Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nguy cơ thất nghiệp đè nặng doanh nghiệp và công nhân
19 | 03 | 2008
Trước bối cảnh càng sản xuất kinh doanh càng thua lỗ như hiện nay, nhiều công ty cho biết đang “lên kế hoạch” đóng cửa và cắt giảm lao động.
Nguy cơ mất việc

Nam, nhân viên quản lý một xí nghiệp chế biến hạt điều đặt tại khu công nghiệp Dĩ An tỉnh Bình Dương, biết sắp tới đây xí nghiệp này sẽ thu hẹp sản xuất. Nam và nhiều người lao động ở đây đang lo âu vì khi công ty thu hẹp sản xuất, những nhân viên quản lý như anh và khá nhiều công nhân lại lâm vào cảnh mất việc.

Xuất khẩu lao đao và hệ lụy là hàng ngàn công nhân sẽ mất việc làm. Ảnh: Đặng Vỹ

Cùng tâm trạng như Nam, chị Loan, công nhân một công ty chế biến thực phẩm đang làm việc tại khu công nghiệp Tân Bình TP.HCM, cũng cho biết nơi chị làm việc cũng đang có tình cảnh tương tự. Không những ở công ty của chị, mà các bạn của chị làm việc tại các xí nghiệp chế biến gỗ, thực phẩm, rau quả cũng đang nhận được những thông tin có thể phải nghỉ bất cứ lúc nào.

Chị Lan nói chưa được giải thích rõ lý do, nhưng thông tin ban đầu từ xí nghiệp là hết nguyên liệu. Tuy nhiên chị và các công nhân tìm hiểu thì được biết thời gian gần đây công ty làm ăn không có lãi nên phải thu hẹp sản xuất.

Những lo lắng trên đây được ông Nguyễn Chí Dũng, Giám đốc sản xuất của Công ty Trang thiết bị y tế Tiến Tuấn, xác nhận rằng có cơ sở. Ông Dũng nói rằng việc thu hẹp sản xuất, tái cơ cấu lại công ty, sắp xếp lại quy trình lao động là việc sắp tới đây buộc các công ty phải làm.

“DN xuất khẩu bây giờ rờ đâu lỗ đó thì thu hẹp sản xuất, cải tiến quy trình lao động, tiết kiệm nhiên liệu, tái cơ cấu lại công ty… cũng là tất nhiên” - ông Dũng nói.

Chế biến, lương thực, xuất khẩu: những lĩnh vực khó khăn

Chính trong giai đoạn sau Tết, trong khi nhiều DN treo băng rôn nhan nhản trên khắp đường phố tuyển công nhân, thì ông Lâm Trọng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần GOSACO đã dự báo sẽ có tình trạng thất nghiệp do nguy cơ DN phải tạm ngưng sản xuất vì thua lỗ.

Anh Nguyễn Ngọc Nam, đội trưởng một dây chuyền sản xuất thực phẩm đóng hộp tại khu công nghiệp Tân Bình, cho biết, phần lớn các công ty lâm vào khó khăn chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh xuất nhập khẩu hoặc sản xuất ra các mặt hàng xuất khẩu, nhiều nhất là lương thực, chế biến. Nam nói là anh có nhiều bạn là chủ các xí nghiệp chế biến thủy sản ở các tỉnh Tây Nam Bộ đang gặp khó khăn vì xuất khẩu thua lỗ và có khả năng phải "xù" hợp đồng.

Giày da và dệt may chủ yếu là làm gia công, nên lần này áp lực có vẻ nhẹ hơn, mặc dù dệt may là lĩnh vực có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất hiện nay.

Mô tả ảnh.
Dệt may và da giày là lĩnh vực ít bị ảnh hưởng hơn bởi chủ yếu là gia công, nhưng cũng đã khó khăn. Ảnh: Đặng Vỹ

Thế nhưng ông Phạm Xuân Hồng, Tổng Giám đốc CTCP May 10 cho rằng ngành may cũng đã gần hết sức chịu đựng. Ông Hồng nói rằng nếu tình hình không được cải thiện, kéo dài đến tháng Tư thì các DN ngành may nhất là DN nhỏ, yếu sẽ đóng cửa, sa thải công nhân.

Theo kinh nghiệm nhiều năm làm việc trong các công ty của Nam, có hai đối tượng khi thu hẹp sản xuất dễ bị cho nghỉ việc nhất là lao động không đạt yêu cầu và hết hạn hợp đồng.

Giám đốc một công ty chế biến xuất khẩu rau quả xin giấu tên cho biết, hiện ông đang đau đầu vì chuyện cắt giảm lao động. Ngoài chuyện gắn bó với nhau lâu năm nay phải cho nghỉ, ông còn lo rằng hiện nay lao động rất khan hiếm. Nếu một mai công ty mở cửa sản xuất trở lại, không biết đâu tìm người lao động.

Áp lực

Hiện nay các DN đang lâm vào tình thế cưỡi trên lưng cọp, khi phải giao hàng các hợp đồng đến hạn. Bỏ thì không được, mà giao thì lỗ nặng nề.

Nhiều DN đã nghĩ đến nhiều cách để cứu. nhưng thấy vẫn không ổn: Nếu “xù” hợp đồng thì nguy cơ bị kiện và bồi thường sẽ còn tệ hại hơn. Có DN đã phải mua hàng tại nước ngoài để bán cho nước ngoài nhằm thực hiện cho xong hợp đồng. Có DN mua hàng trữ chờ giá lên, nhưng cách làm này quá mạo hiểm.

“Vậy nên chỉ còn con đường thứ hai là thu hẹp sản xuất mà thôi” - ông Nam nói.

“Chúng tôi thua lỗ”, “Chúng tôi sắp phá sản”, “Phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân mà thôi”… là những lời thường lặp đi lặp lại từ buổi giao ban xuất khẩu mới đây tổ chức tại TP.HCM.

Ông Nguyễn Trung Cang, Phó Chủ tịch Hiệp hội nhựa, cũng nói rằng các DN nhựa không còn con đường nào khác là phải thu hẹp sản xuất, sa thải công nhân.

Ông Lê Ngọc Thành, Giám đốc Công ty da Tây Đô, cho biết đã có rất nhiều công ty mà ông biết, “lên kế hoạch” đóng cửa và cắt giảm lao động. Theo ông, sắp tới đây sẽ có một lượng lớn công nhân thất nghiệp.

Trước bối cảnh khó khăn hiện nay, nhiều DN cho rằng, chỉ có 2 con đường để lựa chọn: hoặc cắt giảm lao động, hoặc tăng lương cho công nhân. Nếu không cắt giảm nhưng không có giải pháp tăng lương sớm, có khi lại xảy ra đình công, và hiệu ứng của nó dễ khiến đình công sẽ lan trên diện rộng.



Đặng Vỹ - Vietnamnet
Báo cáo phân tích thị trường