Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Doanh nghiệp sản xuất lúa gạo không sở hữu ruộng: tại sao không?
24 | 12 | 2018
Thời đại công nghệ 4.0 đã tạo ra một hãng vận chuyển hàng đầu thế giới không sở hữu một chiếc xe nào, hay một tập đoàn thương mại điện tử lớn không có một kho hàng nào…, thì tại sao không thể có một doanh nghiệp sản xuất lúa gạo hàng đầu thế giới không sở hữu một thửa ruộng nào?

Có 4.0, doanh nghiệp sản xuất lúa gạo không sở hữu đất

Ông Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty Rynan Technologies Vietnam nói, con người hiện đang sống trong thế giới mới, thế giới của công nghệ 4.0, nơi công nghệ có thể tạo ra mọi sự đột phá phục vụ mọi khía cạnh đời sống, kinh tế và xã hội. Dẫn chứng điều này, ông Mỹ cho biết, công nghệ 4.0 đã tạo ra hãng vận chuyển hàng đầu thế giới không sở hữu một chiếc xe nào, một tập đoàn thương mại điện tử không cần sở hữu kho hàng hay một công ty cung cấp dịch vụ lưu trú lớn nhất thế giới không sở hữu một căn hộ nào… “Vậy, công ty sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới không sở hữu một thửa ruộng nào có được không?”, ông đặt câu hỏi và nói rằng hoàn toàn có thể làm được nhờ vào công nghệ 4.0.

Theo ông Mỹ, trong quá khứ, “cá lớn sẽ nuốt cá bé”, nhưng ở thế giới công nghệ 4.0, thì chỉ có “cá bơi nhanh nuốt con cá bơi chậm”. “Công nghệ 4.0 sẽ giúp chúng ta bơi nhanh, nếu biết tận dụng nó”, ông nhấn mạnh và cho rằng công nghệ 4.0 nó sẽ giúp tạo đột phá trong mọi lĩnh vực, kể cả sản xuất lúa gạo.

Cuối năm 2015, ông Mỹ khởi nghiệp xây dựng Rynan Technologies. “Trong gần hai năm qua, chúng tôi nhanh chóng xây dựng công ty sản xuất 20.000 tấn phân bón thông minh ở Trà Vinh”, ông cho biết và giải thích loại phân này chỉ cần bón một lần/vụ và chất dinh dưỡng sẽ được cung cấp đúng vào những thời điểm cây lúa cần.
Ngoài ra, trong khoảng thời gian đó, Rynan Technologies cũng đã sản xuất những thiết bị 4.0 phục vụ vào quá trình sản xuất lúa như phao quan trắc thông minh và những thiết bị khác phục vụ sản xuất lúa gạo có thể kết nối và điều khiển bằng thiết bị di động thông qua kết nối Internet vạn vật. “Trong quá trình đó, chúng tôi có cái may mắn là được hỗ trợ của tỉnh Đồng Tháp, cho nên, thử nghiệm thực tế có kết quả rất tốt”, ông cho biết.

Thông qua những thiết bị hỗ trợ thông minh, quá trình canh tác lúa sẽ không cần phải ra đồng, tất cả mọi thứ sẽ được thực hiện thông qua thiết bị di động. “Chẳng hạn, ngồi nhà cũng có thể bơm nước lên ruộng, uống cà phê cũng có thể bơm nước hay thậm chí đi ngủ cũng có thể làm được”, ông Mỹ dẫn chứng.

“Vậy một công ty sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới không sở hữu một thửa ruộng sẽ được thực hiện như thế nào?”.

Ông Mỹ cho biết, thông qua ứng dụng (app) được cài đặt trên thiết bị di động, người nông dân có thể ký hợp đồng trực tiếp với Rynan Technologies để đơn vị này thực hiện canh tác lúa thay cho nông dân. Trong khi đó, người nông dân cũng không phải “mất công” giao dịch trực tiếp cho Rynan Technologies, mà chỉ cần thao tác chuyển khoản (tiền) trên thiết bị di động.

