Báo Nông nghiệp Việt Nam trao đổi với Tiến sĩ Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) về vấn đề này.
Từ câu chuyện thịt lợn đắt, trong khi gia cầm, thủy sản lại rẻ, theo ông chúng ta cần có những khảo sát, nghiên cứu, đánh giá tổng thể cung cầu thực phẩm từng mặt hàng hay không?
Thông tin chính xác luôn là cơ sở rất quan trọng giúp các nhà chính sách ra được những quyết định đúng đắn.
Chính vì thế, không phải hiện nay mới cần những đánh giá chi tiết về cung cầu, mà chúng ta phải thường xuyên có hệ thống thông tin theo dõi giám sát, báo cáo chính xác để giúp các nhà quản lý nắm bắt được hiện trạng, dự đoán được xu hướng.
Tôi cho rằng, không chỉ một hai mặt hàng mà chúng ta cần xây dựng kịch bản chi tiết cho nhiều mặt hàng nông sản chủ lực khác. Rất mừng là trong Luật Chăn nuôi cũng đã yêu cầu cơ sở chăn nuôi phải khai báo thông tin cụ thể và hy vọng điều này được thực hiện nghiêm túc vì đã ghi vào luật.
|
Cần xây dựng số hóa số liệu thường xuyên cho ngành chăn nuôi để tăng tính dự báo. Ảnh: Nguyên Huân. |
Riêng đối với ngành hàng thịt lợn hiện nay, trong lúc này nếu chúng ta có nghiên cứu đánh giá tốt về sản lượng, khả năng tái đàn, nghiên cứu nhu cầu để xem khả năng phục hồi ra sao, chênh lệch cung cầu thế nào? Từ đó, tính toán khả năng thay thế (thông qua hệ số co giãn chéo) giữa thịt lợn, thịt gà và cả các sản phẩm thủy sản sẽ cho chúng ta được bức tranh tổng thể hiện nay.
Sau khi có bức tranh tổng thể rồi chúng ta sẽ có dữ liệu, số liệu để xây dựng các kịch bản, sẽ thấy được khả năng thiếu hụt cung (hay mất cân bằng trong ngắn hạn) và đề xuất những giải pháp cụ thể, như thúc đẩy tái đàn, tăng nhập khẩu, thúc đẩy khả năng thay thế qua thịt gia cầm, thủy sản và tính toán xem nếu muốn giá lợn hơi về mức giá 60.000 đồng/kg hay 70.000 đồng/kg cần bổ sung bao nhiêu đầu lợn.
Chúng ta đang có chủ trương chuyển đổi cơ cấu bữa ăn, cơ cấu chăn nuôi theo hướng giảm lợn, tăng gia cầm, thủy sản và đại gia súc, nhưng tăng, giảm bao nhiêu là đủ, cơ cấu tỷ lệ như thế nào là hợp lý theo ông chúng ta đã có những tính toán, nghiên cứu cụ thể nào chưa?
Hiện nay, nghiên cứu hay số liệu về cơ cấu bữa ăn Tổng cục Thống kê có số liệu về điều tra mức sống dân cư Việt Nam, trong đó có phần khảo sát khá chi tiết về tình hình tiêu dùng.
Cá nhân tôi thấy phần chi tiêu của điều tra cho độ tin cậy khá cao, nhất là tiêu dùng trong nhà. Dựa vào đây, chúng ta cũng thấy rõ cơ cấu tiêu dùng của hộ gia đình, của nông thôn, thành thị, của các nhóm hộ khác nhau.
Ngoài ra, dựa trên số liệu tình hình sản xuất trong nước, tình hình xuất nhập khẩu chúng ta cũng có thể ước lượng được cơ cấu tiêu dùng là bao nhiêu. Số liệu từ hai nguồn này cũng cho con số khá tương đương.
Về cơ cấu nguồn cung trong nước, thời gian qua cũng có sự chuyển đổi giữa các nhóm. Với thịt lợn, hiện chiếm 70%, giảm so với năm 2005 là 81%. Ngược lại, gia cầm năm 2005 chỉ khoảng 11% nay đã là 21%. Như vậy, với định hướng trước đây giảm thịt lợn tăng gia cầm chúng ta đã làm được phần nào.
Về chuyện nghiên cứu tăng giảm bao nhiêu là đủ theo tôi chưa có nghiên cứu bài bản nào mà trước đó chỉ có một số nghiên cứu về xu hướng tiêu dùng. Tuy nhiên, với quan điểm của tôi, việc nghiên cứu này không phải dễ, bởi thật ra mọi thứ đều biến đổi thường xuyên theo cung cầu, giá cả.
