Báo cáo công bố hôm 23/8 từ Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) cho biết, tiêu thụ cao su toàn cầu đang gia tăng. Theo đó, nhu cầu cao su tự nhiên thế giới tăng 5,2% trong 7 tháng đầu năm lên 8,15 triệu tấn.
Tuy nhiên, sản xuất trên thế giới không đáp ứng được nhu cầu, với sản lượng toàn cầu ước tính chỉ đạt 7,3 triệu tấn trong cùng thời kỳ, ANRPC cho biết.
Sự chênh lệch giữa cung và cầu một phần là do thiếu hụt sản lượng tại các quốc gia sản xuất chính dưới ảnh hưởng của lũ lớn trong mùa gió mùa và giá thấp, đặc biệt là ở Malaysia, Việt Nam, Ấn Độ và Sri Lanka.
Bên cạnh đó, cao su giao trên thị trường kỳ hạn và thị trường giao ngay phần lớn bị chi phối bởi những lo ngại về cuộc chiến thương mại ngày càng tồi tệ giữa Mỹ và Trung Quốc, điều này đã dẫn đến sự tích lũy hàng tồn kho tại các nhà chứa của Sàn giao dịch cao su tương lai Thượng Hải, ANRPC nói thêm.
Ông Pol Sopha, Tổng giám đốc của Tổng cục Cao su Campuchia cho biết, triển vọng ngành cao su nội địa vẫn tích cực, với sản lượng tăng hàng năm và giá cả ổn định.
Không giống như những quốc gia khác trong khu vực, nơi các đồn điền cao su nằm trong địa hình bằng phẳng, trang trại cao su của Campuchia chủ yếu ở các vùng đồi núi, cho phép sản xuất tăng trưởng bất chấp lũ lụt trong thời gian gần đây, theo ông Sopha.
“Có nhiều dấu hiệu tốt đối với ngành cao su Campuchia. Đến cuối năm, chúng tôi dự kiến sản xuất khoảng 220.000 tấn cao su”, ông Sopha cho biết. Theo ông, điều kiện thời tiết tốt trong nước đang cho phép sản xuất tăng trưởng.
"Campuchia đã sản xuất cao su từ năm 2007 và chúng tôi hy vọng sản xuất sẽ tiếp tục mở rộng".
Ông Sopha cũng cho biết, cả nước hiện có 440.000 ha đồn điền cao su, với 200.000 ha đã được thu hoạch.
Giá cao su đang ổn định, nhưng các nhà sản xuất hy vọng nó sẽ tăng trong tương lai gần nếu nguồn cung toàn cầu giảm, điều có thể mất một thời gian dài khi dự trữ ở Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn lớn.
“Hiện tại, chúng tôi đang bán cao su với giá 1.350 - 1.370 USD/tấn", ông Sopha nói. Giá hòa vốn đối với cao su thương mại là khoảng 1.300 - 1.400 USD/tấn.
Trả lời phỏng vấn tờ Khmer Times, ông Lim Heng, Phó chủ tịch của Tập đoàn An Mady, cho biết, giá cao su của họ đã mức 1.200 - 1.300 USD/tấn, chỉ mang lại một biên lợi nhuận nhỏ. Ông nói thêm, Malaysia và Thái Lan có thể bán cao su của họ với giá 1.700 USD/tấn.
Với tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang nóng lên, theo ông Heng, giá cao su có thể khó dự đoán trong những tháng sắp tới. Ông nói, việc hạ nhiệt các mối quan hệ giữa các siêu cường sẽ tạo ra một mức giá tốt hơn cho sản phẩm cao su.
Theo Bộ Nông nghiệp Campuchia, quốc gia này đã xuất khẩu 84.400 tấn cao su trong nửa đầu năm nay. Giá cao su trung bình đạt 1.394 USD/tấn.
Việt Nam vẫn là người mua cao su lớn nhất của Campuchia, với chính phủ hiện đang tiến hành đàm phán với Trung Quốc, để bắt đầu vận chuyển cao su sang quốc gia nhập khẩu cao su lớn nhất thế giới.
Theo Kinh tế & Tiêu dùng