Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Cao su thời mất giá: Nín thở chờ mủ tăng giá
20 | 06 | 2019
Với cách làm riêng, việc phát triển cao su ở Lai Châu được đánh giá là hiệu quả hơn so với các địa phương khác trong khu vực.

 

Cũng như các tỉnh Tây Bắc khác trong vùng dự án phát triển cao su của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, đời sống của người dân góp đất ở Lai Châu cũng bị ảnh hưởng một phần dù đã có 1/3 diện tích đưa vào khai thác mủ. Tuy nhiên, với cách làm riêng trong chương trình ký kết của chính quyền tỉnh Lai Châu với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, việc trồng cao su trên địa bàn vẫn được coi là hiệu quả hơn so với các địa phương khác trong khu vực.

Với cách làm riêng, việc phát triển cao su ở Lai Châu được đánh giá là hiệu quả hơn so với các địa phương khác trong khu vực.

Cũng như các tỉnh Tây Bắc khác trong vùng dự án phát triển cao su của Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, đời sống của người dân góp đất ở Lai Châu cũng bị ảnh hưởng một phần dù đã có 1/3 diện tích đưa vào khai thác mủ. Tuy nhiên, với cách làm riêng trong chương trình ký kết của chính quyền tỉnh Lai Châu với Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, việc trồng cao su trên địa bàn vẫn được coi là hiệu quả hơn so với các địa phương khác trong khu vực.

Năm 2018, các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã đưa vào khai thác mủ trên 4.000ha. Điều đó đồng nghĩa với việc số lượng công nhân là con em đồng bào các dân tộc địa phương cũng sẽ được tuyển vào nhiều hơn. Ở thời điểm hiện tại hai công ty khai thác mủ đã có trên 1.500 công nhân kỹ thuật, với mức lương ổn định từ 4 – 5 triệu đồng/tháng. Là công nhân nông dân, các công nhân này ngoài việc ngày khai thác mủ khoảng 4 tiếng vẫn có thể về nhà làm việc nhà, ruộng nương hay đánh bắt cả lòng hồ thủy điện để tăng thu nhập.Ông Nguyễn Hồng Thắng, Bí thư Đảng ủy, Thành viên Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần cao su Lai Châu cho biết: Năm 2018 dù giá bán thấp khoảng 28 triệu/tấn, nhưng công ty đã có doanh thu 120 tỷ đồng. Chưa tính tiền lương công nhân hàng tháng, người dân đã có thu nhập hơn 12 tỷ đồng, 10% giá trị mủ sản phẩm.

Năm 2019, giá do Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam xây dựng hơn 32 triệu đồng/tấn mủ, diện tích đưa vào khai thác tăng lên, người dân sẽ có thu nhập cao hơn. Để đảm bảo đời sống công nhân, đơn vị cũng đã có chiến lược tiết giảm chi phí, nghiên cứu để trang bị vật tư có hiệu quả nhất; tăng số cây cạo cho anh em công nhân để tăng tiền lương lên, chuyển đổi từ D3 sang D4 để tăng năng suất, giảm giá thành.

Phân tích về giá mủ trên thị trường hiện nay, ông Nguyễn Hồng Thắng cho biết thêm: Giá cá su hiện nay giảm nguyên nhân là do cung vượt cầu vì năm 2009 – 2011, giá cao su tăng lên 125 – 130 triệu một tấn nên người dân trồng cao su tiểu điền nhiều và đến năm 2016 – 2017 số diện tích đó bắt đầu đưa vào khai thác.

Hiện cả nước có khoảng 1 triệu ha, nhưng Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam chỉ có 350.000 ha. Với giá mủ trên thị trường thấp thời gian qua đã có nhiều vùng, nhất là diện tích cao su tiểu điền do người dân tự trồng đã chuyển đổi sang cây trồng khác. Nhiều diện tích cao su đến năm nay bắt đầu già cỗi, hết chu trình khai thác và nhiều giống cây không phù hợp sẽ được trồng lại.

“Giá cao su hiện nay giảm là do cung vượt cầu, thị trường đang tự điều tiết. Bắt đầu năm nay cao su già cỗi và những giống không phù hợp sẽ được thanh lý bán gỗ và trồng lại. Tôi dự tính cuối năm 2019 – 2020 giá sẽ lên, do các nước trồng và xuất khẩu cao su lớn sẽ chuyển đổi sang cây khác. Sau đó họ sẽ định hướng điều tiết về mặt sản lượng cao su”, ông Thắng cho biết thêm.

Thực trạng giá mủ cao su trên thị trường xuống thấp thời gian qua đã ảnh hưởng phần nào tới đời sống người dân góp đất trên địa bàn các tỉnh Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên, Yên Bái, Lai Châu. Dù cùng chung chủ đầu tư là Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam, nhưng khi thực hiện dự án, chính quyền tỉnh Lai Châu có cách làm riêng để mang lại lợi ích bền vững cho người dân.

Ông Hà Văn Um, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lai Châu cho biết: Với cách làm ở Lai Châu, đến nay giá mủ có thấp cũng không ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân góp đất.

“Nếu như các địa phương khác sử dụng chủ yếu đất nương canh tác của người dân trồng cao su thì ở Lai Châu hơn 70% là đất cộng đồng, trong đó chủ yếu là đất rừng nghèo kiệt và đất hoang hóa. Các địa phương khác ký kết với Tập đoàn ăn chia 10% cổ tức sau hạch toán thì ở Lai Châu người dân được hưởng 10% giá trị sản phẩm mủ”, ông Hà Văn Um cho hay.

“Tôi cho là cao su ở Lai Châu phát triển thành công, vì địa phương thay thế rừng sản xuất bằng rừng cao su và hiện chất lượng mủ, năng suất mủ được đánh giá rất tốt. Yếu tố lên xuống là bản chất cố hữu của nông sản, cao su cũng phải chịu chung quy luật như vậy”, ông Hà Văn Um nói.

Dù không mang lại được lợi ích cho người dân góp đất như mục tiêu ban đầu của dự án và bức tranh cao su Lai Châu sau hơn 10 năm có mặt trên địa bàn cũng đang phải chịu chung “số phận” khi giá mủ trên thị trường thấp.

Thế nhưng, với sản lượng và chất lượng mủ được đánh giá không thua kém nhiều so với vùng Đông Nam Bộ, Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam và chính quyền tỉnh Lai Châu vẫn tin vào hiệu quả cây trồng mới này mang lại. Và người dân góp đất cũng có cơ sở để chờ đợi và tin rằng một ngày không xa cao su sẽ làm thay đổi cuộc sống và diện mạo các bản làng nghèo quê mình./.

 



Theo VOV.vn
Báo cáo phân tích thị trường