Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Sốt giá vật tư nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long
23 | 11 | 2018
Nhiều loạt vật tư nông nghiệp "ăn theo" xuất khẩu gạo để tăng giá bất thường...

Năm 2018, xuất khẩu gạo Việt Nam thắng đậm cả về sản lượng lẫn giá cả. Lần đầu tiên trên thị trường thế giới, hạt gạo Việt Nam xuất khẩu được giá cao hơn giá gạo Thái Lan nên đã kéo giá lúa gạo trong nước tăng theo. Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long trúng đậm, háo hức dốc toàn lực đầu tư cho vụ lúa mới ngay khi nước lũ chưa kịp rút. Tuy nhiên, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cũng chớp thời cơ tăng giá bất thường.

Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) Nguyễn Ngọc Nam cho biết, từ đầu năm đến nay, xuất khẩu gạo luôn thắng lớn. Tính đến hết tháng 10, các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu được 5,2 triệu tấn gạo.

Vật tư nông nghiệp "ăn theo" xuất khẩu gạo

Với tình hình tiếp tục khả quan, trong 2 tháng còn lại của năm 2018, chắc chắn các doanh nghiệp sẽ xuất khẩu được thêm 800.000 tấn gạo, mục tiêu xuất khẩu gạo cả năm đạt 6 triệu tấn nằm trong tầm tay.

Kể từ năm 2015 đến nay, xuất khẩu gạo mới lập lại kỳ tích cán mốc 6 triệu tấn (xuất khẩu gạo 2016 chỉ đạt 4,8 triệu tấn, năm 2017 là 5,7 triệu tấn). Không chỉ thắng đậm về sản lượng mà giá gạo Việt Nam xuất khẩu trên thị trường thế giới trung bình 504,14 USD/tấn, tăng 14,6% và tăng trên 20% về giá trị. 

Loại gạo trắng phổ biến 5% tấm Việt Nam chào bán giá 410 - 420 USD/tấn, cao hơn gạo cùng loại xuất khẩu của Thái Lan 15 - 20 USD/tấn. Một số loại gạo thơm Việt Nam bán được với giá 600 - 700 USD/tấn, cao hơn trước đến 30%. 

Bộ Công Thương cũng dự báo, xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2018 sẽ đạt từ 6,1 - 6,4 triệu tấn, mang về giá trị trên 3,3 tỷ USD.

Trong khi đó, tại vựa lúa gạo lớn nhất cả nước là Đồng bằng sông Cửu Long, năm nay lũ về sớm, nước dâng cao hơn mọi năm, diện tích, năng suất và sản lượng lúa hè thu, thu đông đều bị ảnh hưởng do mưa nhiều, ngập lụt. 

Nguồn cung khan hiếm khiến giá lúa gạo tăng nóng. Loại lúa IR50404 không được trồng nhiều mấy năm nay, trong khi thị trường thế giới đang có nhu cầu cao, doanh nghiệp lùng mua đặt cọc với giá 5.200 đồng - 5.300 đồng/kg nhưng không có nguồn cung. Các giống lúa OM cũng có giá tương đương 5.300 đồng - 5.500 đồng/kg, loại đài thơm 5.700 đồng - 5.800 đồng/kg,...

Vụ lúa đông xuân 2018 - 2019, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch xuống giống trên diện tích 1,57 triệu ha lúa, giảm 400.000 ha, đạt sản lượng 10,9 triệu tấn lúa, tăng 60.000 tấn. Đông xuân là vụ lúa chính quan trọng nhất trong năm cho năng suất, sản lượng, chất lượng và giá cả đều cao nên nông dân dốc toàn lực đầu tư, nhất là phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho vụ lúa này bất chấp khuyến cáo.

