Theo Kinh tế và Tiêu dùng
Ông Charoen Laothammatas, chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, cho biết hoạt động xuất khẩu gạo nói chung của quốc gia Đông Nam Á khá trầm lắng trong tháng 7 sau khi đại dịch dẫn tới sự sụp đổ của Phoenix Commodities, một trong những nhà giao dịch hàng hóa lớn nhất thế giới.
"Sự sụp đổ của Phoenix Commodities ảnh hưởng đến hầu hết nhà xuất khẩu gạo ở Thái Lan. Phoenix là đối tác thương mại của nhiều nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, đặc biệt là những nhà vận chuyển gạo đến châu Phi", ông Chareon nói.
Uớc tính Phoenix nợ các nhà xuất khẩu Thái Lan, những người bán gạo trước cho công ty, 1 tỉ baht, theo Bangkok Post.
Đặt trụ sở tại Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, Phoenix được thành lập vào năm 2000. Doanh thu của công ty đã lên tới 3 tỉ USD vào năm 2019. Công ty kinh doanh các loại ngũ cốc, than, kim loại và các mặt hàng khác.
Theo ông Charoen, một công ty kinh doanh gạo toàn cầu khác đang quay cuồng vì thanh khoản bị thắt chặt và có khả năng phải đối mặt với các vấn đề tài chính tương tự như Phoenix.
"Trước sự sụp đổ của công ty thương mại hàng đầu thế giới, một số người mua gạo khổng lồ đã ngừng mua hàng trong một tháng. Hơn thế nữa, đồng baht mạnh hơn vào đầu tháng này và sự thay đổi mạnh mẽ của ngoại hối đã khiến hầu hết nhà xuất khẩu không mấy vui vẻ trong những đơn giao hàng", ông nói thêm.
Ngoài ra, theo ông Charoen, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan hiện đắt hơn so với các quốc gia khác vì đồng baht đang tương đối mạnh.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức 440 - 450 USD/tấn, giảm từ 490 - 500 USD trong vài tuần trước. Trong khi giá gạo từ Việt Nam, Ấn Độ và Myanmar đang ở quanh mức 360 USD/tấn.
Trong 5 tháng đầu năm, Thái Lan đã xuất khẩu tổng cộng 2,57 triệu tấn gạo, giảm 31,9% so với cùng kì năm ngoái, với giá trị xuất khẩu là 54,16 tỉ baht, giảm 13,2% trong cùng kì.
5 nhà nhập khẩu gạo hàng đầu từ Thái Lan trong giai đoạn này là Mỹ (338.769 tấn, tăng 41,2% so với cùng kì), Nam Phi (231.412 tấn, giảm 12,6%), Angola (195.438 tấn, giảm 1,5%), Trung Quốc (120.207 tấn, giảm 41,6%) và Nhật Bản (116.338 tấn, tăng 7,9%).
Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan đã đặt mục tiêu xuất khẩu gạo cả năm là 7,5 triệu tấn nhưng dự kiến sẽ điều chỉnh mục tiêu vào ngày 22/7.
Thái Lan đã xuất khẩu 7,58 triệu tấn gạo trị giá 131 tỉ baht trong năm 2019, giảm lần lượt 32% và 25% so với năm trước.
Xuất khẩu giảm trong 2020 nhưng dự báo phục hồi trong năm tới
Báo cáo hôm 10/7 công bố của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho hay xuất khẩu gạo Thái trong năm nay được dự báo giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2013 do hạn hán nghiêm trọng khiến nguồn cung giảm và giá tăng cao.
Đây là đợt hạn hán nghiêm trọng thứ hai trong vòng một thập kỉ tại Thái Lan và đặc biệt ảnh hưởng tới sản lượng vụ lúa trái mùa, vốn phục thuộc lớn vào lượng nước dự trữ bị bốc hơi vì tình trạng thời tiết khắc nghiệt.
Mặc dù vậy, xuất khẩu gạo của Thái Lan được dự đoán sẽ phục hồi vào năm 2021 nhờ vụ mùa năm tới có khả năng tăng 2 triệu tấn so với 2020. Ngoài ra, nhu cầu thế giới dự kiến tăng trưởng gần 6% trong năm sau sẽ tạo thêm cơ hội xuất khẩu gạo, đặc biệt là sang Tây Phi và Philippines.