Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bình luận về qui luật thị trường gạo trong 5 năm trở lại đây
16 | 04 | 2019
Thị trường gạo những tháng đầu năm 2019 ghi nhận những tín hiệu không mấy khả quan về tình hình xuất khẩu và giá lúa, gạo. Tuy nhiên, chuyên gia nhận định từ góc độ thị trường, đây là biến động bình thường.

Muôn thuở chuyện giải cứu

Dữ liệu tổng hợp từ Tổng cục Hải quan cho thấy sau khi bật tăng mạnh trong năm ngoái, giá gạo xuất khẩu bắt đầu giảm trở lại từ tháng 11/2018 và xuống mức thấp nhất kể từ tháng 7/2017. Còn dữ liệu tổng hợp từ Reutersgiá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 3 trung bình đạt 353,33 USD.

Mặc dù vậy, trước sự sụt giảm này, lãnh đạo một công ty xuất khẩu gạo lớn tại Việt Nam nhận định đây là xu hướng hoàn toàn bình thường, tuân theo đúng qui luật thị trường.

Nhìn đúng qui luật thị trường không quá khó, vì sao gạo Việt vẫn bế tắc - Ảnh 1.

Biến động giá gạo xuất khẩu trung bình trong 5 năm. Nguồn: Tổng cục Hải quan.

Theo vị lãnh đạo, sản lượng vụ Đông Xuân tăng không đáng kể, vấn đề chính là đầu ra. Thời gian qua đầu ra bị ách tắc tại một số thị trường, khiến nguồn cung dồn cục ngay thời điểm nông dân tăng cường thu hoạch, dẫn đến cung vượt cầu và kéo giá đi xuống.

Nhu cầu gạo tại một số thị trường đầu năm yếu vì rơi vào Tết Nguyên đán và dự trữ năm 2018 tại các quốc gia nhập khẩu vẫn còn lớn. Điều này cũng đã khiến giá lúa, gạo tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) giảm trung bình 1.000 đồng/kg, xuống thấp hơn so với cùng kì năm ngoái mặc dù người nông dân vẫn có lãi (nhưng mức lãi rất thấp).

Lời kêu gọi giải cứu lúa gạo được đưa ra ngay sau đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu sớm mua 200.000 tấn gạo để dự trữ. 

Như vậy sau hai năm liên tiếp thành công, ngành lúa gạo đã quay trở lại với câu chuyện giải cứu.

Câu hỏi được đặt ra là làm thế nào để tình trạng này không còn xảy ra khi gạo là mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, thu về 3,03 tỉ USD trong năm 2018 và duy trì vị trí xuất khẩu lớn thứ ba thế giới.

Thống kê từ những lần ngành lúa gạo cầu cứu, gần đây nhất vào năm 2016, đầu ra là vấn đề cốt lõi.

Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kì tháng 2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhận định sản xuất lúa gạo cần gắn với tiêu thụ là đầu ra, không thể cứ sản xuất rồi sau đó tìm đầu ra, tìm biện pháp - còn hay gọi là giải cứu.

Nhìn đúng qui luật thị trường không quá khó, vì sao gạo Việt vẫn bế tắc - Ảnh 2.

Ảnh minh họa.

Bắt đầu từ đâu?

"Xác định thị trường, trồng loại lúa phù hợp nhu cầu từng nước khác nhau để không bị lệch pha về sản phẩm, cũng không lệch về thời gian cung cấp thì mới thành công nhất", lãnh đạo một trong những công ty xuất khẩu gạo trên cho hay.

Lý thuyết đơn giản nhưng chắc chắn đây không phải nhiệm vụ dễ dàng, đặc biệt tại những thị trường cấp cao, khó tính như Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ, bởi thị trường gạo thuộc về người mua, đôi khi người bán có thể chiếm thế thượng phong nhưng chỉ mang tính nhất thời.

Chất lượng gạo Việt Nam vào những thị trường cấp cao này đang vấp phải vấn đề về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vấn đề liên quan đến tầm quản lí vĩ mô của chính phủ. Trong khi đó, vị lãnh đạo trên cho biết đất tại ĐBSCL đã nhiễm một số loại hóa chất, nước cũng như cách trồng của nông dân không đáp ứng yêu cầu khắt khe của thị trường cao cấp.

