Đa dạng hóa thị trường
Thời gian gần đây xuất khẩu gạo diễn ra khá ấn tượng, ngoài thắng thầu liên tiếp ở thị trường châu Á, thị trường Trung Quốc cũng được cơi nới. Hoạt động thương mại gạo diễn biến theo xu hướng mới, các hợp đồng Chính phủ dần ít đi, thay vào đó là các hợp đồng thương mại. Xuất khẩu gạo chuyển từ khối lượng sang chất lượng. Đạt được điều này là sự cộng hưởng từ mối quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ ngành, địa phương; các thương nhân đã thực hiện chủ trương liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, cánh đồng lớn, chủ động cam kết và tổ chức mua lúa gạo hàng hóa kịp thời với giá có lợi cho người sản xuất, góp phần quan trọng đảm bảo ổn định đầu ra cho nông dân, ổn định thị trường nội địa.
Cùng lúc này, Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2030, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo động lực cho các doanh nghiệp phấn đấu giảm dần lượng gạo hàng hóa xuất khẩu nhưng giữ ổn định và tăng trị giá xuất khẩu gạo, chuyển dịch cơ cấu mặt hàng xuất khẩu; tăng tỷ lệ gạo xuất khẩu trực tiếp và mang thương hiệu gạo Việt Nam. Cơ cấu điều chỉnh thị trường phù hợp với mục tiêu chuyển dịch về xuất khẩu và xu thế mới trên thế giới về tiêu thụ gạo.
“Trong 3 năm trở lại đây, thị trường gạo xuất khẩu của Việt Nam đã tăng từ 60 quốc gia và vùng lãnh thổ lên 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Từng bước mở rộng thị trường xuất khẩu vào các nước Mỹ La-tinh, Trung Đông… Sản phẩm gạo trắng cao cấp và gạo thơm đã bước đầu thâm nhập vào các thị trường khó tính, giúp sản phẩm gạo của Việt Nam từng bước hiện diện trên khắp thế giới. Việc xuất khẩu gạo dần dần được hình thành một cách hệ thống. Chính sách xuất khẩu gạo đã từng bước tiến những bước dài theo hướng tự do hóa, dần phù hợp với quy định của quốc tế”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), nhận định.
Sẽ cán mốc 3 tỷ USD
Sau nhiều năm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đã duy trì ở mức cao, có những thời điểm trong năm 2018 bằng hoặc cao hơn từ 5 - 10 USD/tấn so với gạo Thái Lan cùng chủng loại. Giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao, nhưng lượng xuất khẩu vẫn được duy trì tích cực, gạo Việt Nam có tính cạnh tranh, nhờ vậy đã giúp nâng giá thu mua trong nước, đem lại lợi nhuận cho nông dân trồng lúa.
Tuy nhiên, Cục Xuất nhập khẩu lưu ý: Xuất khẩu gạo cũng chịu tác động mạnh ngay từ đầu năm ở thị trường Trung Quốc. Việc 3 doanh nghiệp xuất khẩu gạo lớn bị tạm dừng tư cách xuất khẩu và gần đây là việc Trung Quốc nâng thuế nhập khẩu một số chủng loại gạo từ 5% lên 50% đã ảnh hưởng đến xuất khẩu gạo sang thị trường này. Tuy vậy, với việc xuất khẩu gạo đã khai thác được các thị trường mới, các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn cao, đã chứng tỏ xuất khẩu gạo Việt Nam không phụ thuộc vào một thị trường, có khả năng thích nghi với sự thay đổi của chính sách nhập khẩu từ nhiều nước.
Các thương nhân xuất khẩu gạo và Hiệp hội Lương thực Việt Nam đã nỗ lực đẩy mạnh xuất khẩu, củng cố, mở rộng thị trường, tiêu thụ kịp thời lúa, gạo hàng hóa với giá có lợi cho nông dân trong bối cảnh thị trường gạo thế giới khó khăn, diễn biến phức tạp, khó lường, cạnh tranh gay gắt. Gạo Việt Nam được xuất khẩu đến 150 quốc gia và vùng lãnh thổ, cơ cấu thị trường ngày càng đa dạng, cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng sản phẩm chất lượng, giá trị gia tăng cao, thâm nhập được vào nhiều thị trường gạo cao cấp.
“Từ nay đến cuối năm, Philippines đang tiếp tục đấu thầu nhập khẩu gạo, một số doanh nghiệp Việt Nam sẽ thắng thầu. Việt Nam đang ở cuối vụ mùa, lượng lúa gạo hàng hóa còn ít. Song năm 2018, Việt Nam có thể xuất khẩu đạt ngưỡng 6 triệu tấn gạo, với kim ngạch xấp xỉ 3 tỷ USD”, ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Intimex Group, chia sẻ.
Do vậy, hướng phát triển sản xuất, xuất khẩu gạo thời gian tới là tập trung sản xuất theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo; tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn, đồng bộ từ khâu giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói; xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng; xây dựng uy tín, thương hiệu hạt gạo Việt Nam trên thương trường thế giới.
Theo Sài Gòn Online