Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Bình Định: Năm 2007, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ ước đạt 170 triệu USD
29 | 07 | 2007
Bình Định hiện là 1 trong 3 trung tâm sản xuất đồ gỗ xuất khẩu (ĐGXK) hàng đầu trong cả nước và là “Thủ phủ ĐGXK” của miền Trung. Giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) hàng năm của ĐGXK chiếm trên 60% KNXK toàn tỉnh. Năm 2007, với chỉ tiêu xuất khẩu đồ gỗ của tỉnh đặt ra là 170 triệu USD, chiếm tỉ trọng 60,7% tổng KNXK của tỉnh.

Ngành ĐGXK của tỉnh là một trong những “ngành mũi nhọn”. Vì vậy, tỉnh đã áp dụng đồng bộ các chính sách hỗ trợ đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN… 

Về phía các doanh nghiệp sản xuất ĐGXK của tỉnh đã nỗ lực đầu tư, phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Nhiều DN của tỉnh đã nâng cao năng lực cạnh tranh…

Hàng chục DN chế biến gỗ xuất khẩu được cấp chứng chỉ COC, áp dụng quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000-2001, đồng thời sử dụng nguồn gỗ nhập khẩu có nguồn gốc được khai thác trong các khu rừng được quản lý bền vững (FSC).

Nhiều DN đã đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường và thực hiện giao dịch mua bán qua hệ thống thông tin điện tử, tham gia các hội chợ triển lãm trong nước và quốc tế để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm cơ hội hợp tác lâu dài…

Hiện sản phẩm đồ gỗ của các DN tỉnh Bình Định đã XK qua 55 nước và vùng lãnh thổ, trong đó châu Á chiếm tỉ trọng bình quân 1,7%, châu Âu chiếm 89%, châu Mỹ chiếm 5,9%, châu Phi chiếm 0,3% và châu Đại Dương chiếm 3,2%. Những quốc gia nhập khẩu đồ gỗ của Bình Định chiếm tỉ trọng lớn là: Pháp, Đức, Anh, Hà Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Canada, Úc, Bỉ, Hy Lạp, Đan Mạch (chiếm 80% KNXK đồ gỗ của tỉnh).

Theo Sở Thương mại tỉnh, chỉ tính trong khoảng thời gian 3 năm qua (2004-2006), giá trị kim ngạch xuất khẩu (KNXK) sản phẩm đồ gỗ của các DN trong tỉnh đã có sự tăng trưởng khả quan. Năm 2004 KNXK đồ gỗ là 118,48 triệu USD thì năm 2005 tăng lên 127,437 triệu USD và năm 2006 tăng lên 146,23 triệu USD; mức tăng bình quân 25,8% và chiếm trên 60% tổng KNXK của tỉnh. Tỉ trọng các nhóm ĐGXK chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, sức cạnh tranh sản phẩm được nâng lên. Trong đó, đồ gỗ ngoài trời đạt được giá trị KNXK khá cao: năm 2004 là 118,479 triệu USD, năm 2005 tăng lên 123,832 triệu USD và năm 2006 tăng lên 140,869 triệu USD.

Đối với sản phẩm đỗ gỗ nội thất, thì kể từ năm 2005, lần đầu tiên mặt hàng này bắt đầu XK nhưng KNXK cũng đạt được trên 3,6 triệu USD và năm 2006 đã tăng lên trên 5,4 triệu USD… Có khá nhiều DN của tỉnh thành đạt, trong đó tiêu biểu như: Tổng Công ty PISICO, DNTN Duyên Hải, các công ty TNHH Tiến Đạt, Đại Thành, Quốc Thắng, Ánh Việt, Mỹ Tài, Phước Hưng…

Bên cạnh những thành tích đã đạt được trong những năm qua, sản xuất ĐGXK của tỉnh còn không ít khó khăn.

+Hạn chế lớn nhất của các DN Bình Định là quy mô còn nhỏ, máy móc thiết bị, công nghệ lạc hậu, trình độ tay nghề công nhân còn thấp, sản phẩm ĐGXK đơn điệu; trong khi đó nguồn nguyên liệu tại chỗ cung cấp cho các DN thiếu ổn định, số lượng và chất lượng thấp; việc nhập khẩu gỗ ngày càng khó khăn…

+Thương hiệu sản phẩm ĐGXK của các DN trong tỉnh chưa được quan tâm đầu tư xây dựng; trình độ tổ chức quản lý, sự phối hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh giữa các DN còn nhiều hạn chế.

Theo Sở Thương mại, chỉ tiêu XKĐG năm 2007 của tỉnh Bình Định là 170 triệu USD, chiếm tỉ trọng 60,7% tổng KNXK của tỉnh. Thế nhưng, trong tháng 3-2007, tổng KNXK toàn tỉnh ước thực hiện 23,8 triệu USD, giảm 16,5% so với cùng kỳ năm 2006, trong đó nhóm hàng lâm sản và ĐGXK giảm tới 26,3%. Vì vậy, để thực hiện đạt được kế hoạch XKĐG năm 2007, nhiệm vụ của ngành Thương mại và các DN là không đơn giản, nếu không có những giải pháp hữu hiệu và sự phối hợp đồng bộ.

Giám đốc Sở Thương mại cho biết, để đẩy mạnh hoạt động sản xuất ĐGXK, phải có những giải pháp cơ bản như: Sự phối hợp giữa các sở, ngành chức năng trong việc tháo gỡ khó khăn của các DN, chính sách hỗ trợ các DN, thực hiện cải cách thủ tục hành chính, sự quyết tâm của các DN…

Theo đó, các sở, ngành chức năng của tỉnh cần tạo điều kiện thuận lợi cho DN về mặt bằng, thẩm định môi trường, hệ thống cơ sở hạ tầng… Các DN cần nỗ lực tìm kiếm, mở rộng nguồn nguyên liệu gỗ, tăng cường việc tìm hiểu nguồn cung nguyên liệu gỗ của các thị trường châu Phi, Nam Mỹ… nhằm bảo đảm nguồn nguyên liệu ổn định; đẩy mạnh hoạt động marketing, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bằng các hình thức: quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các hội chợ nước ngoài, các hội chợ mua bán trực tuyến…; đổi mới công nghệ, đầu tư máy móc thiết bị hiện đại; thường xuyên cải tiến kỹ thuật, thiết kế đa dạng, tạo ra nhiều sản phẩm có mẫu mã phù hợp với thị hiếu thị trường XK và mang tính cạnh tranh cao… Đồng thời, các DN cần tăng cường việc áp dụng quy trình quản lý nguyên liệu, đáp ứng tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững và chuỗi hành trình sản phẩm (CoC/FSC), xây dựng tiêu chuẩn chất lượng quốc tế theo tiêu chuẩn ISO 9000…

 

(Vinanet)



Nguồn tin: Vinanet
Báo cáo phân tích thị trường