Nguồn: Vietnambiz.vn
Trung Quốc giảm mua, xuất khẩu cao su chậm lại
Do xuất khẩu tới 70% lượng cao su sang thị trường Trung Quốc nên những biến động của thị trường này thường ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu chung của ngành cao su nước ta.
Trong khi đó, tiêu thụ cao su của Trung Quốc thời gian gần đây đã chậm lại đáng kể do ngành công nghiệp ô tô nước này phải đối mặt với ảnh hưởng kép của tình trạng thiếu chip bán dẫn và khủng hoảng nguồn cung điện.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu cao su thiên nhiên và tổng hợp của nước này trong quý III năm nay chỉ đạt 1,7 triệu tấn, giảm tới 25% so với quý III/2020.
Từ tháng 1 đến tháng 9, Trung Quốc nhập khẩu gần 5 triệu tấn cao su, giảm 7,6% so với 5,4 triệu tấn của cùng kỳ năm trước.
Còn theo số liệu của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc, sản lượng lốp cao su sản xuất trong tháng 9 của nước này giảm 14,5% so với cùng kỳ năm ngoái và đạt 68,7 triệu chiếc.
Tình hình sản xuất của ngành công nghiệp săm lốp Trung Quốc trong tháng 10 có dấu hiệu cải thiện song nhìn chung tỷ lệ hoạt động vẫn còn thấp so với cùng kỳ năm trước. Điều này có thể khiến xuất khẩu cao su của Việt Nam sang thị trường này tiếp tục chậm lại trong quý IV năm nay.
Tính đến ngày 22/10, tại Sơn Đông – Trung Quốc công suất hoạt động của các công ty săm lốp là 60,5% với lốp toàn thép, cao hơn 2 điểm phần trăm so với tuần trước đó nhưng thấp hơn 14,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Tỷ lệ vận hành của các nhà máy sản xuất lốp bán thép là 56%, tăng 1,3 điểm phần trăm so với tuần trước nhưng giảm 14,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong quý III năm nay, khối lượng cao su xuất khẩu của Việt Nam sang hầu hết thị trường chính như Ấn Độ, Hàn Quốc, Mỹ, Đức… đều tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng riêng lượng cao su xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 21,1% (tương ứng giảm 109.709 tấn) xuống còn 410.949 tấn.
Do đó đã kéo theo tổng khối lượng cao su xuất khẩu của cả nước trong quý III giảm 8,9% so với cùng kỳ năm trước, đạt 574.760 tấn.
Cùng với đó, giá xuất khẩu cao su bình quân cũng giảm 3,9% so với quý II, xuống còn 1.650 USD/tấn.
Nhưng do mặt bằng giá vẫn cao hơn cùng kỳ năm ngoái nên kim ngạch xuất khẩu vẫn tăng 20,9%, đạt 948,4 triệu USD.
Bên cạnh đó, nhờ tốc độ tăng trưởng cao đạt được trong nửa đầu năm nên xuất khẩu cao su sau 9 tháng đầu năm tăng 15,8% về lượng và tăng 51,2% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 1,3 triệu tấn, trị giá 2,2 tỷ USD.
Tình trạng thiếu chip bán dẫn trong ngành sản xuất ô tô toàn cầu đang kìm hãm nhu cầu tiêu thụ cao su
Cao su hiện được sử dụng chủ yếu trong ngành sản xuất săm lốp ô tô, tuy nhiên sản xuất ô tô toàn cầu lại đang gặp nhiều khó khăn do tình trạng thiếu chip bán dẫn.
Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM), doanh số bán ra tại thị trường ô tô lớn nhất thế giới đạt 2,07 triệu xe trong tháng 9, giảm 19,6% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng sụt giảm thứ 5 liên tiếp do tình trạng thiếu chip bán dẫn kéo dài và cuộc khủng hoảng nguồn cung điện trong nước làm gián đoạn sản xuất.
Trên thế giới, bước sang tháng 10, nhiều hãng ô tô hàng đầu đã phải ngừng sản xuất trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung chip. Đồng thời, doanh số bán ô tô tháng 9 tại châu Âu, Mỹ và Nhật Bản được công bố cũng cho thấy sự sụt giảm khá lớn.
Tại châu Âu, doanh số ô tô tại khu vực trong tháng 9 đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1995 do tình trạng thiếu hụt nguồn cung linh kiện bán dẫn trên toàn cầu.
Số liệu từ Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô châu Âu (ACEA) cho thấy, lượng xe du lịch đăng ký mới trong tháng 9 vừa qua đã giảm 23,1% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 718.598 xe.
