Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
BÁO CÁO TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU NÔNG LÂM THỦY SẢN SANG THỊ TRƯỜNG EU - THÁNG 10.2020
09 | 11 | 2020

Nguồn: Viện Chính sách và Chiến lược PTNNNT

TỔNG QUAN TÌNH HÌNH THỊ TRƯỜNG

Cho dù dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại châu Âu nhưng nền kinh tế Châu Âu đã có sự hồi phục đầy kỳ vọng trong quý III-2020. Theo Cơ quan thống kê Liên minh châu Âu, tăng trưởng kinh tế của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) trong quý III-2020 đã đạt 12,7% so với quý trước đó. Con số này tuy vẫn giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2019 nhưng là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh dịch Covid-19. Tương tự, tăng trưởng kinh tế quý III-2020 của toàn bộ các quốc gia châu Âu cũng tăng 12,1% so với quý II-2020. Trong đó Đức có mức tăng 8,2%, mức cao nhất kể từ năm 1970 và cao hơn mức dự báo 7,3% của các chuyên gia kinh tế. Tương tự, mức tăng trưởng trong quý III-2020 của Tây Ban Nha là 16,7% so với quý trước, của Pháp là 18,2%. Sự khởi sắc này được xem là kết quả của việc biên giới giữa hầu hết các nước châu Âu chính thức mở lại kể từ đầu quý III-2020, qua đó khôi phục một phần không gian tự do di chuyển Schengen vốn đã bị đóng băng trong nhiều tháng trước đó. Các chuỗi cung ứng, thương mại, tiêu dùng... dần thích ứng với trạng thái "bình thường mới". Cùng với đó, các gói hỗ trợ tài chính bắt đầu phát huy tác dụng, trong khi các nước cũng tăng chi tiêu tài khóa để đối phó với dịch Covid-19, kết hợp cố gắng duy trì các hoạt động kinh tế thiết yếu và hỗ trợ người lao động. Tất cả những nỗ lực này góp phần tạo ra mức tăng trưởng theo quý cao nhất từng được ghi nhận kể từ năm 1995 tại Châu Âu.

Về xuất khẩu của Việt Nam và EU: Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang EU là thủy sản, hạt điều, cà phê, gỗ và các sản phẩm gỗ. mặc dù EVFTA chính thức thực thi vào đầu tháng 8/2020 nhưng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn chưa có nhiều bước tiến rõ rệt. Kim ngạch xuất khẩu NLTS tháng 9 giảm 3,18% so với tháng trước, đạt tổng cộng 295 triệu USD. So với tháng 8/2020, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng, như thịt và các sản phẩm thịt tăng 63%, tiếp đến sản phẩm cao su tăng 34%, gạo tăng 27%, rau quả tăng 10%. Trong khi đó, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm, chè giảm nhiều nhất là 27%, hạt tiêu giảm 15%, hạt điều giảm 9%. Tuy nhiên, so với cùng kỳ, sản phẩm từ cao su là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu tăng cao nhất với 81%, tiếp đến là mây tre đan tăng 55% trong khi chè giảm nhiều nhất với 48%, gạo giảm 10%, các mặt hàng khác giảm không đáng kể (chi tiết tại phụ lục đính kèm).

Theo dự báo cập nhật tháng 10/2020 của USDA, sản lượng gạo của EU trong năm 2020 vẫn được dự báo là sẽ đạt xấp xỉ so với năm trước với khoảng 2,0 triệu tấn. Về nhập khẩu, lượng gạo nhập khẩu của EU kỳ vọng sẽ đạt 2,3 triệu tấn, tăng 141 nghìn tấn so với năm ngoái.

Theo báo cáo Triển vọng thị trường ngắn hạn của Ủy ban Châu Âu (EC), sản lượng thịt lợn năm 2020 của khối EU-27 (không tính Vương quốc Anh) được dự báo sẽ duy trì tương đối ổn định, chỉ giảm khoảng 0,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong nửa đầu năm 2020, sản lượng thịt lợn đã bị hạn chế do số lượng giết mổ đã sụt giảm ở một số nước sản xuất chính, do dịch bệnh Covid-19 bùng phát gây gián đoạn cho toàn bộ quá trình chế biến và khiến nhu cầu bị giảm. Bên cạnh dó, dịch tả lợn châu Phi được phát hiện ở Đức và những hạn chế về thương mại cũng đã làm gia tăng thêm áp lực về giá cho sản phẩm thịt lợn.