Muốn mở rộng vào thị trường này phải có bài toán về cải tạo đất, áp dụng qui trình kĩ thuật để giảm tối đa lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng, đặc biệt các loại thuốc nằm trong danh mục cấm của những nước đó. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam chưa thể áp dụng trồng đại trà trước những vấn đề còn tồn tại, và chỉ có thể xây dựng vùng chuyên canh làm riêng cho thị trường EU.

Bên cạnh đó, cạnh tranh trên những thị trường này cũng đặc biệt khốc liệt vì không chỉ có gạo Việt. Sản lượng gạo thế giới đạt chưa tới 500 triệu tấn mỗi năm và tập trung vào một số thị trường xuất nhập khẩu chính. Chưa kể gạo là mặt hàng an ninh lương thực nên các nước có xu hướng bảo hộ nền nông nghiệp quốc gia.

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, sản lượng gạo thế giới năm 2016 – 2017 đạt 491 triệu tấn và năm 2017 – 2018 là 495,4 triệu tấn, trong khi thương mại chỉ ghi nhận ở 48,1 triệu tấn năm 2016 - 2017 và 47,6 triệu tấn năm 2017 – 2018.

 Vì vậy, chỉ một thay đổi nhỏ trên thị trường nhập khẩu hoặc xuất khẩu sẽ ngay lập tức tác động tới thị trường.

Giá không phải tất cả, yếu tố quyết định vẫn là nhu cầu thị trường

Thực tế, giá gạo xuất khẩu cao sẽ khiến sản phẩm trở nên kém cạnh tranh trên thị trường quốc tế. 

Nhu cầu vẫn là yếu tố quyết định, dù giá gạo xuất khẩu phục hồi, nhưng nhu cầu thị trường không có thì cũng không thể giữ được đà tăng, vị lãnh đạo tại công ty xuất khẩu gạo nhận định.

Ví dụ điển hình từ nhà xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới Thái Lan. Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan Charoen Laothammatas mới đây cho biết xuất khẩu gạo của quốc gia này giảm cả về số lượng và giá trị trong tháng 2. Trong đó, khối lượng gạo xuất khẩu trong tháng 2 đạt 687.560 tấn, giảm 27,7% so với cùng kì năm ngoái, với trị giá xuất khẩu giảm 23,5% xuống 11,69 tỉ baht.

Nhìn đúng qui luật thị trường không quá khó, vì sao gạo Việt vẫn bế tắc - Ảnh 3.

Nguồn: Bộ Nông nghiệp Mỹ. (Lưu ý: gạo xuất khẩu của Việt Nam, Ấn Độ, Pakistan, Uruguay là gạo 5% tấm; của Thái Lan là gạo 100B; của Mỹ là gạo hạt dài).

Nguyên nhân được cho là giá gạo xuất khẩu cao hơn so với các đối thủ, đặc biệt là Việt Nam. Theo ông Charoen, giá gạo của Việt Nam thấp hơn 40 - 50 USD/tấn so với giá của Thái Lan trong giai đoạn này và điều đó đã thu hút người mua từ Philippines và Malaysia.

Tuy nhiên, ông Charoen tin hoạt động thương mại phục hồi trong tháng 3 tới 700.000 - 800.000 tấn vì các nhà xuất khẩu Thái Lan vẫn duy trì các đơn đặt hàng mua lớn đối với gạo trắng và gạo đồ từ nhữngkhách hàng chủ chốt ở châu Phi và châu Á như Benin, Nam Phi, Cameroon, Trung Quốc và Philippines.

Quan trọng hơn, nhu cầu nhập khẩu gạo hom mali từ những người mua tiềm năng như Mỹ và Canada vẫn còn mạnh.

Năm 2018, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng cao, được gọi là năm bội thu của ngành gạo, với xuất khẩu vẫn tăng trưởng vượt bậc nhờ nhu cầu thế giới lớn trong khi sản lượng không đủ.

Theo Vietnambiz



Báo cáo phân tích thị trường