Cho đến nay, Việt Nam vẫn là một nước sản xuất nông nghiệp và điều kiện sống của cư dân thấp. Thu nhập bình quân người đạt khoảng 600 USD/năm. Dân số nông thôn chiếm trên 77% dân số của cả nước và lực lượng lao động của toàn quốc gia đang làm việc trong khu vực nông thôn chiếm tới 66%. Quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế diễn ra chậm và không đồng đều giữa các vùng. Khoảng cách thu nhập, điều kiện sống và năng suất lao động giữa nông thôn và thành thị, giữa ngành nông nghiệp và các ngành khác ngày càng lớn.
Theo TS. Đặng Kim Sơn, nông thôn Việt Nam hiện đang đối mặt với hàng loạt các vấn đề như quy mô sản xuất nhỏ, manh mún. Công nghệ lạc hậu. Năng suất, chất lượng sản phẩm thấp. Khả năng hợp tác, liên kết, cạnh tranh yếu, chuyển dịch cơ cấu chậm. Tình trạng thiếu việc làm, thừa lao động là phổ biến. Chênh lệch về thu nhập và về điều kiện sống so với thành thị ngày càng lớn. Tình trạng ô nhiễm môi trường sản xuất và sinh hoạt ngày càng trở nên nặng nề. Các hoạt động chuyển nhượng sử dụng và bồi hoàn đất đai vẫn chưa diễn ra theo đúng quy luật, còn gặp nhiều cản trở.[1] Theo Ông, những khó khăn, vướng mắc chính ở trên là những thách thức xuất hiện trong giai đoạn mới của quá trình phát triển kinh tế dưới tác động của quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa và toàn cầu hóa. Có tháo gỡ được các khó khăn trên mới có thể khôi phục mức tăng trưởng nông nghiệp có xu hướng giảm sút trong thời gian gần đây, từng bước tháo gỡ những mâu thuẫn về xã hội, chính trị và môi trường đang nảy sinh trong nông thôn để đảm bảo cho quá trình phát triển tương lai vững bền và ổn định.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Trung nhìn nhận phát triển nông nghiệp và nông thôn cần được xem là quốc sách nằm trong mọi chính sách của cả nước. Việc nhà nước hỗ trợ cho người nông dân, tạo cho nông dân có khả năng và điều kiện tham gia vào quá trình thương mại hóa của nền kinh tế là hướng đi vững chắc và lâu dài. Đây là hoạt động thực tế chưa được nhìn nhận và thực hiện đúng mức. Nhưng liệu nông dân có khả năng “mặc cả” trên thị trường? Vì vậy, việc hỗ trợ nông dân để đứng chân được trong những tổ chức hợp tác thực sự của họ, là điều quan trọng cần tính đến.
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế này, TS. Lê Đăng Doanh, việc doanh nhân hóa nông dân, doanh nghiệp hóa nông thôn cần được đẩy mạnh, cần có cơ chế, chế tài rõ ràng trong việc xử lý mối quan hệ lợi ích giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân. Kinh nghiệm của Hàn Quốc là nông dân được tham gia mua cổ phần, đóng bảo hiểm trong các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (có sử dụng đất nông nghiệp) thay vì đền bù ngay lạp tức bằng một khoản tiền lớn. Điều này sẽ làm giảm độ “sốc” cho người nông dân khi họ chưa tìm ra được một phương thức hoạt đọng kinh tế mới thay cho hoạt động nông nghiệp truyền thống.
GS. Tương Lai, nhà văn Nguyên Ngọc đều có cùng chung một cách nhìn nhận rằng việc hoạch định chính sách phát triển nông nghiệp thời gian tới cần phải thẳng thắn nhìn nhận với tinh thần cầu thị về những bài học thất bại của các chính sách phát triển nông thôn đã có. Hai ông dẫn trường hợp Thái Bình năm 1996 và trường hợp Tây Nguyên là điển hình cho cho sự thất bại của các chính sách phát triển nông thôn vốn không tính tới và không được xây dựng dựa trên cơ sở nghiên cứu các đặc điểm kinh tế-xã hội và văn hóa riêng của mỗi vùng, miền.
Để thay lời kết, theo Ông Lê Huy Ngọ vấn đề căn bản nhất trong chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn là vấn đề sở hữu và quy hoạch đất đai nông nghiệp, nông thôn vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Công tác hoạch định chính sách phát triển nông thôn giai đoạn hiện nay cần dựa trên cơ sở nghiên cứu khoa học liên ngành, đặc biệt cần được thảo luận một cách rộng rãi để tiếp thu được nhiều ý kiến khác nhau.Chính vì vậy, chủ đề và nội dung này sẽ được đưa ra thảo luận rộng rãi trong thời gian tới với sự tham gia của nhiều cơ quan, tổ chức và cá nhân khác, đặc biệt là người nông dân đối tượng hưởng lợi chủ yếu của chính sách này.
[1] Đặng Kim Sơn. Phát triển nông thôn Việt Nam-Vấn đề và giải pháp. Hội thảo Nông nghiệp nông thôn Việt Nam trong quá trình hội nhập, Viện Chính sách Chiến lược Phát triển NNNT, 12/4/2007.