Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Gạo Việt chưa đủ 'đậm đà'
09 | 11 | 2018
Gạo có nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý rõ ràng đang “được lòng” người tiêu dùng tại các thị trường “khó tính”.

Mới đây, lãnh đạo một doanh nghiệp lớn (ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long) khẳng định rằng: Người mua sẵn sàng trả thêm tiền để có gạo ngon hơn. Gạo Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc tạo thế vững về lượng và chất, trong chinh phục người tiêu dùng.

Trả thêm tiền để được ăn gạo ngon hơn

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải: Gạo của Việt Nam đã có mặt tại 150 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bên cạnh các thị trường truyền thống, gạo Việt Nam đã từng bước thâm nhập vào các thị trường khó tính như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…

Những tiến bộ trong sản xuất, cơ cấu giống, mùa vụ, cùng với những biện pháp canh tác thích hợp, đã từng bước nâng cao chất lượng gạo Việt Nam. Các giống lúa thơm, chất lượng cao, nhằm phục vụ những phân khúc thị trường cao cấp cũng được quan tâm hơn. “Ngày 15/8, Chính phủ ban hành Nghị định 10/2018/NĐ-CP7 thay thế Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh, xuất khẩu gạo, tiếp tục tạo dựng môi trường thông thoáng, thúc đẩy đầy tư, kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, thương mại gạo” - ông Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.

Chín tháng qua, Việt Nam đã xuất khẩu gần 5 triệu tấn gạo, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 2,46 tỷ USD, tăng 21, 3% so với cùng kỳ. Dự kiến hết năm 2018, xuất khẩu gạo sẽ đạt 3,2 - 3,3 tỷ USD. Việt Nam tiếp tục đứng ở vị trí thứ 3 về xuất khẩu gạo trên thế giới (sau Ấn Độ, Thái Lan).

Bộ Công Thương nhận định, thời gian gần đây, giá gạo xuất khẩu duy trì ở mức cao, góp phần tăng tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, có lợi cho người nông dân. Bộ này cũng chỉ ra, tại nhiều thời điểm trong năm, giá gạo bằng hoặc cao hơn từ 5- 10 USD/tấn so với gạo Thái Lan cùng chủng loại. Giá gạo xuất khẩu ở mức cao, lượng gạo xuất khẩu duy trì tích cực và gạo Việt Nam vẫn có tính cạnh tranh trên thị trường, từ đó giúp nâng giá thu mua trong nước, tăng lợi nhuận cho nông dân trồng lúa.

Mặc dù có những tín hiệu khả quan, song dự báo của các chuyên gia cho thấy, kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam thời gian tới có thể đối diện không ít khó khăn trong cạnh tranh với các sản phẩm gạo Thái Lan, Campuchia… Bên cạnh đó, việc gạo nếp bị áp thuế đến 50% khi xuất khẩu vào Trung Quốc. Những thay đổi trong chính sách nhập khẩu gạo của Indonesia hay Philippines… cũng khiến xuất khẩu gạo của Việt Nam gặp một số khó khăn.

Chinh phục thị trường phải bằng “chất”

Ông Trần Thanh Hải (Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) thông tin: “Hiện gạo trắng cấp thấp chiếm hơn 30%. Thời gian tới Việt Nam định hướng sẽ giảm gạo phẩm cấp thấp, nâng cao thị phần gạo thơm, gạo đặc sản, gạo Japonica…”

Các chuyên gia thương mại và xuất khẩu cho rằng thời gian tới sản xuất gạo của Việt Nam cần theo đuổi quy trình gạo sạch, gạo hữu cơ, hay đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Đồng thời, cần tổ chức sản xuất theo quy trình chuẩn (đồng bộ từ khâu chọn giống, canh tác, thu hoạch, chế biến, đóng gói…). Cũng cần xây dựng các vùng chuyên canh sản xuất lúa gạo hàng hóa có chất lượng, nhằm xây dựng uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường.

Có kinh nghiệm trong xây dựng thương hiệu gạo Việt, ông Huỳnh Văn Thòn (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Lộc Trời- doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam có sản phẩm được vinh danh trong Top 3 loại gạo ngon nhất thế giới) cho biết: Thay vì phải tự trang trải nguồn giống, vật tư… doanh nghiệp sẽ hỗ trợ nông dân trong việc cung cấp nguồn giống chất lượng, đồng thời ứng trước vật tư nông nghiệp đến tận nhà cho bà con.

Quan trọng là công ty bảo đảm đầu ra với mức giá thỏa thuận nhằm duy trì lợi ích hài hòa giữa công ty và hợp tác xã trước thời điểm gạo được thu hoạch. “Nhờ lợi chi phí từ các vật tư ứng trước ban đầu dẫn đến giá thành sản xuất 1 kg lúa chỉ khoảng 2.700 đồng, trong khi giá bán trung bình là 5.000 đồng/kg”- ông Huỳnh Văn Thòn dẫn chứng.

Ông Martin Albani (Chuyên gia Tập đoàn Tài chính quốc tế) phân tích, để gạo Việt có hình ảnh “đậm nét” hơn trên thị trường, phải thay đổi cách thức từ buôn bán hàng hóa sang hoạt động makerting. Thương hiệu chính là việc xác định hình ảnh. Ở giai đoạn đầu, doanh nghiệp đưa ra hình ảnh, sau đó phải phát triển thương hiệu. Đưa ra thương hiệu không chỉ tác động đến chủ thương hiệu, tác động đến khách hàng, mà còn tác động lớn tới đối tác.

Để nâng cao chất lượng gạo, các chuyên gia cho rằng, những doanh nghiệp tham gia thị trường gạo và ngay cả nông dân cũng phải thay đổi nhận thức và tư duy trong trồng lúa, xuất khẩu gạo (theo hướng gắn bó hơn với doanh nghiệp), đồng thời sản xuất ra các sản phẩm có chất lượng hơn, bảo đảm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật.

Báo Giáo dục và Thời đại



Báo cáo phân tích thị trường