Ủy ban Châu Âu (EC) cũng dự báo tăng tưởng xuất khẩu thị lợn của khối trong năm 2020 chỉ đạt khoảng 2%, xuất khẩu thịt lợn có khả năng giảm 10%, một phần do những ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh tại Đức, và một phần do những dự báo về việc phục hồi sản lượng lợn của Trung Quốc, đối tác nhập khẩu thị lợn lớn của EU. Đối với thịt bò, sản lượng thịt bò năm 2020, của EU hiện được dự đoán sẽ giảm đáng kể hơn so với dự báo nửa năm trước đó. Nguyên nhân chủ yếu cũng được nhận định là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 đang bùng phát mạnh ở châu Âu, đã khiến nhu cầu giảm sút, và sản lượng giết mổ cũng hạn chế. Đối với thị gia cầm, dự báo tăng trưởng sản lượng thịt gà của EU-27 năm 2020 sẽ giảm 1,6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bộ Nông nghiệp Hà Lan đã xác nhận  Cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) đã phát hiện trên một trang trại gia cầm thương phẩm gần vùng chăn nuôi gia cầm chủ yếu ở Hà Lan. Hà Lan trước đây đã từng trải qua đợt bùng phát HPAI trên đàn gia súc thương mại của mình vào các năm 2003, 2014, 2016 và 2017. Trong khi đó, tại Ailen,  Scrapie (một căn bệnh gây tử vong, thoái hóa ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương của cừu và dê) đã được xác nhận trên một con cừu ở trang trại Stóru-Akrar (quy mô 800 con cừu) ở Skagafjörður. Sau đó, bệnh được xác định trên ba trang trại khác. Chính phủ hiện đang đánh giá mức độ phổ biến của căn bệnh này nhưng dự đoán một số lượng đáng kể động vật sẽ cần phải bị tiêu hủy.

Dịch bệnh Covid -19 đang tác động lớn đến xu hướng tiêu dùng của khu vực Châu Âu. Người tiêu dùng tập trung nhiều hơn tới sản phẩm lành mạnh, bền vững và truy xuất được nguồn gốc. Bên cạnh đó, dịch bênh đã tác động mạnh mẽ đến ngành chế biến thủy sản của các quốc gia Châu Âu đặc biệt là ở Tây Ban Nha, Italy và Pháp, điều này có ảnh hưởng đến việc nhập khẩu nguyên liệu thủy sản như cá ngừ, cá mòi hoặc cá cơm từ các nước xuất khẩu. Covid-19 đã có ảnh hưởng nhiều tới ngành tôm: sản xuất từ trang trại tới nhà máy giảm, logistic bị ảnh hưởng, xu hướng tiêu thụ tôm của người dân châu Âu cũng thay đổi. Các chuyên gia ngành tôm EU cho rằng, cạnh tranh ngành hàng tôm ở các phân khúc đều có xu hướng tăng. Nhu cầu tôm cho phân khúc bán lẻ đang được cải thiện hơn khi chuẩn bị tới các kỳ nghỉ lễ. Các nhà hàng, dịch vụ thực phẩm đang từng bước mở cửa trở lại, ngành du lịch cũng đang bắt đầu khởi động.

Thị trường EU là thị trường xuất khẩu thứ 5 cho gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam (sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) và chiếm 4.0% tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2020. Xuất khẩu gỗ & SP gỗ của Việt Nam sang thị trường EU trong tháng 9 có xu hướng hồi phục so với tháng trước đó.  Theo đánh giá của Tổ chức gỗ nhiệt đới thế giới (ITTO), thị trường EU về gỗ & SP gỗ có xu hướng phục hồi từ tháng 7/2020. Tuy vậy, mức độ phục hồi và diễn biến mới của dịch bệnh trong mùa đông vẫn mang đến những rủi ro trong thời gian tới. Mặt hàng được kỳ vọng sẽ phục hồi nhanh chóng trong thời gian tới của là đồ gỗ trong ngành xây dựng (gỗ dán, gỗ xây dựng), nhưng đây không phải là mặt hàng thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang EU. Do đó, dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ & SP gỗ của Việt Nam các tháng cuối năm sẽ ít có sự tăng trưởng đột biến. Tuy Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) không mang lại nhiều lợi thế cạnh tranh về thuế cho các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ của Việt Nam nhưng đây là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp gỗ để gia tăng tiếp cận, sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ Châu Âu với chất lượng tốt, nguồn gốc rõ ràng, nhờ được xóa bỏ thuế nhập khẩu, đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đã thông báo điều tra về tình trạng khai thác gỗ lậu và thao túng tiền tệ của Việt Nam theo Mục 301 của Đạo luật Thương mại [1].