Sau khi hợp đồng sản xuất lúa gạo đã được ký kết giữa người nông dân với Rynan Technologies, thì nhờ vào những thiết bị hỗ trợ canh tác lúa tự động như nêu ở trên, quá trình sẽ diễn ra khá thuận lợi, được điều khiển chỉ thông qua thao tác chạm lên thiết bị di động. Điều này, có nghĩa một công ty sản xuất lúa gạo lớn nhất thế giới nhưng không sở hữu một thửa ruộng nào.

Thay đổi chuỗi giá trị lúa gạo

Qua nghiên cứu và ghi nhận của bản thân, ông Mỹ cho rằng chuỗi giá trị lúa gạo hiện nay của Việt Nam đang có nhiều điểm hạn chế: khâu gieo trồng sử dụng quá nhiều giống, phân bón giả, kém chất lượng, khâu phân phối vẫn còn tình trạng "cò mồi" thu gom hàng, thương lái ép giá; khâu chế biến chưa có sự quan tâm và đầu tư trang thiết bị công nghệ cao nên khó kiểm soát chất lượng hạt gạo, khâu thương mại thì bị cạnh tranh bởi gạo Thái Lan, Campuchia, khâu xuất khẩu vẫn còn tình trạng độc quyền bởi các doanh nghiệp nhà nước, khâu tiêu thụ thì sản phẩm không truy xuất được nguồn gốc và người tiêu dùng vẫn sống trong nỗi lo gạo tồn dư hóa chất.

Chính vì vậy, theo vị đại diện của Rynan Technologies, không thể thay đổi một chuỗi giá trị lúa gạo mà chỉ dựa vào người nông dân, mà phải thay đổi dựa vào những tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế, biết cách ứng dụng giải pháp công nghệ cao, biết cách liên kết những điểm mạnh của các bên trong chuỗi cung ứng dựa trên nền tảng công nghiệp 4.0. "Đó là những điều chúng ta nên làm", ông nhấn mạnh và cho rằng trong thời gian gần hai năm qua, Rynan Technologies chế tạo rất nhiều những thiết bị dựa vào công nghệ 4.0 để canh tác lúa, mà nổi bật nhất là máy gieo cấy, bón phân và phun vi sinh 3 trong 1.

Từ những nỗ lực bước đầu, mô hình canh tác mới của Rynan Technologies được thực nghiệm ở tỉnh Đồng Tháp và cho kết quả giúp giảm được chi phí đầu tư, tác động xấu đến môi trường.

Cụ thể, khi dùng phân bón thông minh chỉ cần bón 1 lần/vụ, giúp giảm 50% lượng phân so với phương pháp truyền thống; lượng giống giảm khoảng 60%; giảm nước canh tác hơn 30%; giảm hóa chất bảo vệ thực vật hơn 50%. “Áp dụng phương pháp này còn giúp giảm công lao động, khí phát thải nhà kính, giảm tác động xâm nhập mặn vì có phao quan trắc thông minh, có thể biết được độ mặn của nước, giúp giảm ô nhiễm đất và lúa”, ông cho biết.

Điều quan trọng hơn, đó là tăng doanh thu và thu nhập ổn định cho người nông dân trong khi họ không cần phải ra đồng; tăng cơ hội cho nông dân có thu nhập khác. Chỉ tay vào clip ông Mỹ nói: “Ông được quay trong clip khi đang cắt cây trong khu công nghiệp Long Đức (Trà Vinh) không làm ruộng nữa mà mỗi vụ vẫn được chia lời khoảng 10-12 triệu đồng”, ông dẫn chứng và nhấn mạnh nông nghiệp bây giờ phải tận dụng tối đa công nghệ 4.0 để có thể bứt phá, ông nói.

Theo Thời báo Kinh tế Saigon Online



Báo cáo phân tích thị trường