Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Xuất khẩu rau quả lao đao
17 | 10 | 2018
Xuất khẩu rau quả của VN đang rơi vào khủng hoảng khi các mặt hàng chủ lực đồng loạt gặp khó.

Hàng ngàn tấn thanh long bí đầu ra, ớt bị ngưng cấp phép vào Malaysia; Hàn Quốc phát hiện đu đủ biến đổi gien của VN nhập vào nội địa... Xuất khẩu rau quả của VN đang rơi vào khủng hoảng khi các mặt hàng chủ lực đồng loạt gặp khó.

Trong hơn 3 năm qua xuất khẩu rau quả luôn đạt tốc độ tăng trưởng 40 - 50% và nhanh chóng trở thành mặt hàng xuất khẩu chủ lực của ngành nông sản. Báo cáo của Bộ NN-PTNT cho biết, tính từ đầu năm đến hết tháng 9, xuất khẩu rau quả ước đạt 3,1 tỉ USD, tăng 17,1% so với cùng kỳ nhưng đang gặp nhiều khó khăn.

Thanh long, ớt, đu đủ... gặp khó

Trước mắt, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, yêu cầu các nhà sản xuất phải tìm hiểu, theo dõi và tuân thủ đúng các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm của Hàn Quốc, Malaysia để tránh gây thiệt hại kinh tế cũng như uy tín của nông sản VN. Các doanh nghiệp cần rà soát quy trình sản xuất, thu gom, xuất khẩu của đơn vị mình; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, bảo đảm kiểm soát nguồn hàng từ sản xuất ban đầu, tránh tái diễn vi phạm

Theo phân tích của Bộ Công thương hồi tháng 6, trong cơ cấu sản phẩm xuất khẩu của ngành rau quả thì quả chiếm trên 70%, còn lại là các loại rau củ. Trong nhóm hàng quả, thanh long dẫn đầu với khoảng 40% thị phần. Tương tự, giá trị xuất khẩu ớt chiếm tỷ trọng khoảng 1/3 trong nhóm rau củ. Về thị trường, Trung Quốc vẫn nhập khẩu lớn nhất của VN, chiếm tới 74,1% thị phần.

Chiếm tỷ trọng tới 40% nhưng cuối tuần qua, thanh long đột ngột rớt giá thê thảm. Tại nhiều vùng trồng thanh long lớn trong nước, thương lái ngưng mua vì thị trường Trung Quốc không có nhu cầu. Giá thanh long loại 1 từ mức 35.000 - 37.000 đồng rớt xuống chỉ còn chưa tới 15.000 đồng/kg, những loại thấp hơn chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg. Chưa có con số thống kê chính thức nhưng nhiều người ước tính có hàng ngàn tấn thanh long “bí” đầu ra. Xuất khẩu thanh long gặp khó sẽ tác động rất lớn đến ngành rau quả nói chung.

Ớt, mặt hàng chủ lực của ngành rau củ cũng đang gặp khó ở thị trường Malaysia. Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) cho biết: Do phát hiện nhiều lô ớt từ VN nhiễm thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép nên Malaysia đã tạm dừng cấp phép nhập khẩu ớt VN từ ngày 14.9.

Chưa hết, mới đây, Bộ Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc phát hiện một số lô hàng đu đủ đã qua chế biến của VN xuất vào nước này là sản phẩm chuyển gien. Quy định của nước này không chấp nhận sản phẩm chuyển gien, phải tiêu hủy hoặc tái xuất. Một doanh nghiệp lớn chuyên chế biến đu đủ xuất khẩu ở Long An, cho biết: quy định của Hàn Quốc có từ trước đây, các doanh nghiệp làm hàng này đều biết. “Chúng tôi cũng đã cố gắng chọn lọc nguyên liệu ngay từ đầu vào nhưng thỉnh thoảng vẫn bị “lọt”. Để giải quyết công ty cũng đã liên kết với bà con nông dân để sản xuất giống thuần. Cái khó khăn hiện nay là vấn đề giống chúng ta rất phức tạp, khó quản lý”, vị này thừa nhận.

Xuất thô, khó chuyển hướng thị trường

Với những diễn biến thị trường hiện tại, trong những tháng cuối năm nhiều khả năng xuất khẩu rau quả sẽ rất khó khăn. Việc chuyển hướng sang các thị trường khác cũng rất khó khăn vì ngành rau quả VN hầu hết là xuất thô vào thị trường Trung Quốc, tỷ lệ chế biến ít giá trị gia tăng thấp nên khó vào các thị trường cao cấp.

Theo TS Nguyễn Quốc Vọng, thế giới nghiên cứu về biến đổi gien (GMO) rất nhiều nhưng xu hướng tiêu dùng ở các nước phát triển lại là các sản phẩm không GMO. Nếu chúng ta chấp nhận sản xuất đại trà các sản phẩm GMO đồng nghĩa với việc chúng ta lỡ cơ hội xuất khẩu nông sản vào các thị trường cao cấp. “Tiêu chuẩn thế giới ngày càng cao. Khi sản phẩm GMO của VN trở thành nguyên liệu cho chăn nuôi sẽ gây tác động dây chuyền chứ không riêng sản phẩm cụ thể nào. Mặt khác, những nước đối thủ của chúng ta như Thái Lan không trồng GMO nên sẽ có lợi thế ở những thị trường cao cấp mà chúng ta không thể cạnh tranh”, TS Vọng cảnh báo.

Theo Thanh niên



Báo cáo phân tích thị trường