Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Trị giá xuất khẩu gạo của Việt Nam giảm mạnh trong 5 tháng
03 | 06 | 2019
Xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm 2019 của Việt Nam giảm mạnh 20,7% về trị giá và giảm 4% về khối lượng so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo báo cáo mới nhất do Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) công bố, trong 5 tháng đầu năm 2019, khối lượng xuất khẩu gạo ước tính đạt 739 nghìn tấn, tương đương trị giá 314 triệu USD.

Tính chung 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo ước đạt 2,83 triệu tấn, tương đương 1,21 tỷ USD, giảm 4% về khối lượng và giảm mạnh 20,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.

Về thị trường xuất khẩu, Philippines vẫn là thị trường lớn nhất khi chiếm gần 36% thị phần trong 4 tháng đầu năm.

Một số thị trường có chỉ số xuất khẩu gạo tăng mạnh là Angola (tăng gấp 5,2 lần); Hồng Kông (tăng 91,9%); Bờ Biển Ngà (tăng 73,3%) và Nga (tăng 29,3%).

Về chủng loại xuất khẩu, trong 5 tháng đầu năm 2019, xuất khẩu gạo trắng chiếm trên 50,5% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 34,1%; gạo nếp chiếm 8,1% và gạo Japonica, gạo giống Nhật chiếm 7,1%.

Các thị trường xuất khẩu gạo trắng lớn nhất của Việt Nam là Philippines (52,7%), Cuba (15,3%). Gạo Jasmine và gạo thơm có thị trường xuất khẩu lớn nhất là Iraq (18,8%), Philippines (18,4%) và Bờ Biển Ngà (18,1%).

Về gạo nếp, thị trường xuất khẩu lớn là Trung Quốc (36,3%), Philippines (28,2%) và Hồng Kông (13,3%). Với gạo Japonica và gạo giống Nhật, thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là Singapore (40,8%) và Ai Cập (15,9%).

Theo đánh giá của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, giá trị xuất khẩu gạo 5 tháng đầu năm giảm do trên thị trường thế giới, giá gạo diễn biến giảm. 

Trong đó, giá gạo Ấn Độ chạm mức thấp 7 tháng do nhu cầu yếu, giá gạo Thái Lan không đổi ở mức 400 USD/tấn do nhu cầu tiêu thụ ở mức thấp và thị trường được dự đoán sẽ không có giao dịch lớn trong ngắn hạn.

Trong khi đó, tại thị trường trong nước, giá lúa, gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ổn định trong tháng qua. 

Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, tại An Giang, lúa tươi IR50404 duy trì ở mức 4.800 đồng/kg; lúa OM 4218 ở mức 4.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 5.200 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 9.500-10.500 đồng/kg; gạo chất lượng cao ở mức 13.000 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 13.500 đồng/kg.

Tại Vĩnh Long, lúa ướt IR50404 ở mức 4.600 đồng/kg; lúa khô IR50404 giữ ở mức 5.300 đồng/kg; gạo IR50404 ở mức 12.000 đồng/kg; gạo jasmine ở mức 14.000 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, lúa RVT đang thu hoạch có giá 6.000 - 6.500 đồng/kg.

Tại Kiên Giang, lúa IR50404 ổn định ở mức 5.500 đồng/kg; lúa OM 4218 ở mức 5.600 - 5.700 đồng/kg; lúa OM 6976 ở mức 5.500 - 5.600 đồng/kg; lúa Jasmine ở mức 6.000 - 6.100 đồng/kg.

Dự báo giá lúa gạo trong nước có thể giảm trong tháng tới do thu hoạch vụ Hè Thu khiến nguồn cung gia tăng.

Theo VnEconomy



Báo cáo phân tích thị trường