Trong khi ngành sản xuất lốp xe Ấn Độ hoan nghênh quyết định này, các nhà sản xuất cao su tự nhiên – vốn đang gặp cuộc khủng hoảng giá giảm, phản đối mạnh mẽ quyết định này. Họ lo ngại việc dỡ bỏ quy định hạn chế cảng có thể dẫn tới việc nới lỏng hơn nữa cho hoạt động nhập khẩu cao su tự nhiên, qua đó làm tăng nhập khẩu và đẩy giá cao su nội địa giảm thêm.
Quan điểm của ngành
Ông Rajiv Budhraja, giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất lốp xe ô tô (ATMA), chỉ ra rằng quyết định này chắc chắn sẽ giúp tăng cường khả năng cạnh tranh xuất khẩu các sản phẩm từ cao su của Ấn Độ. Tuy nhiên, động thái này chỉ giải quyết một phần kỳ vọng của ngành về dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế về cảng nhập hàng đối với tất cả các hoạt động nhập khẩu cao su tự nhiên.
Kịch bản nguồn cung cao su tự nhiên nội địa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng xa vời, ông Budhraja cũng nhấn mạnh rằng Hội đồng Cao su dự báo thâm hụt sản xuất – tiêu thụ cao su tự nhiên Ấn Độ lên tới 470.000 tấn trong năm tài khóa hiện tại. Do đó, nhập khẩu cao su tự nhiên là hết sức cần thiết để các nhà máy sản xuất lốp xe có nguồn nguyên liệu cho hoạt động.
Ông cho biết thêm môi trường chính sách của Ấn Độ có tính bảo hộ cao. Thuế nhập khẩu cao su tự nhiên lên tới 25%, cao hơn nhiều so với mức thuế tại bất cứ nước nhập khẩu cao su tự nhiên nào khác, đồng thời khả năng tiếp cận nguồn cao su tự nhiên gặp nhiều khó khăn. Ngành sản xuất lốp xe phải tuân thủ các điều kiện tiền nhập khẩu đối với nhập khẩu cao su tự nhiên tương ứng với nghĩa vụ xuất khẩu lốp xe. Hơn nữa, thời hạn xuất khẩu lốp xe sử dụng nguồn nguyên liệu cao su nhập khẩu đã giảm từ 18 tháng xuống chỉ còn 6 tháng, gây rất nhiều khó khăn cho ngành này.
Nỗi lo của nông dân
Lên tiếng quan ngại về quyết định này, ông PC Cyriac, chủ tịch Indian Farmers Movement (Infam) cho rằng với động thái trên, chính phủ Ấn Độ đã từ chối bảo vệ nông dân sản xuất nhỏ – bộ phận cung ứng tới 95% tổng sản lượng cao su tự nhiên Ấn Độ. Mặt khác, chính phủ đã gia hạn thuế bảo hộ hoặc thuế chống bán phá giá đối với ngành sản xuất lốp xe cũng như ngành cao su nhân tạo để bảo vệ họ khỏi cạnh tranh với nguồn hàng nhập khẩu. Thông điệp rõ ràng của chính phủ là không hỗ trợ nông dân, ông Cyriac phát biểu. Ông cho rằng đây là thời điểm để chính phủ đánh giá lại lượng cao su được phép nhập khẩu phi thuế do tiêu dùng cao su theo Cơ chế cấp phép trước được tính toán trên cơ sở thiếu thực tế.
Theo ông Santhosh Kumar, thành viên Hội đồng Cao su Upasi, dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu chỉ giúp cho ngành sản xuất lốp xe – vốn nhập khẩu một lượng lớn cao su tự nhiên. Vấn đề cơ sở hạ tầng yếu kém trong kiểm tra chất lượng cao su nhập khẩu là nguyên nhân dẫn đến khả năng nguồn cao su chất lượng thấp, giá rẻ từ Đông Nam Á tràn ngập thị trường Ấn Độ; đồng thời ông cho rằng trong khi các nông dân trồng cao su trông đợi các động thái tích cực từ phía chính phủ, ngành cao su tự nhiên tiếp tục được chú ý và hỗ trợ, quyết định này của chính phủ sẽ gây thiệt hại cho ngành sản xuất này.
Theo The Hindu Business Line (gappingworld.com)