Việc nghiên cứu quan trọng hơn là nếu chúng ta có thể dự báo tốt về cung cầu để cảnh báo cho người sản xuất hoặc chúng ta có những nghiên cứu tốt, kịch bản tốt để dự đoán các tình huống xảy ra để giúp các nhà quản lý cho những quyết sách đúng đắn. Theo tôi, chúng ta cần nghiên cứu để xây dựng hệ thống thông tin thật tốt, nhưng phải mang tính thường xuyên chứ không phải lúc cần mới đi nghiên cứu.
Muốn điều hành kinh tế thị trường kịp thời phải có số liệu chuẩn xác, nhưng có vẻ số liệu thống kê ngành chăn nuôi của chúng ta chưa thực sự đáp ứng được biến động của kinh tế thị trường đúng không thưa ông?
Làm nghiên cứu trong 15 năm qua tôi thấy hệ thống thông tin về nông nghiệp của chúng ta ngày càng có nhiều cải thiện. Rất nhiều thông tin của Bộ NN-PTNT rồi thông tin của Tổng cục Thống kê ngày càng phong phú.
Về xuất nhập khẩu, hệ thống số liệu của Hải quan cũng rất đầy đủ. Số liệu về sản xuất, xuất khẩu hiện nay của các ngành chăn nuôi, thủy sản đều có cả. Tình hình thương mại quốc tế số liệu cũng ngày một phong phú hơn.
|
Ngoài ngành hàng lợn, gia cầm và thủy sản cũng cần có số liệu số hóa cập nhật, dự báo thường xuyên. Ảnh: Nguyên Huân. |
Tuy nhiên, tôi thấy có mấy vấn đề gặp khó khăn hiện nay trong việc tìm kiếm, tiếp cận các nguồn thông tin cần được quan tâm giải quyết.
Đó là thông tin tình hình nguồn cung chưa có báo cáo, theo dõi thường xuyên nên chúng ta rất khó biết hiện nay ở các hộ là bao nhiêu, doanh nghiệp là bao nhiêu, dự trữ trong dân là bao nhiêu. Hệ thống dự trữ ở các doanh nghiệp là rất quan trọng và không dễ để tiếp cận. Một điểm khó nữa là chúng ta có quá nhiều hộ với quy mô nhỏ và không thể theo dõi hết.
Thứ hai, hệ thống thông tin nhu cầu đang chủ yếu ước lượng chung chung chứ chưa có đánh giá đầy đủ về chủng loại, nhóm hàng. Theo tôi, chúng ta ước lượng nhưng cần có báo cáo thường xuyên, có nghiên cứu đầy đủ sẽ tốt và chính sát thực tế hơn.
Đặc biệt, hệ thống thông tin dự báo của ta hiện rất yếu, đây là phần khó nhất của công tác nghiên cứu dự báo thị trường. Muốn dự báo tốt chúng ta cần có thông tin chính xác từ nguồn cung và cầu, rồi chúng ta phải nhìn thấy những yếu tố có thể làm thay đổi cung cầu trong tương lai.
Bên cạnh đó, hiện hệ thống thông tin về Hải quan hiện nay khá đầy đủ và rất tốt nếu được cập nhật kịp thời, công khai, nhưng thực tế hiện nay để tiếp cận đầy đủ không phải dễ. Ngoài ra, hệ thống thông tin về giá cả cũng bắt đầu được chúng ta xây dựng nhưng còn manh mún, chưa thường xuyên và đầy đủ.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hiện nay có thể nói thông tin về sản xuất chung của lúa chúng ta dự báo được khá tốt do Bộ NN-PTNT phối hợp tốt với các sở ngành đề theo dõi. Thông tin về chăn nuôi chúng ta có khai báo hàng năm nhưng theo tôi, cần xây dựng hệ thống thông tin số hóa và dùng ảnh vệ tinh để xây dựng bản đồ các ngành hàng chính.
Khi xảy ra dịch tả lợn Châu Phi năm 2019, IPSARD có hợp tác với đối tác nước ngoài nghiên cứu, ước lượng thay đổi thế nào dựa trên các kịch bản khác nhau. Khi chúng tôi dùng mô hình (tất nhiên cũng có một số giả định) cho kết quả, nếu dịch làm thiệt hại 15-20% (trong đó 10% là nái) giá thịt lợn có thế tăng lên 70.000 đồng/kg. Trong khi thời điểm chúng tôi làm nghiên cứu, giá lợn mới chỉ khoảng 47.000 - 48.000 đồng/kg.
(Tiến sĩ Trần Công Thắng)
|
Theo Nông nghiệp Việt Nam