Bao giờ mới triển khai sử dụng logo thương hiệu gạo Việt. Trong ảnh là logo thương hiệu gạo Việt Nam được công bố vào cuối năm ngoái.
Theo đó, để thực hiện việc quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam, dự thảo đề cương đưa ra mức kinh phí để thực hiện lên đến 129,7 tỉ đồng, bao gồm năm hợp phần: xây dựng và quản lý thương hiệu gạo quốc gia; phát triển thương hiệu quốc gia đối với một số sản phẩm gạo chủ lực của Đồng bằng sông Cửu Long; bảo hộ thương hiệu gạo Việt Nam và hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo trên thị trường quốc tế; quảng bá thương hiệu gạo Việt Nam đến người sản xuất, doanh nghiệp và người tiêu dùng; xúc tiến xuất khẩu, phát triển thị trường cho doanh nghiệp và sản phẩm mang thương hiệu gạo Việt Nam.
Đề cương dự án quản lý và phát triển thương hiệu gạo Việt Nam được đưa ra nhằm xây dựng, quản lý và khai thác thương hiệu gạo Việt Nam, góp phần nâng cao vị trí, giá trị của gạo Việt Nam trên thị trường, thúc đẩy sự phát triển bền vững trong hoạt động sản xuất, chế biến và thương mại sản phẩm gạo của người dân, doanh nghiệp, tổ chức và tập thể.
Một trong những nội dung quan trọng gắn liền với đề cương nêu trên, đó là việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cho tổ chức cuộc thi “Sáng tác biểu trưng “logo” quốc gia gạo Việt Nam”.
Theo đó, vào thời điểm cuối năm ngoái, tại Festival lúa gạo lần 3 được tổ chức tại tỉnh Long An, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cũng đã chính thức công bố logo thương hiệu gạo Việt, đánh dấu cột mốc gạo Việt Nam chính thức có thương hiệu, sau hàng chục năm tham gia vào thị trường xuất khẩu và giữ vị trí thứ hai, ba trên thế giới.
Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay, đó là dù logo gạo Việt đã được công bố khá lâu, nhưng vẫn chưa thể triển khai sử dụng được vì chưa phổ biến hướng dẫn.
Trao đổi với TBKTSG Online, ông Đỗ Hà Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) nói: “Chưa triển khai được vì chưa có hướng dẫn”. Theo ông, có khả năng phải chờ thêm hai năm nữa vì phải chờ Cục sở hữu trí tuệ ra văn bản.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty lương thực Thịnh Phát nói: “Cái này (sử dụng logo thương hiệu gạo Việt) anh cũng không quan tâm, thành ra anh không rành luôn”
Theo ông, sử dụng logo thương hiệu gạo Việt phải thực hiện theo quy chế và muốn sử dụng phải có những động tác liên quan, "nhưng anh không quan tâm thành ra không có tìm hiểu, mà khách hàng của mình cũng không có nhu cầu", ông nói.
Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình, Giám đốc Công ty cổ phần nông nghiệp công nghệ cao Trung An nói rằng, không biết những doanh nghiệp khác như thế nào, nhưng riêng Trung An thì chưa có lô gạo nào được xuất khẩu mang thương hiệu gạo Việt Nam.
Ông Bình nói, không biết thủ tục bây giờ đã được sử dụng hay chưa, nhưng cách thức sử dụng như thế nào ông cũng không nắm, không nghiên cứu. “Về nhu cầu, thì thực tế doanh nghiệp cũng không có nhu cầu cái đó (sử dụng logo thương hiệu gạo Việt để xuất khẩu”, ông thừa nhận.
Trở lại việc sử dụng logo thương hiệu gạo Việt, theo tìm hiểu của TBKTSG Online, Bộ Nông nghiệp cũng đã ban hành Quyết định 1499/QĐ-BNN-CBTTNS 2018 về ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam.
Tuy nhiên, như đã nêu ở trên, đến nay sau khi đã chính thức công bố logo thương hiệu gạo Việt Nam khá lâu, nhưng vẫn chưa triển khai, phổ biến để doanh nghiệp sử dụng là quá chậm chạp, có thể tạo ra sự lãng phí không hề nhỏ.
Ai được dùng thương hiệu gạo quốc gia?
Quyết định 1499/QĐ-BNN-CBTTNS 2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về ban hành quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam nêu rõ tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận khi đáp ứng các điều kiện: được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư có nội dung đăng ký hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm gạo.
Được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm về chế biến, bảo quản, kinh doanh gạo hoặc cơ sở đã được cấp một trong các giấy chứng nhận: thực hành sản xuất tốt (GMP), hệ thống phân tích mối nguy và điểm kiểm soát tới hạn (HACCP), hệ thống quản lý an toàn thực phẩm ISO 22000, tiêu chuẩn thực phẩm quốc tế (IFS), tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm (BRC), chứng nhận hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000) hoặc tương đương còn hiệu lực.
Được tổ chức chứng nhận cấp giấy chứng nhận sản phẩm gạo phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam; hoàn thành nghĩa vụ thuế và thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường. Các sản phẩm gạo mang nhãn hiệu được chứng nhận gồm gạo trắng, gạo trắng thơm và gạo nếp trắng.
Về chất lượng sản phẩm, gạo mang nhãn hiệu gạo Việt Nam phải đảm các yêu cầu chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia. Theo đó, đối với gạo trắng phải đáp ứng tiêu chuẩn: TCVN 11888:2017; gạo thơm trắng là TCVN 11889:2017 và gạo nếp trắng là TCVN 8368:2010. Trường hợp khi có thay đổi về tiêu chuẩn, thì phải đáp ứng theo tiêu chuẩn mới nhất.
Quyết định 1499 của Bộ Nông nghiệp quy định tổ chức, cá nhân được quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận kèm nhãn hiệu riêng của tổ chức, cá nhân trên bao bì sản phẩm, phương tiện kinh doanh, quảng cáo và các giấy tờ giao dịch khác cho sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận.
Được khai thác, sử dụng và hưởng các lợi ích kinh tế phát sinh từ nhãn hiệu chứng nhận. Được tham gia các chương trình quảng bá, phát triển nhãn hiệu chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam trên các phương tiện truyền thông.
Tuy nhiên, tổ chức, cá nhân phải có nghĩa vụ: chỉ được sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho các loại sản phẩm gạo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; đảm bảo chất lượng sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận và duy trì, bảo vệ, phát triển giá trị tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu chứng nhận; thông báo đến đơn vị quản lý nhãn hiệu chứng nhận khi không còn nhu cầu sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; nộp chi phí theo quy định cho hoạt động cấp và duy trì hiệu lực giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận…