Kết nối nghiên cứu với thực tiễn
cho một nền NÔNG NGHIỆP tăng trưởng toàn diện
'Giá heo hơi phải đạt 80.000 đồng/kg mới đảm bảo thu nhập cho người dân do giá thức ăn chăn nuôi tăng phi mã'
13 | 04 | 2021
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, với thức ăn chăn nuôi như hiện nay, giá heo hơi phải tăng tương ứng lên mức khoảng 80.000 đồng/kg mới đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi

Nguồn: Vietnambiz.vn

Giá thức ăn chăn nuôi tăng chóng mặt

Theo Cục Chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi tăng khoảng 20% từ đầu năm đến nay. Điều này khiến giá thành chăn nuôi của người dân tăng đáng kể trong khi giá bán lại không đổi. 

Trao đổi với người viết ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết nguyên nhân của giá thức ăn chăn nuôi tăng là do giá khô đậu và ngô tăng tới 50% so với hồi đầu năm. 

Trong khi đó, hai mặt hàng này chiếm tới 30% giá thành của thức ăn chăn nuôi. Ngoài ra, vừa qua do ách tắc ở kênh đào Suez nên lượng hàng nguyên liệu về Việt Nam cũng hạn càng khiến giá mặt hàng này trở nên nóng hơn.

“Giá thức ăn chăn nuôi đang tăng chóng mặt. Thức ăn chăn nuôi chiếm khoảng 60 - 65% giá thành chăn nuôi heo. Giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh trong khi giá heo hơi không tăng chỉ 75.000 - 76.000 đồng/kg gây khó khăn cho người chăn nuôi nuôi. Giá heo như hiện tại người dân cũng có lãi nhưng rất ít.”, ông Trọng cho biết.

Theo trang S&P Global Platts, giá ngô và đậu nành trên Sàn Giao dịch Hàng hóa Chicago (CBOT) đã tăng mạnh trong năm 2020 lên mức đỉnh của nhiều năm và xu hướng này vẫn tiếp tục trong ba tháng đầu năm nay.

Trong một năm qua, giá ngô giao tháng 5 đã tăng gần 68% để leo lên mức cao nhất trong 8 năm và hiện đang duy trì quanh ngưỡng 5,6 USD/bushel (tương đương khoảng 5.200 đồng/kg).

 - Ảnh 1.

Diễn biến giá ngô trong vòng 1 năm trở lại đây. Nguồn: Tradingeconomics

Giá đậu nành giao tháng 5 còn tăng mạnh hơn khi nhảy vọt 77% để đạt mức đỉnh 6 năm rưỡi. Hiện tại, giá đậu nành đang giao dịch quanh mức 14,2 USD/bushel (tương đương 12.000 đồng/kg).

 - Ảnh 2.

Diễn biến giá đậu nành trong vòng 1 năm trở lại đây. Nguồn: Tradingeconomics

Giá ngô và đậu nành Mỹ ở mức cao được dự đoán là sẽ gây ảnh hưởng đáng kể đến hoạt động của các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi tại Việt Nam, vì nước ta đang là thị trường nhập khẩu ngô lớn thứ 4 thế giới.

Theo VTV, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao khiến nhiều hộ phải treo chuồng thậm chí phải tính đến việc chuyển đổi sang mô hình kinh doanh khác bởi không có lãi. 

Về vấn đề này, ông Trọng cho rằng việc người dân treo chuồng là do nhiều yếu tố. Nhưng tựu chung lại phải có lãi người dân mới làm. 

"Với thức ăn chăn nuôi như hiện nay, giá heo hơi phải tăng tương ứng lên mức khoảng 80.000 đồng/kg mới đảm bảo thu nhập cho người chăn nuôi", ông Trong nhận định.

Về phía các doanh nghiệp chăn nuôi, các phương sản xuất và nhập nguyên liệu sản xuất cũng trở nên thận trọng hơn.

Theo ông Võ Việt Dũng Tổng Giám đốc Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, công ty đã sử dụng hết lượng nguyên liệu dự trữ trữ đủ dùng cho 2 - 3 tháng và hiện phải nhập theo giá mới ở mức cao.

Trong khi đó, doanh nghiệp của ông không thể nâng giá bán với mức cao tương ứng bởi nếu làm vậy sẽ rất khó tiêu thụ. 

Theo số liệu của Tổng Cục Hải quan, năm 2020, Việt Nam nhập khẩu tới gần 14 triệu tấn đậu tương và ngô. Trong đó, lượng nhập khẩu ngô hơn 12 triệu tấn.

Sang năm 2021, lượng nhập khẩu của hai mặt hàng này ghi nhận giảm mạnh. Cụ thể trong 2 tháng đầu năm, nhập khẩu ngô chỉ đạt 1,7 triệu tấn, giảm tới 40% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu đậu tương cũng giảm khoảng 35% xuống hơn 360 nghìn tấn. 

Đáng chú ý, mặc dù lượng giảm mạnh nhưng kim ngạch nhập khẩu đậu tương vẫn tăng 11%.

Sống chung với lũ

Theo ông Trọng, cần phải có giải pháp nhằm bình ổn giá thức ăn chăn nuôi trở lại để tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, thức ăn chăn nuôi không nằm trong đối tượng giá bình ổn nên không thể mua dự trữ giống như gạo. Do đó, ngành chăn nuôi buộc phải tuân theo quy luật thị trường và chịu cảnh giá thức ăn ở mức cao ngất ngưởng.

Trong bối cảnh hiện tại, ông Trọng cho rằng việc chăn nuôi theo quy mô lớn và khép kín sẽ cho thấy hiệu quả rõ rệt nhất. 

Theo đó, ngay cả khi giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh như hiện nay thì giá thành chăn nuôi của các doanh nghiệp lớn vẫn ở mức khoảng hơn 60.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá thành của các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ phải mua con giống bên ngoài chi phí chăn nuôi trên 70.000 đồng/kg. 

Ông Trong nói thêm các doanh nghiệp nhập khẩu dự báo giá thức ăn chăn nuôi tiếp tục cao và giá thành sẽ còn cao hơn nữa. Do đó việc chăn nuôi theo chuỗi sẽ phát huy tối đa hiệu quả chống chịu chi phí thức ăn nuôi tăng như hiện nay.



Báo cáo phân tích thị trường