Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
Nâng tầm gạo miền Tây
13 | 04 | 2021
Bước sang tháng 4-2021, nông dân ĐBSCL đang thu hoạch những trà lúa đông xuân cuối cùng trên diện tích 1,5 triệu ha, sản lượng khoảng 10,7 triệu tấn. Giá lúa những ngày qua sụt giảm nhưng vẫn ở mức cao do nông dân tập trung sản xuất các giống lúa cung ứng phân khúc gạo cao cấp xuất khẩu. Đây được xem là một thay đổi quan trọng của nông dân trồng lúa miền Tây.

Theo SGGP

Nông dân đạt lợi nhuận cao

Theo Bộ NN-PTNT, vụ đông xuân này tại ĐBSCL, sản lượng lúa ước đạt 10,7 triệu tấn, tăng 144.000 tấn so với vụ lúa đông xuân năm ngoái. Năng suất lúa ước đạt trên 7 tấn/ha, tăng 0,2 tấn/ha (cao nhất trong 5 năm trở lại đây). Giá lúa hiện giảm nhẹ khoảng 50-100 đồng/kg, đang dao động từ 6.000 - 7.500 đồng/kg.

Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết: “Nông dân ĐBSCL đạt lợi nhuận trên 45% giá bán”. Còn ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho hay: “Vụ đông xuân năm 2021, năng suất lúa của nông dân Cần Thơ đạt 7,6 tấn/ha. Đây là năm tỉnh sản xuất lúa tốt nhất, năng suất cao nhất và lợi nhuận của nông dân trên 50%”.

Năng suất lúa cao và giá gạo cũng ở mức chấp nhận được trong bối cảnh thị thường gặp khó khăn do dịch Covid-19, cùng đó là tác động của thời tiết cực đoan; thực tế này khác xa so với 5 năm trước. Khi đó, GS-TS Võ Tòng Xuân đã tâm tư: “Nông dân mạnh ai nấy sản xuất, một cách tự phát, muốn trồng giống nào thì trồng, muốn sử dụng kỹ thuật thế nào thì cứ dùng. Người ta trồng nhưng không biết ai sẽ mua và mua với giá bao nhiêu? Vì vậy, mỗi người trồng mỗi giống và họ dùng kỹ thuật theo ý họ. Kết quả là trên cùng cánh đồng có hàng chục giống lúa, hàng chục kiểu trồng, gây ra nhiều tình huống sâu bệnh lan tràn”. 

Nâng tầm gạo miền Tây ảnh 1 Nông dân An Giang thu hoạch lúa chất lượng cao bán cho thương lái

GS-TS Võ Tòng Xuân cũng cho rằng: “Ngành chức năng và doanh nghiệp cần tâm huyết với mặt hàng kinh doanh lúa gạo, không bỏ mặc nông dân tự bơi trong mặt trận sản xuất, mà phải có trách nhiệm tổ chức sản xuất. Mỗi sản phẩm đưa ra thị trường cần được tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, thực hiện đúng quy trình GAP được liên kết 4 nhà, nòng cốt là do doanh nghiệp đầu ra gắn kết với HTX nông nghiệp, đó là cơ sở để hạt gạo Việt Nam tiếp tục vươn xa…”.

Sản xuất theo nhu cầu thị trường

Thực tế sản xuất, kinh doanh lúa gạo như đã nói ở trên tại ĐBSCL có thay đổi lớn trong những năm gần đây. Theo đó, các dòng gạo ST mà nổi lên là ST24, ST25 bán đắt như “tôm tươi” cả thị trường nội địa và xuất khẩu là một điển hình cho sự thay đổi của nông dân trong chọn giống tốt sản xuất để bán cho doanh nghiệp. 

Cục Trồng trọt lý giải: Tỷ lệ nông dân sử dụng giống chất lượng cao, cung cấp cho phân khúc xuất khẩu gạo cao cấp ngày càng tăng. Nhóm lúa thơm, đặc sản (Jasmine 85, ST, RVT, Tài nguyên và Nàng Hoa 9...) chiếm 22% tổng diện tích, tăng 0,2%; nhóm lúa chất lượng cao (OM5451, Đài thơm 8, Hương Châu 6, OM18, OM9577, OM9582, OM4900, OM7347, OM6976...) chiếm 55,5%, tăng 1% so với vụ đông xuân 2019 - 2020. Đặc biệt, tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận và tương đương xấp xỉ 78,57%; hệ thống nhân giống nông hộ, trao đổi khoảng 19,65% (chiếm 25% lượng giống xác nhận được cung ứng); tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp nguyên chủng khoảng 5%... 

Ông Lê Thanh Tùng, Cục phó Cục Trồng trọt, cho biết, Cục Trồng trọt đã đề xuất và định hướng cơ cấu giống lúa theo các tiểu vùng sinh thái ở ĐBSCL phù hợp theo đề xuất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam. Nhìn chung, tỷ lệ sử dụng giống lúa thơm và lúa chất lượng cao tăng, đáp ứng theo yêu cầu thị trường xuất khẩu gạo. 

Nâng tầm gạo miền Tây ảnh 2Nông dân ĐBSCL thu hoạch lúa đông xuân trong niềm vui được mùa - được giá. Ảnh: CAO LONG

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), năm 2021 do điều kiện thời tiết không thuận lợi, sản lượng lương thực giảm ở nhiều nước nên nhu cầu nhập khẩu gạo sẽ tăng trong năm 2021. Thị trường châu Âu được dự báo sẽ sôi động hơn khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) có hiệu lực và Việt Nam là một đối tác thương mại gạo quan trọng. 

Một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo ở ĐBSCL nhận định, việc chuyển đổi, giảm một phần diện tích sản xuất lúa, tập trung cho phân khúc gạo cao cấp, gạo thơm… mang lại nhiều ưu điểm. Qua đó, giảm áp lực tìm đầu ra, đồng thời nâng cao thu nhập cho nông dân trồng lúa. Chất lượng gạo của Việt Nam được nâng tầm đang tạo ra nhiều lợi thế, nhất là cánh cửa vào thị trường châu Âu ngày càng rộng hơn. Hiện thị trường EU có nhu cầu khoảng 2,1 - 2,3 triệu tấn/năm, nhưng hiện tại Việt Nam chỉ mới xuất khoảng 80.000 tấn gạo (theo EVFTA).

Theo Bộ NN-PTNT, trong 3 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 1,1 triệu tấn gạo, trị giá 606 triệu USD, giảm lần lượt 30,4% về lượng và 17,4% về trị giá so với cùng kỳ. Xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm ngoái, nguyên nhân chính là do từ đầu năm 2021 các doanh nghiệp không thuê được container, một số thuê được thì số lượng cũng rất hạn chế. Trong khi đó, giá cước tàu biển và giá thuê container rỗng tăng cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó có mặt hàng gạo… 

 



Báo cáo phân tích thị trường