Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Khó quản lý lúa giống ở ĐBSCL
13 | 01 | 2020
Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV An Giang cho biết, hiện nay việc kiểm tra và quản lý chất lượng lúa giống vô cùng khó khăn.

Khó khăn trong SX và quản lý lúa giống là giống SX và kinh doanh không nằm trong danh mục giống cây trồng được phép SX, kinh doanh của Bộ NN-PTNT quy định, việc đăng ký phù hợp quy chuẩn và công bố hợp quy còn thiếu sót, nhiều lô hạt giống lúa không được kiểm nghiệm chất lượng trước khi đưa ra thị trường.

Theo báo cáo của Trung tâm Khảo kiểm nghiệm giống và sản phẩm cây trồng vùng Nam bộ, nhu cầu giống lúa cho SX ở Nam bộ khoảng 700.000 tấn giống/năm. Hiện có hàng trăm đơn vị SX kinh doanh có đăng ký và hàng ngàn câu lạc bộ, THT, HTX và nông dân SX giống nông hộ.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt - BVTV An Giang cho biết, hiện nay việc kiểm tra và quản lý chất lượng lúa giống vô cùng khó khăn, bởi vì trên địa bàn tỉnh có hàng chục Cty đăng ký kinh doanh lúa giống.

Khi đến kiểm tra DN thì vùng nguyên liệu SX lúa giống không nằm trong tỉnh mà ở ngoài tỉnh, nhà kho cũng ở tỉnh khác. Cho nên vấn đề này cần sự hỗ trợ của thanh tra Bộ NN-PTNT, bởi đơn vị này mới có thẩm quyền quản lý DN đó trên phạm vi toàn quốc.

Một Cty kinh doanh lúa giống chất lượng cao tại An Giang nhận định, hiện nay ĐBSCL chỉ có 3 tỉnh có phòng kiểm nghiệm, kiểm định lúa giống là An Giang, Kiên Giang, Đồng Tháp. Trong kiểm định, do không có phương tiện cũng như nhân lực nên các đơn vị SXKD giống phải tự thuê mướn những tổ chức được Cục Trồng trọt chỉ định. Chính vì còn ít trung tâm kiểm nghiệm nên việc quản lý chưa chặt chẽ.

Trong khi số cơ sở kinh doanh lúa giống quá nhiều, lúa giống kém chất lượng gây thiệt hại rất lớn cho người nông dân. Đơn cử riêng địa bàn An Giang có khoảng 10 cơ sở kinh doanh lúa giống có uy tín, còn lại là hàng trăm cơ sở hoặc tổ hợp tác SX lúa giống làm ăn theo kiểu “ăn xổi ở thì” làm thị trường lúa giống bát nháo mỗi khi sắp vào vụ gieo sạ.

Ông Nguyễn Văn Hồng, GĐ Cty CP Giống cây trồng Đồng Tháp bức xúc: Cần kiểm tra việc thành lập các cơ sở SXKD giống lúa, việc bố trí nhân sự là cán bộ kỹ thuật SX giống.

Việc quản lý chất lượng giống phải đáp ứng đúng quy định ngành trồng trọt, không ký hợp đồng hình thức để đủ thủ tục. Rất nhiều cơ sở làm giống không có nhân viên kỹ thuật, kiểm định chiếu lệ ruộng giống hoặc mua lúa thịt đóng bao bán lúa giống, giá bán rất thấp nhưng vẫn có lãi cao.

"Các đoàn nên thường xuyên kiểm tra nguồn gốc các lô giống của DN, cơ sở SXKD giống thông qua các thủ tục cần thiết như: Hợp đồng SX giống lúa với nông hộ, THT, HTX, các biên bản kiểm định ruộng giống trong từng vụ, thông báo công bố hợp quy", ông Hồng kiến nghị.

 

 

Hiện tại Viện ĐBSCL đã ký hợp đồng chuyển nhượng bản quyền kinh doanh lúa giống OM 4900, OM 6162 (ở vùng Đông Nam Bộ) cho một DN ở miền Trung, từ đó phát sinh nhiều mâu thuẫn xảy ra giữa các DN SX kinh doanh giống lúa ở ĐBSCL và Đông Nam Bộ.

Cụ thể là các giống OM 4900, OM 6162 SX kinh doanh ở ĐBSCL đã ký kết hợp đồng chia sẻ tác quyền với Viện Lúa ĐBSCL khi chuyển giống đến địa bàn các tỉnh giáp ranh như Tây Ninh, hoặc các đại lý ở Đồng Nai về đến Đồng Tháp mua lúa giống OM 4900, OM 6162 chở về Đồng Nai tiêu thụ thì sẽ vi phạm những quy định về bản quyền vì khác vùng sinh thái.

Trong khi đó, các loại giống nêu trên đã được nông dân vùng Đông Nam Bộ tiếp nhận SX hàng chục năm qua, đã trở thành giống chủ lực trong cơ cấu giống của địa phương.

Cũng theo ông Hồng, việc kiểm tra, quản lý chất lượng giống lúa trên thị trường cần thực hiện nghiêm theo Luật Sở hữu trí tuệ về bản quyền giống. Nhà nước cũng cần điểu chỉnh các chính sách, quy định về việc phân chia vùng sinh thái để khảo nghiệm, SX giống lúa cho phù hợp. Ngành Nông nghiệp không nên phân chia vùng để kinh doanh giống lúa, như vậy sẽ trở lại tư duy thời bao cấp, là “ngăn sông cấm chợ”.

Hiện đã có tình trạng các đơn vị SXKD giống lúa đáp ứng đủ thủ tục SX, quản lý chất lượng giống được tiêu thụ ở vùng ĐBSCL mà không được tiêu thụ ở miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên hoặc ngược lại.

Khó quản lý lúa giống ở ĐBSCL - Ảnh 2.

Thanh tra ngành nông nghiệp kiểm tra cơ sở SX lúa giống tại TP Cần Thơ.

Bên cạnh đó các giống lúa nằm ngoài danh mục của Bộ NN-PTNT vẫn được SX và trao đổi trong dân được xem là những giống đặc sản của địa phương đang đem lại hiệu quả cao như OM 1352.

Còn giống IR 4625 (Nếp Long An) đang được nông dân SX ở các tỉnh Đồng Nai, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang. Giống IR 13240-108 (Butyl) được nông dân SX ở các tỉnh Đồng Tháp, Long An, An Giang. Siêu Hầm Trâu được nông dân SX ở các tỉnh Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, Trà Vinh, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Cà Mau…

Chính vì vậy các DN kinh doanh SX giống ở ĐBSCL và Đông Nam Bộ rất muốn Bộ NN-PTNT nên có quy định công nhận sớm các loại giống “ngoài danh mục” đã được nông dân các địa phương SX và thị trường chấp nhận như OM 1352, IR 13240-108, IR 4625, Siêu Hầm Trâu.

Bên cạnh đó Bộ NN-PTNT nên có chủ trương cụ thể hơn về việc phân vùng sinh thái SX giống lúa và chủ trương về kinh doanh giống ở những vùng khác nhau.

 
Theo Nongnghiep.vn


Báo cáo phân tích thị trường