Trong đó, doanh số bán ra ở tất cả các thị trường lớn tại EU đều ghi nhận mức giảm hai con số: Italia giảm 32,7%, Đức giảm 25,7%, Pháp giảm 20,5% và Tây Ban Nha giảm 15,7%.
Thị trường ô tô Mỹ cũng không ngoại lệ khi các chuyên gia trong ngành ô tô nước này dự báo doanh số bán xe mới của Mỹ trong tháng 9 sẽ giảm khoảng 25% so với cùng kỳ năm 2020.
Còn tại Nhật Bản, theo báo cáo sơ bộ của Bộ Tài chính nước này, xuất khẩu ô tô của Nhật Bản trong tháng 9 đã giảm 40,3% so với cùng kỳ năm 2020.
Một số nhà quan sát thị trường cho rằng, tình trạng thiếu chip bán dẫn dự kiến sẽ tiếp tục cho đến năm 2022 và trở lại bình thường vào năm 2023.
Bên cạnh tình trạng đình trệ sản xuất do thiếu hụt nguồn cung chất bán dẫn toàn cầu còn có những yếu tố mới đáng lo ngại khác, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng năng lượng tại Trung Quốc và Vương quốc Anh, trong khi chi phí nguyên liệu thô đang tăng cao. Những yếu tố này có thể khiến doanh số bán xe mới tiếp tục giảm trong những tháng tới.
Theo Hiệp hội các nước sản xuất cao su tự nhiên (ANRPC), sản lượng cao su tự nhiên toàn cầu tăng 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái lên 1,3 triệu tấn trong tháng 9. Ngược lại, tiêu thụ ước tính giảm 2,3% xuống 1,2 triệu tấn sau khi tăng trưởng mạnh trong 8 tháng liên tiếp. Trong đó, Trung Quốc giảm 9%, Ấn Độ giảm 16,3%, Thái Lan giảm 16,1% và Malaysia giảm 6,1%.
Trong tháng 10, ANRPC dự kiến tiêu thụ sẽ tiếp tục giảm 3% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 1,1 triệu tấn.
Giá cao su khó lập lại mức tăng mạnh như quý IV năm ngoái
Trong 20 ngày đầu tháng 10, giá cao su thế giới bất ngờ tăng mạnh do lo ngại mưa lũ tại Thái Lan làm gián đoạn nguồn cung của nhà xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới. Ngoài ra, giá dầu thô thế giới mạnh lên cũng tác động tích cực đến nhu cầu cao su tự nhiên so với cao su tổng hợp.
Nhưng cản trở lớn nhất đối với thị trường cao su thiên nhiên hiện nay vẫn là lực cầu yếu, do đó dẫn đến tình trạng giá lên nhanh và xuống cũng nhanh.
Tại Nhật Bản, sau khi tăng 19,3% trong 20 ngày đầu tháng 10 giá cao su RSS 3 giao tháng 11 trên sàn giao dịch TOCOM đã giảm 5% xuống còn 227 Yên/kg trong ngày 26/7.
Tương tự, giá cao su thiên nhiên trên sàn Thượng Hải hợp đồng giao tháng 11 tăng 9,6% trong 20 ngày đầu tháng 10 nhưng giảm 7,3% chỉ một tuần sau đó xuống mức 13.375 Nhân dân tệ/tấn trong ngày giao dịch 26/10.
Riêng tại Thái Lan, giá cao su RSS 3 duy trì mức tăng 7,6% so với cuối tháng 9 lên mức 63,72 Baht/kg.
Lượng mưa ở các khu vực sản xuất chính ở khu vực Đông Nam Á hiện đã giảm song thị trường vẫn lo ngại tác động của khí hậu La Nina đối với việc sản xuất cao su tự nhiên. Mặc dù vậy, các khu vực sản xuất chính ở Đông Nam Á đang chuyển sang mùa sản xuất cao điểm và nguồn cung dự kiến sẽ tăng lên.
Trong khi đó, tình trạng thiếu chip bán dẫn khiến nhiều hãng xe ô tô phải cắt giảm sản lượng, doanh số bán ra giảm và các chính sách cắt giảm năng lượng được cho là tiếp tục kìm hãm nhu cầu đối với cao su tự nhiên.
Do đó, các nhà phân tích thị trường cho rằng, giá cao su khó có thể tăng mạnh như quý IV năm trước nhưng cũng không có nhiều dư địa giảm.