Giá gạo đồ Ấn Độ chào bán ở mức khoảng 376 – 383 USD/tấn trong tuần này, so với mức 378 – 384 USD/tấn trong tuần trước. “Giá gạo giảm nhẹ do đồng Rupee yếu đi, đồng thời nhu cầu gạo từ các nước châu Phi vẫn yếu”, theo một nhà xuất khẩu tại Kakinada tại bang miền nam Andhra Pradesh. Đồng Rupee giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 tuần vào hôm thứ 5 tuần này, giúp tăng biên lợi nhuận cho các nhà xuất khẩu trên thị trường xuất khẩu. Giá gạo Ấn Độ tăng mạnh trong nửa tháng 12/2018 sau khi chính quyền bang Chhattisgarh, bang sản xuất gạo chính của Ấn Độ, tăng mức giá thu mua tối thiểu lúa gạo tại bang này.
Tại bang láng giềng Bangladesh, nhập khẩu gạo giảm xuống chỉ còn 106.000 tấn từ tháng 7-12/2018 do chính phủ nước này áp thuế nhập khẩu 28% từ tháng 6/2018, dữ liệu từ Bộ Thực phẩm cho thấy. Bangladesh đã nhập khẩu kỷ lục 3,9 triệu tấn gạo trong năm tài khóa trước kết thúc vào tháng 6/2018. Đất nước Nam Á này nổi lên trở thành nước nhập khẩu gạo lớn trong năm 2017 do lũ lụt gây thiệt hại nặng nề cho sản xuất lúa gạo tại nước này, đã áp thuế 28% trở lại khi hoạt động sản xuất lúa gạo nội địa phục hồi.
Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm chào bán ở mức 380 – 400 USD/tấn, FOB Bangkok, nới rộng biên độ so với mức giá 380 – 390 USD/tấn hồi tuần trước do đồng Baht mạnh lên so với đồng USD. Các thương nhân cho rằng nhu cầu đối với gạo Thái sẽ đi ngang trong năm 2019 và nguồn cung gạo từ vụ thu hoạch mới có thể đẩy giá gạo giảm trong vài tuần tới. Tháng 12 tới tháng 1 thường là thời gian thu hoạch lúa tại Thái Lan, nhưng năm nay, hoạt động thu hoạch trễ hơn thông thường tại một số khu vực của nước này. “Chúng tôi cho rằng nguồn cung gạo vụ mới sẽ bắt đầu xuất hiện trên thị trường từ tháng 2, có thể tác động tới giá gạo trong tháng 2/2019”, một thương nhân tại Bangkok nhận định.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm giảm từ 385 USD/tấn hồi tuần trước xuống còn 370 – 375 USD/tấn trong tuần này do nhu cầu yếu. “Năm 2019 được dự báo là một năm khó khăn cho xuất khẩu gạo Việt Nam do nhu cầu yếu, cùng với động thái áp các rào cản kỹ thuật đối với nhập khẩu gạo Việt Nam”, một thương nhân tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết. Trung Quốc đã áp giới hạn số lượng công ty đủ điều kiện xuất khẩu gạo sang Trung Quốc ở con số 21 và Việt Nam đang yêu cầu Trung Quốc bổ sung thêm các công ty khác vào danh sách này, theo báo Nông nghiệp Việt Nam đưa tin. Số liệu chính thức công bố tuần qua cho thấy xuất khẩu gạo Việt Nam năm 2018 tăng 4,6% lên 6,09 triệu tấn. Giá trị xuất khẩu gạo tăng 16% lên 3,05 tỷ USD. “Tôi nghĩ đây là thời điểm để nông dân Việt Nam giảm diện tích trồng lúa và chuyển một phần các ruộng lúa sang nuôi trồng thủy sản”, một thương nhân khác cho hay.
Theo Reuters