Việc tham gia các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) nhất là Hiệp định EVFTA có hiệu lực và đi vào thực thi từ ngày 01/8/2020 với các cam kết cắt giảm thuế quan của các đối tác đối với hàng có xuất xứ Việt Nam đã làm tăng khả năng cạnh tranh và giúp hàng hóa của Việt Nam mở rộng thị phần tại các thị trường đối tác, là động lực thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu. Kể từ khi EVFTA có hiệu lực (từ ngày 01/8) đến nay, các tổ chức được ủy quyền đã cấp gần 15.000 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) mẫu EUR.1 với kim ngạch gần 700 triệu USD đi 28 nước EU. Các mặt hàng đã được cấp C/O mẫu EUR.1 chủ yếu là giày dép, thủy sản, nhựa và các sản phẩm nhựa, cà phê, hàng dệt may, túi xách, va li, rau quả, sản phẩm mây, tre, đan; nông sản; hàng điện tử...  Trong khoảng thời gian này, các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam bước đầu đã tận dụng ưu đãi để xuất khẩu vào thị trường châu Âu. 

Bộ Công thương cho biết EU cho phép áp dụng ưu đãi theo Hiệp định EVFTA đối với cả những lô hàng đã xuất khẩu tối đa 24 tháng trước thời điểm EVFTA có hiệu lực. Để hỗ trợ thương nhân xuất khẩu hàng hóa nhằm tận dụng ưu đãi của EVFTA, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý và hạn chế nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa, Cục Xuất nhập khẩu -Bộ Công thương đã ban hành Công văn số 1056/XNK-XXHH ngày 22/9/2020 gửi các cơ quan, tổ chức cấp C/O mẫu EUR.1 hướng dẫn triển khai Điều 39 Thông tư 11/2020/TT-BCT ngày 15/6/2020 về quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định đối với các lô hàng đã xuất khẩu tối đa 24 tháng trước thời điểm EVFTA có hiệu lực. Các thương nhân thực hiện khai báo để được hưởng ưu đãi theo quy định.

Về triển vọng kinh tế Châu Âu trong thời gian tới, theo các chuyên gia sự phục hồi trong quý IV vẫn chưa chắc chắn trong bối cảnh dịch Covid-19 đang tái bùng phát mạnh tại châu Âu. Hàng loạt các quốc gia đã áp dụng lệnh phong tỏa trên diện rộng, trong đó có cả hai nền kinh tế hàng đầu là Pháp và Đức. Đợt hạn chế mới này được dự báo có thể sẽ giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế các quốc gia tại châu lục, nhất là với lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Nhiều chuyên gia phân tích tài chính cho rằng, tình hình tăng trưởng quý IV-2020 của các nước châu Âu sẽ khá bi đát, trong đó Pháp có thể giảm tới 4%, Đức giảm ít nhất 0,5% so với quý III-2020. Kinh tế suy yếu cũng sẽ khiến làn sóng thất nghiệp trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt vào cuối năm nay khi những chương trình hỗ trợ trả lương kết thúc.

Trong bối cảnh đó, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) cho rằng, các nước trong khu vực cần cân nhắc kỹ lưỡng phương án đóng cửa nền kinh tế để chống dịch Covid-19, đồng thời cần tiếp tục chi ngân sách để hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình. ECB đã quyết định không thay đổi lãi suất cơ bản và khẳng định sẵn sàng tăng cường các biện pháp kích thích kinh tế cần thiết để ứng phó đại dịch. Chủ tịch Christine Lagarde của ECB cũng kêu gọi Liên minh châu Âu cần sớm đạt được nhất trí, tiến tới triển khai “liều thuốc khẩn cấp” Quỹ phục hồi kinh tế 750 tỷ euro (khoảng 5,5% GDP của EU năm 2019), gồm phần lớn là các khoản hỗ trợ không hoàn lại cho các nước thành viên bị ảnh hưởng nặng do đại dịch. Trong khi đó Chính phủ các nước vẫn tiếp tục các biện pháp can thiệp thông qua việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Chính phủ Pháp vừa công bố gói hỗ trợ trị giá 100 tỉ euro thông qua tăng chi tiêu và giảm thuế vào đầu tháng 9/2020 để ứng phó với tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19 trong bối cảnh số ca mắc mới mỗi ngày tăng trở lại.

[1] https://ustr.gov/about-us/policy-offices/press-office/press-releases/2020/october/ustr-initiates-vietnam-section-301-investigation

 



Báo cáo phân tích thị trường