỷ USD, có tiềm năng tăng gấp đôi lên 3 tỷ USD trong 3 – 4 năm tới.

Ngành lốp xe Ấn Độ đang yêu cầu Bộ Công thương cho phép nhập khẩu phi thuế cao su tự nhiên với mức hạn ngạch tương đương mức thâm hụt cung – cầu nội địa, vốn đang tác động tiêu cực tới khả năng cạnh tranh về giá của ngành sản xuất lốp xe. Đồng thời, ngành lốp xe Ấn Độ cũng kiến nghị chính phủ nới lỏng quy định cảng chỉ định giao hàng để thuận lợi hóa thương mại.

Theo Business Standard (gappingworld.com)



Báo cáo phân tích thị trường