Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bản tin phân tích thị trường Rau quả tháng 11/2018
01 | 12 | 2018
Bản tin phân tích thị trường Rau quả tháng 11/2018

Giá trị xuất khẩu rau quả tháng 11 năm 2018 ước đạt 283 triệu USD, đưa giá trị xuất khẩu rau quả 11 tháng đầu năm 2018 ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2017. Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam trong 10 tháng đầu năm 2018 với 73,8% thị phần, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 2,41 tỷ USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ năm 2017. Trong 10 tháng đầu năm 2018, các thị trường có giá tr ị xuất khẩu rau quả tăng mạnh là Úc (tăng 36,8%), Hoa Kỳ (tăng 34,7%), Thái Lan (tăng 32,4%), Hàn Quốc (tăng 28,7%) và Trung quốc (tăng 11,3%).

Ước giá trị nhập khẩu mặt hàng rau quả tháng 11/2018 đạt 137 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu 11 tháng đầu năm 2018 đạt 1,57 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, mặt hàng rau ước đạt 458 triệu USD, tăng 45,4% so với cùng kỳ 2017 và mặt hàng quả ước đạt 1,09 tỷ USD, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm 2017. Thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất trong 10 tháng đầu năm 2018 là Thái Lan (chiếm 41,3% thị phần), Trung Quốc (chiếm 24,4%). Trong 10 tháng đầu năm 2018 giá trị nhập khẩu rau quả ở hầu hết các thị trường chính đều tăng so với cùng kỳ năm 2017 ngoại trừ Thái Lan (giảm 17,8%). Trong đó, các thị trường có giá trị nhập khẩu rau quả tăng nhiều nhất là Chi Lê (tăng 98,3%), tiếp đến là Hoa Kỳ (tăng 90%) và Hàn Quốc (tăng 83%).

Tháng 11/2018 là thời điểm thu hoạch nhiều loại trái cây có múi như cam, bưởi, quýt tại nhiều tỉnh trên cả nước. Hơn nữa, với điều kiện thời tiết năm nay tương đối thuận lợi, sản lượng trái cây có múi đều tăng so với năm trước. Tại khu vực ĐBSCL, giá bưởi da xanh giảm mạnh. Hiện thương lái đến tận vườn thu mua loại bưởi 1 (mã đẹp, trọng lượng từ 1,4-1,8 kg/quả) có giá 32.000 đồng/kg – 35.000 đ/kg, loại 2 giá từ 20.000 – 23.000 đ/kg giảm hơn 50% so với 2 tháng trước. Bưởi da xanh giảm giá là do nhiều nguyên nhân như bưởi trái không đạt, thị trường Trung Quốc cũng có bưởi nên hạn chế mua hàng của Việt Nam. Ngoài ra, bưởi da xanh còn bị cạnh tranh với một số trái cây có múi khác như cam, quýt hiện cũng đang ở mức giá thấp. Giá cam sành tại ĐBSCL liên tiếp sụt giảm. Hiện giá cam sành tại đây chỉ ở mức 3.000 - 4.000 đ/kg. Nguyên nhân giá giảm là do hiện nay vào thời điểm thu hoạch trái cam sành, trong khi rất ít thương lái tìm mua. Hơn nữa, vì muốn thu lợi nhuận nhanh, nông dân trồng cam chỉ hơn 1 năm là đã ép cho trái, khiến chất lượng quả không đạt và cây bị bệnh nhiều. Tại Tiền Giang, sầu riêng bắt đầu vào mùa thu hoạch, tuy nhiên đang gặp khó khăn về đầu ra do chưa được phép xuất khẩu chính thức vào Trung Quốc.

Trong khi đó, thị trường rau củ trong nước tương đối ổn định với điều kiện thời tiết thuận lợi trong khi nhu cầu không có sự tăng đột biến. Cụ thể, tại Đà Lạt, giá bắp cải trắng vẫn ở mức giá 4.000đ/kg, cà chua 8.000đ/kg, hoa lơ xanh 12.000đ/kg.

Với những khó khăn từ thị trường Trung Quốc, dự báo giá trị xuất khẩu rau quả năm 2018 sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 10% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với con số 42,4% của năm 2017. Trong khi đó nhiều mặt hàng đang và sẽ bước vào vụ thu hoạch rộ như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, mít, xoài, thanh long, dưa hấu, bưởi… với năng suất cao, khiến giá nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục giảm.

Lưu ý:

Nhiều sản phẩm trái cây thu hoạch trong tháng 12/2018 đặc biệt là cam, quýt. Các địa phương cần tăng cường liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu và hệ thống siêu thị để tiêu thụ sản phẩm và bình ổn giá cho nông dân, tránh tình trạng dư cung khiến giá giảm sâu.

Theo IPSARD/MARD



Báo cáo phân tích thị trường