Nắm bắt tâm lý này và nhu cầu tăng cao, qua khảo sát mạng lưới cửa hàng bán vật tư nông nghiệp tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, dù mới vào đầu vụ, toàn vùng mới xuống giống được khoảng trên 100.000 ha, nhưng giá các loại phân bón đều đồng loạt tăng cao, dao động từ 350.000 - 740.000 đồng/bao (50kg). So cách đây 2 tháng, các loại phân bón đã tăng thêm trung bình từ 50.000 đồng - 100.000 đồng/bao, tùy loại. Tăng mạnh nhất là mặt hàng phân đạm.

Lo ngại tăng giá thành sản xuất

Ngành nông nghiệp ở các địa phương này cho biết, giá cả vật tư nông nghiệp năm nay tăng đáng lo ngại. Ví dụ, loại phân DAP đen giá lên đến 650.000 đ/bao, NPK 20-20-15 đặc biệt 650.000 đồng/bao, NPK 16-16-8 đặc biệt 520.000 đồng/bao, DAP Hồng Hà (Trung Quốc) 660.000 đồng/bao, DAP Hàn Quốc 740.000 đồng/bao, Kali sillic 350.000 đ/bao,phân Ure 440.000 - 470.000 đồng/bao tùy nhãn hàng... 

Cùng với phân bón, các mặt hàng thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng mạnh, bình quân 20-30%. Loại Antracol 1kg giá 197.000 đồng/gói, Boom AG giá 94.000 đồng/ chai, Binhsin 70WP giá 64.000 đồng/chai...

Phần lớn nông dân Đồng bằng sông Cửu Long có tập quán mua vật tư nông nghiệp của các cửa hàng thiếu từ đầu vụ, ghi nợ và chịu lãi đến cuối vụ bán lúa mới thanh toán, cho nên nông dân còn phải chịu thêm lãi gộp giá vật tư nông nghiệp trong 3 tháng sản xuất. 

Theo tính toán, phân bón chiếm khoảng 30% chi phí, còn thuốc bảo vệ thực vật chiếm khoảng 40% chi phí sản xuất. Nếu 2 mặt hàng này tăng mạnh sẽ kéo giá thành sản xuất tăng theo. Nếu dịch bệnh xảy ra nhiều hoặc lúa rớt giá lúc thu hoạch thí nông dân cầm chắc thua lỗ.

Ngành chức năng cho biết, ngoài yếu tố nông dân háo hức đầu tư xuống giống sớm, nguyên nhân giá vật tư nông nghiệp tăng cao là các nước trong khu vực cũng vào vụ gieo trồng lúa, nhu cầu phân bón và thuốc bảo vệ thực vật cao. Đó là chưa kể, giá dầu thế giới tăng cao kỷ lục các tháng qua kéo giá phân bón tăng. Bên cạnh đó giá than tăng cũng làm giá phân bón tăng do nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn sản xuất phân bón bằng công nghệ lò hơi, lò cao sử dụng nguyên liệu là than đá.... 

Còn một nguyên nhân nữa là một số doanh nghiệp lợi dụng tình hình nhu cầu tăng cao đã tăng giá bán vật tư nông nghiệp. Mới đầu vụ sản xuất, các mặt hàng vật tư nông nghiệp đã lên cơn sốt, dự báo từ giờ đến cuối vụ giá các mặt hàng này sẽ tiếp tục "nhảy múa" đe dọa hầu bao và công sức nông dân bỏ ra cho vụ lúa này.

Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh, do thời tiết năm 2018 diễn biến khó lường, dự báo hiện tượng ENSO duy trì đến tháng 11, sau đó xu hướng chuyển sang El Nino với xác suất 70%. Lượng mưa Nam Bộ thấp hơn trung bình nhiều năm. Sẽ có trên 100.000 ha lúa ven biển bị ảnh hưởng xâm mặn. Các loại dịch bệnh tiềm ẩn nguy cơ bùng phát thành dịch trên diện rộng. Sản xuất lúa Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt nhiều rủi ro, thử thách trong nỗi ám ảnh giá vật tư nông nghiệp và dịch bệnh bùng phát.

Theo VnEconomy



Báo cáo phân tích thị trường